"Ngôi sao mới trong các chòm sao toán học ở phía Đông thế giới"

"Ngôi sao mới trong các chòm sao toán học ở phía Đông thế giới"

(GD&TĐ)-Sáng nay (16/1), nhiều mô hình hoạt động của các viện toán học trên thế giới đã được chia sẻ tại hội thảo “Vai trò của các viện nghiên cứu cao cấp trong phát triển Toán học tại Việt Nam và khu vực” do Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán tổ chức tại Hà Nội. GS.Ngô Bảo Châu – Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán đã về nước dự hội thảo cùng các nhà khoa học và quản lý Viện nghiên cứu về Toán học đến từ nhiều nước trên thế giới.

Hội thảo thu hút sự tham dự của các giáo sư Toán học đầu ngành nhiều nước trên thế giới. Ảnh:gdtd.vn
Hội thảo thu hút sự tham dự của các giáo sư Toán học đầu ngành nhiều nước trên thế giới. Ảnh:gdtd.vn

Trong bài trình bày về quá trình phát triển của Viện Toán tại Viện nghiên cứu cơ bản Tata (TIFR) từ một trung tâm toàn học vô danh đến khi trở thành một Viện có trình độ cao như hiện nay, GS.M.S. Raghunathan - Trung tâm Toán học Quốc gia Học viện Kỹ thuật Ấn Độ, Mumbai nhấn mạnh vai trò của Chandrasekharan, người đã đặt ra một cơ chế tuyển chọn tài năng từ khắp nơi trên quốc gia, đồng thời mời nhiều nhà toán học hàng đầu châu Âu đến dạy những khóa cao học tại Viện...

 “Trong mỗi khóa học do giáo sư mời, Chandrasekaran đã chọn một sinh viên để ghi lại bài giảng và xuất bản tại TIFR. Điều này đảm bảo rằng những sinh viên ghi lại những bài giảng đó ít nhất cũng có được tài liệu của những bài giảng này. Những bài giảng này đã khơi ra những vấn đề thú vị mà nhiều sinh viên đã chọn để giải quyết trong luận văn của họ. Một vài vấn đề có chất lượng khoa học rất cao. Tập bài giảng xuất bản bởi TIFR đã chứng minh được nó là một trong những thứ có giá trị rất lớn của cộng đồng toán học, đặc biệt là cho những học viên cao học trên toàn thế giới. Sinh viên được khuyến khích tổ chức những lớp nghiên cứu chuyên đề chính quy và không chính quy, điều này khiến cho chương trìnhcao học trở nên rất thú vị. Tôi vẫn còn những kỉ niệm rất mạnh mẽ về  thời kì còn là sinh viên cao học đầu những năm 60. Những vị khách mời thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, một vài còn khác xa với lĩnh vực chuyên môn của Chandrasekharan và Ramanathan. Điều này có nghĩa là sinh viên đã được tiếp cận với rất nhiều lĩnh vực khác nhau và có quyền tự do chon lựa những lĩnh vực họ thích. Những sinh viên có thành tích tốt được nhận vào Viện Toán. Viện đã có những thành tựu cùng với sự phát triển mạnh mẽ, điều chưa xảy ra ở bất cứ đâu trong nước. Trong thời gian này, học viện cũng xử lý mạnh tay với những sinh viên không đạt được những tiêu chuẩn đề ra. Tôi tin rằng đây là một Viện mà đất nước chúng tôi có thể tự hào và có thể lấy làm kiểu mẫu cho các quốc gia thế giới thứ 3” - GS.M.S. Raghunathan.

Chúc mừng cộng đồng Toán học Việt Nam đã thành lập được Viện nghiên cứu cao cấp về Toán Việt Nam, GS.K.A.M.Atan – Viện nghiên cứu về Toán ĐH Putra Malaysia khẳng định, đây thực sự đánh dấu mốc quan trọng trong việc phát triển và thúc đẩy nghiên cứu về Toán ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Đây cũng là sự ra đời của một ngôi sao mới trong các chòm sao toán học ở phía Đông thế giới.

GS.K.A.M.Atan bày tỏ niềm tin, các nhà sáng lập ra Viện nghiên cứu cao cấp về Toán ở Việt Nam đã đề ra những mục tiêu rõ ràng cho Viện, dù là  mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn.

Để đạt được mục tiêu đề ra, GS.K.A.M.Atan cho rằng, điều tối quan trọng là đưa ra các chương trình làm việc thích hợp và rõ ràng và thực hiện nó. Để thực hiện một cách thành công điều này, các chương trình phải mang tính thực tế và trong khả năng thực hiện của Viện, hơn nữa, mõi thành viên trong ban quản lý của Viện đều phải nắm được tầm nhìn và nhiệm vụ của mỗi chương trình. “Nếu mọi người cùng hợp tác thì những tầm nhìn và mục tiêu của Viện sẽ không quá khó để thực hiện” - GS.K.A.M.Atan nói.

Cũng theo GS.K.A.M.Atan, mỗi phần công việc được đặt ra trong nhiệm vụ của Viện nên hướng đến những mục tiêu cụ thể, từ đó đạt được các mục tiêu chung. Mỗi mục tiêu chắc chắn sẽ góp phần vào sự hoàn thành nhiệm vụ chung. Mặt khác, một mục tiêu bị thất bại sẽ gây khó khăn cho việc hoàn thành nhiệm vụ mà từ đó hình thành nên tầm nhìn của Viện. Do đó, điều quan trọng và cần thiết là ban quản lý Viện cần thực hiện biện pháp để bảo đảm các nhiệm vụ được triển khai nhịp nhàng.

GS.L.Chen (NUS) và GS.Ngô Bảo Châu. Ảnh: gdtd.vn
GS.L.Chen (NUS) và GS.Ngô Bảo Châu. Ảnh: gdtd.vn

Mong muốn lớn của cộng đồng Toán học ở mọi nơi trên thế giới là được chứng kiến các hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực tri thức này và có thể đóng góp và tiến bộ chung của quốc gia mình. Các hoạt động dù là lý thuyết hay thực hành đều cần vì mục tiêu nâng cao trình độ văn minh cho con người. Điều này bao gồm việc nâng cao trình độ học vấn chung của cộng đồng, chất lượng sống, nâng tầm nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc hiểu nhau trong việc giải quyết các vấn đề của cộng đồng, trách nhiệm công dân và rất nhiều vấn đề khác. Nhiều người đã nhận ra rằng, Toán học đóng vai trò quan trọng và cơ bản trong sự phát triển của các ngành khoa học và đem lại tiến bộ cho nền kinh tế quốc gia. Đây là những  yếu tố cốt lõi để nâng cao nền văn minh của mỗi quốc gia.

GS.K.A.M.Atan đề xuất, Viện nghiên cứu cấp cao về Toán ở Việt Nam nên thành lập một hội đồng chỉ đạo do chính Viện chỉ định gồm những nhà toán học Việt Nam và nước ngoài và hịp định kỳ để đưa ra những hướng dẫn thực hiện chứng năng của mình. Viện cũng cần có nguồn kinh phí dồi dào, ổn định và liên tục. 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ