(GD&TĐ) – Vừa qua, Công ty Sách Khai Tâm cho ra mắt độc giả cuốn sách “Sống tận” của vị Lạt ma Shyalpa Tenzin Rinpoche. Với cách tiếp cận vấn đề đơn giản và thấu suốt qua nhân sinh quan Phật giáo, vị Lạt ma chỉ ra con đường tận diệt khổ đau mà Đức Phật đã đề ra.
Shyalpa Tenzin Rinpoche sinh ra ở giữa những ngọn đồi thấp dưới chân dãy núi Himalaya, ông được dạy dỗ như một vị Lạt ma từ khi lên bốn tuổi. Rinpoche đã nhận được những sự truyền giáo của các trường học ưu tú của đạo Phật ở Tây Tạng. Ông cũng là người nắm giữ giáo pháp Đại cứu cánh (còn được gọi là Đại viên mãn hay Đại thành tựu), được coi là Mật giáo cao nhất mà Đức Thích-ca Mâu-ni chân truyền.
Ông đã thực hiện vô vàn những cuộc hội thảo, truyền đạo, và tu tập ở khắp các trung tâm trên toàn thế giới cũng như các buổi trò chuyện tại Havard, Yale, Wesleyan, và Napora cùng nhiều nơi khác.
Trong cuốn sách này, ông đưa ra các bước hướng dẫn chi tiết, từ việc hiểu về bản chất đích thực của cuộc đời cho tới những phẩm chất cần nuôi dưỡng, từ bước khởi đầu thông minh cho tới việc cần thiết có một người thầy chỉ giáo, dẫn đường. Từ đó, người đọc có thể khai thác được năng lực bản thân để sống sao cho tận nhất.
Với cách tiếp cận vấn đề đơn giản và thấu suốt qua nhân sinh quan Phật giáo, vị lạt ma Rinpoche chỉ cho chúng ta con đường để sống sao cho tận nhất, cũng chính là con đường tận diệt khổ đau mà Đức Phật đã đề ra.
“Nỗi sợ hãi nảy sinh như thế nào? Nó đến từ đâu? Nó sẽ đi đâu? Nếu nhìn vào nỗi sợ hãi với sự sáng suốt của nhận thức, bạn sẽ không cần viện đến chiến thuật lẩn tránh hay thủ đoạn công kích. Tuy nhiên, phần lớn chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với sợ hãi. Khi đối mặt với nguy hiểm, nếu không hoàn toàn hiện diện và tỉnh táo, nỗi sợ sẽ áp đảo ta. Bề ngoài, ta có vẻ tự tin trong bộ comple hay váy lụa đắt tiền, nhưng nỗi sợ hãi vẫn ẩn nấp bên trong bởi nhận thức về nó rất ít.
Ta có thể giả định rằng khủng hoảng tài chính hay mối quan hệ tan vỡ là nguyên nhân của nỗi sợ hãi và bất an của mình. Thật ra là ta sợ hãi khi không nhận ra tính chất bền vững trong bản chất thật sự của mình. Bản chất này không sinh ra và không chết đi, nó chính là lòng dũng cảm tự nhiên.”
Và triết lý sống thật giản đơn mà thấu suốt:
“Thách thức lớn nhất đối với chúng ta là sống trọn vẹn. Cuộc đời sẽ không thỏa mãn thực sự khi ta không thể sống hết mình từng phút từng giây và nắm được cốt lõi bản năng quý giá của con người. Tạm thời ta có thể tận hưởng sức khỏe dồi dào và những tiện nghi về vật chất, nhưng cuộc đời đang trôi vụt qua như những hạt cát chảy trong chiếc đồng hồ. Hơn nữa, không có gì đảm bảo rằng ta sẽ thức dậy sau giấc ngủ đêm nay!
Do đó, tôi chân thành khuyên bạn đọc hãy hít thở thật trọn vẹn ngay bây giờ! Hãy sống đầy quan tâm như thể sẽ không có ngày mai.”
PV