(GD&TĐ) –Đó là một câu nói xa xưa mà chúng ta hay nói nhưng lại rất ít người tin. Tuy nhiên, hiện một nghiên cứu mới của một nhà kinh tế được coi là “cha đẻ của các nghiên cứu về hạnh phúc” đã thấy rằng câu nói trên là đúng.
Mẫu nghiên cứu 37 quốc gia của ông cho thấy mức gia tăng của hạnh phúc không đồng hành với mức gia tăng của sự giàu có.
Trong khi đó, những nghiên cứu ngắn hạn thì lại phát hiện ra một sự liên kết giữa giàu có và hạnh phúc. Giáo sư Richard Easterlin cho rằng điều này không thể hiện nếu nhìn vào các nước trong vài thập kỷ.
Tiền có mua được hạnh phúc? |
Thậm chí ở những nền kinh tế thành công nhất thế giới trong 2 thập kỷ qua, điều này cũng không đúng.
Tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Chile – đều chứng kiến thu nhập bình quân đầu người tăng lên gấp đôi trong vòng 20 năm qua nhưng lại không có sự tăng đáng kể nào về hạnh phúc. Ở Hàn Quốc “sự hài lòng với cuộc sống” còn giảm nhẹ.
Giáo sư Easterlin của trường ĐH Southern California, Mỹ nói: “Bài viết này bác bỏ những thông tin gần đây cho rằng có một mối quan hệ tích cực lâu dài giữa hạnh phúc và thu nhập, trong khi thực tế, mối quan hệ này là bằng “0””.
Ông giải thích: “Nói một cách đơn giản, nghịch lý hạnh phúc – thu nhập là: Tại một thời điểm, trong một quốc gia, hạnh phúc và thu nhập có tương quan tích cực với nhau. Tuy nhiên, qua thời gian, hạnh phúc không tăng lên khi thu nhập của quốc gia tăng lên”.
Đã có một vài nhà kinh tế đưa ra những bằng chứng cho thấy hạnh phúc thực tế có tăng lên cùng với thu nhập. Tuy nhiên, nghiên cứu 5 năm của giáo sư Richard Easterlin đối với các nước giàu và nghèo thì lại cho kết quả ngược lại.
Tháng trước, Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố rằng ông muốn có một cuộc bàn luận tầm quốc gia về hạnh phúc để đưa ra “một sự nhận định mới xem điều gì là quan trọng”. Để làm được việc này, Văn phòng thống kê quốc gia đã bắt đầu đo mức độ hạnh phúc của mọi người.
Giáo sư Easterlin nói rằng đây là phương pháp có thể rất hữu ích cho các quốc gia có mức thu nhập tăng nhanh.
Hà Châu (Theo Telegraph)