"Nếu biết cách kể, trẻ con cũng quan tâm đến chủ quyền biển đảo"

"Nếu biết cách kể, trẻ con cũng quan tâm đến chủ quyền biển đảo"

Xung quanh việc đưa những vấn đề về Trường Sa - Hoàng Sa vào truyện tranh cho thiếu nhi, ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã có cuộc trao đổi với phóng viên.

Ông Lê Như Tiến- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng
Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng

Việc đưa những vấn đề về chủ quyền biển đảo Trường Sa - Hoàng Sa vào truyện tranh cho thiếu nhi đang gây tranh cãi. Phía ủng hộ cho rằng, lịch sử dân tộc trong đó có câu chuyện về chủ quyền, biển đảo nên đưa vào truyện tranh để trẻ em Việt Nam sớm tiếp cận, từ đó hiểu hơn về quê hương đất nước mình. Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, các em còn quá nhỏ để hiểu hết những vấn đề lớn lao về chủ quyền, biển đảo… Ý kiến của cá nhân ông quanh sự việc này?

Khi Luật Biển được Quốc hội thông qua, có nhiều nhà báo đến gặp tôi và đặt câu hỏi về việc nên hay không nên đưa những vấn đề về chủ quyền biển đảo vào các chương trình sách giáo khoa, giáo dục trong nhà trường. Ngay ở thời điểm đó (khi Luật Biển thông qua vào ngày 21/6/2012), tôi đã trả lời, việc này rất nên làm. Tuy nhiên cũng phải khẳng định ngay, cách làm như thế nào- cũng rất quan trọng.

Nghĩa là, theo ông, phải có đặc thù riêng trong việc đưa thông tin lịch sử, đưa thông tin về chủ quyền biển đảo đến với lứa tuổi thiếu nhi, nhi đồng... ?

Đúng như thế. Không thể đưa những thông tin này một cách cứng nhắc. Lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng không thể tiếp thu thông tin về chủ quyền biển đảo nói riêng và những thông tin lịch sử nói chung một cách khô cứng.

Như bạn đã chia sẻ, những vấn đề về Trường Sa - Hoàng Sa đã được đưa vào truyện tranh, tôi nghĩ, chúng ta còn có thể tiếp tục đưa những vấn đề chủ quyền biển đảo vào thơ ca, âm nhạc, phim, tranh… để phổ biến ở nhiều lĩnh vực, với nhiều lứa tuổi.

Với đối tượng là thiếu niên, nhi đồng, những câu chuyện lịch sử phải được chuyển tải một cách mềm mại, hấp dẫn, phù hợp. Từ nội dung đến hình thức thể hiện của câu chuyện phải đủ sức thu hút đối với các em. Nếu không, sẽ rất khó.

Với các em thiếu niên, nhi đồng có thể câu chuyện về Trường Sa- Hoàng Sa được chuyển tải đơn giản qua những hình ảnh minh họa đẹp mắt, những câu chuyện hấp dẫn, mềm mại. Ở những bậc học cao hơn như phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, đại học… những vấn đề về biển đảo, quyền và chủ quyền sẽ được đưa vào nhiều hơn, với mức độ cao hơn.

Nghĩa là, tùy vào lứa tuổi khác nhau, tùy vào từng bậc học khác nhau, chúng ta sẽ đưa những vấn đề lịch sử, vấn đề chủ quyền biển đảo một cách khác nhau.
Nếu biết cách kể chuyện hấp dẫn, sáng tạo, dù là trẻ con hay lứa tuổi nào cũng sẽ quan tâm đến Trường Sa - Hoàng Sa và chủ quyền biển đảo.
Sau khi cuốn truyện tranh về Trường Sa - Hoàng Sa xuất bản, báo chí đã đưa tin về việc truyền thông Trung Quốc e ngại trước cuốn truyện tranh này của Việt Nam… Ông đã đọc thông tin này?

Tất cả những vấn đề này chúng ta đã khẳng định bằng văn bản pháp luật, khẳng định bằng luật biển. Có gì phải e ngại?

Ông có tin rằng, với việc đưa những câu chuyện về Hoàng Sa- Trường Sa rộng rãi, được viết bằng truyện tranh cho thế hệ thiếu niên, nhi đồng… Tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc sẽ được nhen nhóm mạnh mẽ ngay từ các em nhỏ?

Tôi tin như thế.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ