(GD&TĐ)- Luật Giáo dục Đại học càng ra sớm càng mang lại nhiều lợi ích cho xã hội - Đó là khẳng định của TS.Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT trường ĐH Nguyễn Trãi trong cuộc trò chuyện với PV báo Giáo dục & Thời đại xung quanh Luật Giáo dục Đại học.
TS.Nguyễn Tiến Luận cũng cho rằng, Dự thảo (5) Luật Giáo dục Đại học thực sự có nhiều đột phá và đã đề cập sát sườn các vấn đề liên quan đến hoạt động của nền giáo dục đại học.
PV: Với tư cách là nhà đầu tư cho giáo dục đại học, ông có ý kiến gì đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật?
TS.Nguyễn Tiến Luận: Nhà nước ta hiện nay cho phép hoạt động về GDDH với hai mô hình cơ bản: Công lập và tư thục. Về công lập, hoạt động chủ yếu từ nguồn ngân sách do nhà nước cấp và các trường phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà nước. Vì vậy, theo tôi, họ nên tập trung đào tạo nguồn nhân lực để cung cấp cho hoạt động hệ thống chính trị, ví như: Nhà nghiên cứu, công chức nhà nước.
Trường tư thục với nền tảng là do huy động từ nguồn vốn các nhà đầu tư và nguồn lực xã hội. Do vậy, các trường tư thục cần được chính phủ giao thị phần đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường lao động, đặc biệt là trong các khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh và xuất khẩu lao động.
TS.Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT trường ĐH Nguyễn Trãi. Ảnh:gdtd.vn |
Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế đang là xu hướng của thời đại, không một quốc gia nào có thể đi ngược lại được. Giáo dục đại học cần bắt nhịp kịp thời, phải hội nhập. Càng nhanh, càng đầy đủ thì lợi ích xã hội đạt được càng lớn. Ví dụ: Các nước công nhận kết quả đào tạo, công nhận bằng cấp của chúng ta; Các nhà sử dụng lao động chấp nhận và bằng lòng với nguồn nhân lực đại học của chúng ta…Điều đó có nghĩa là chúng ta đã đào tạo được công dân toàn cầu.
Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta nên có một sự đột phá mạnh hơn nữa trong việc xây dựng hệ thống quản lý về giáo dục đại học.
Thứ ba, Dự thảo Luật giáo dục đại học có nêu về quản lý vĩ mô và vi mô đối với giáo dục đại học. Song chưa nêu được một cách cụ thể và rõ ràng về quy trình thành lập, chế độ kiểm tra, giám sát, đánh giá, kiểm định, xếp hạng trường đại học. Đặc biệt là các trường đại học tư thục.
Thứ tư, Về chính sách cho các trường đại học tư thục có nêu trong dự thảo nhưng chưa cụ thể và đầy đủ. Ví dụ: chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ cho các trường này (đất đai, thủ tục hành chính, thuế, học phí, học bổng, đào tạo cán bộ giảng viên; hay việc nhà nước cần hỗ trợ kinh phí cho sinh viên các trường này về kỹ năng, hỗ trợ thông tin, việc làm, đề tài nghiên cứu khoa học…). Đối với các nước phát triển, trường tư thục đều được chính phủ hỗ trợ.
Dự thảo Luật GDDH cũng cần phải có các chương, các điều dành riêng cho loại hình cho các cơ sở giáo dục đại học công lập và dành riêng cho các cơ sở giáo dục đại học tư thục.
Điều 5, cơ sở giáo dục đại học không vì lợi nhuận là cơ sở đại học không được chia lợi nhuận cho các cổ đông và các thành viên giữ phần vốn góp, tôi nghĩ rằng vấn đề này làm hạn chế cho các nhà đầu tư khi họ tham gia đầu tư cho giáo dục đại học tư thục. Đồng thời, quy định như vậy khó có thể phát triển lĩnh vực tư thục theo mong muốn của Chính phủ cũng như theo mong muốn và nhu cầu của xã hội.
Trong khi đó, điều 60, điểm b quy định: “phần còn lại nếu phân phối cho các nhà đầu tư thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật” thì cũng có nghĩa là đã có sự phân phối lợi nhuận. Như vậy là đã có mâu thuẫn.
Điều 59, mục 4 quy định: “Cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở đại học có vốn đầu tư nước ngoài được quyền củ động xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh theo quy định của pháp luật”. Theo tôi, quy định quá chung chung, theo quy định của pháp luật cụ thể là như thế nào?
Giảng viên của các trường công lập hiện nay đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước không được tham gia cộng tác viên, giảng viên thỉnh giảng cho trường tư thục; Các trường công lập không được đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng, tại chức mà chỉ nên đào tạo bậc đại học trở lên và đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị; Đối với đầu vào, nên tổ chức thi và lấy những sinh viên có điểm cao, sau 2 năm học không đảm bảo yêu cầu thì chuyển sang các trường đại học tư thục. Các trường tư thục thì xét tuyển đầu vào, tránh được tình trạng “xa mạc hóa” loại hình đại học tư thục nhằm tránh rủi ro cho các nhà đầu tư; giảm quy mô đào tạo, giảm một khoản ngân sách cho nhà nước, giảng viên dư thừa thì chuyển sang đại học tư thục.
Nếu Dự thảo giải quyết được những vấn đề cốt tử thì hệ thống giáo dục của chúng ta sẽ không bị đảo chiều và mọi quyền lợi tham gia giáo dục được bảo vệ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hiếu Nguyễn (ghi)