"Đã tới lúc chính người học định hướng nhu cầu xã hội"

"Đã tới lúc chính người học định hướng nhu cầu xã hội"

(GD&TĐ) - Là một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực đại học có số lượng HS, SV dân tộc thiểu số đông nhất trong cả nước, Trường Đại học Tây Nguyên đã tìm một lộ trình đào tạo thích hợp để vượt qua những rào cản không thể tránh khỏi. Trước mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2013, Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng của trường xung quanh vấn đề này.

Thưa TS Nguyễn Tấn Vui, với một số lượng tương đối lớn -11.000 SV chính quy, chắc hẳn Trường ĐH Tây Nguyên không chịu áp lực nào về tuyển sinh đầu vào cho năm học sắp đến?

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui
 

- Nói không chịu áp lực thì không hẳn đúng mà cũng có những khó khăn nhất định. Trong thực tế, Đắk Lắk là địa bàn khá thuận tiện cho học sinh đi đến các trường đại học, cao đẳng ở TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng. Lứa tuổi học sinh thường có tâm lý thích bay nhảy đây đó, ít có sự tính toán thiệt hơn; trong khi các bậc phụ huynh thích con em học ở trường gần thì con em của họ lại muốn tìm trường ở nơi khác để học. Đó là tâm lý chung. Tuy nhiên, hoàn toàn có cơ sở để nói rằng, Đại học Tây Nguyên vẫn đủ lực để thu hút đầu vào tuyển sinh hàng năm.

Trên cơ sở  nào vậy, thưa ông?

- Đó là những ngành đào tạo có bề dày truyền thống, mang tính chất chủ lực của nhà trường, như Nông Lâm, Sư phạm, Y Dược, Kinh tế, số lượng SV ở những khối ngành này đông vượt trội so với các ngành khác và thường có điểm đầu vào trên sàn. Đặc biệt, điểm chuẩn ở khối ngành Y - Dược của Trường ĐH Tây Nguyên ngang bằng với nhiều trường khác và chỉ sau Đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Chúng tôi thật sự bất ngờ bởi những thông tin ông vừa nêu ra. Khối ngành Y - Dược, Kinh tế thì hoàn toàn có thể hiểu được là ở đâu cũng có tính thu hút, vì SV dễ có việc làm. Nhưng với Nông Lâm hay Sư phạm, hiện tại đang là những ngành nhiều nơi khó “kiếm” SV?

Nhiều năm qua, ngành Nông Lâm của Đại học Tây Nguyên luôn được đánh giá là đáp ứng được yêu cầu xã hội, được các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn đón nhận. Đây là ngành có tỉ lệ việc làm cao nhất, chiếm từ 80 - 90%, đặc biệt là Quản lý đất đai, Bảo vệ thực vật; Khoa học cây trồng; Chăn nuôi thú y Tôi không hề chủ quan khi khẳng định rằng, đào tạo kỹ sư khoa học cây trồng, lâm sinh ở ĐHTN là đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của Tây Nguyên hơn những nơi khác. Bởi vì SV thường xuyên được đào tạo, tiếp cận với rừng và những loại cây chủ đạo như Café, Cao su, được học chuyên về những loại cây đó. Điều đặc biệt mà khi lên lớp giảng dạy cho sinh viên với mục đích hướng nghiệp, tôi thường dẫn chứng, đó là rất đông cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp sở, ban, ngành trên địa bàn Tây Nguyên được đào tạo từ ĐH Tây Nguyên mà ra. Còn khối ngành Sư phạm có số lượng SV đông cũng là điều dễ hiểu: SV vào trường không phải đóng học phí, được đào tạo bài bản, lại có thể đi dạy thêm….

Sinh viên Đại học Tây Nguyên đạt giải tại Hội thi Sinh viên 2013
Sinh viên Đại học Tây Nguyên đạt giải tại Hội thi Sinh viên 2013
 

Ông đang đề cập đến vấn đề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội?

- Đúng vậy! Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội chính là lực hút của tuyển sinh. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chất lượng đào tạo cũng phải giữ. Từ khi thành lập tới nay, nhà trường luôn quan tâm đến việc đặt nền móng chất lượng, quyết không chạy theo quy mô, số lượng, kể cả hệ Vừa học vừa làm. Bộ thắt chặt chỉ tiêu tuyển sinh, trường cũng luôn tính toán để cân đối. Chỉ cần nhìn vào số lượng hồ sơ học sinh nộp hàng năm, có thể nắm bắt được về nhu cầu của người học. Nếu như trước đây, bố mẹ thường định hướng nghề nghiệp cho con, bây giờ thì khác. Con cái họ đã nhìn thấy thực trạng không tìm được công ăn việc làm khá phổ biến. Tỉ lệ ngành nghề bây giờ đã có sự thay đổi. Chính người học định hướng nhu cầu xã hội là chuẩn hơn cả. Phải dựa vào sự chọn lựa của người học để mà cân đối ngành nghề, xây dựng kế hoạch tuyển sinh...!

Vậy theo ông, làm thế nào để vừa định hướng cho SV lựa chọn ngành nghề một cách đúng đắn, phù hợp, lại vừa đảm bảo sự hài hòa, cân đối trong đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội?

- Trước thời điểm học sinh nộp hồ sơ thi tuyển sinh, nhà trường đã cùng với báo, đài vừa tổ chức  tư vấn tại trường vừa đi tới những vùng sâu, vùng xa để làm công tác tư vấn, thu hút học sinh. Trường còn mời các cựu học sinh hiện đang giữ các chức vụ lãnh đạo tại các địa phương cùng đến để nói chuyện với các em.

Ông lại vẫn dùng chiếc cần câu “chất lượng”? Tuy nhiên bàn về chất lượng vẫn luôn là bài toán khó đối với nhiều nơi, nhiều trường. Chẳng hạn, với một trường đào tạo đa ngành, đa nghề, có tới 33 ngành đại học và 8 ngành cao đẳng, lại có đến 3000 HS dân tộc thiểu số; chất lượng đầu vào của SV không đồng đều, do chênh lệch lớn giữa SV các ngành, hệ cao đẳng, nguyện vọng 2 và học sinh hệ dự bị, cử tuyển, riêng việc đào tạo tín chỉ đã không phải là dễ dàng?

- Trường ĐH Tây Nguyên triển khai đào tạo tín chỉ từ năm 2009. Đúng là với một trường đào tạo đa ngành lại có nhiều học sinh dân tộc thiểu số thì đào tạo tín chỉ rất khó. Với những khối ngành đông học sinh thì dễ thực hiện hơn, nhưng với những ngành ít học sinh, ít lớp thì khó thực hiện. Tuy nhiên, phải thấy được tính ưu việt của đào tạo tín chỉ là kích thích tính tự học, sự chủ động trong quá trình học tập; loại bỏ thói quen học tập thụ động, tư tưởng trung bình chủ nghĩa của sinh viên và lối truyền thụ kiến thức một chiều của GV,... Từ nhận thức điều này, chúng tôi tìm biện pháp linh động trong tổ chức các lớp học theo tín chỉ một cách phù hợp để thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ một cách tốt nhất  trong điều kiện có thể .

Về chất lượng đào tạo, chúng tôi cũng rất coi trọng công tác NCKH, đưa NCKH thành định mức, định lượng giờ chuẩn cho giáo viên. Vì vậy, tất cả GV đều phải làm đề tài hoặc tham gia các hoạt động khoa học do nhà trường đã qui định. Các dự án và đề tài nghiên cứu gắn liền với phát triển của Tây Nguyên; đã phục vụ cho trường về việc kết hợp giữa đào tạo với thực tiễn sản xuất, cung cấp các thông tin và số liệu bổ sung cho bài giảng của GV, giúp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy, nhất là cán bộ trẻ, vươn lên về kiến thức, kỹ năng và phương pháp nghiên cứu. Vừa rồi, nhà trường được Bộ quan tâm, đầu tư 50 tỷ cho dự án xây dựng Phòng thí nghiệm Công nghệ Sinh học và Môi trường, rất hiện đại. Trên cơ sở đó, lập Viện Công nghệ Sinh học môi trường trực thuộc Trường Đại học Tây Nguyên. Về mặt đội ngũ cán bộ chuyên môn, khoa học, trường đã liên kết với 2 trường đại học của Hàn Quốc (Sunchon, Chonnam) đào tạo 7 thạc sĩ và 2 TS  tốt nghiệp bên ấy để về làm việc. Hi vọng ở chiều hướng tốt đẹp của sự phát triển, và đây cũng là mũi nhọn về nghiên cứu khoa học.

Với chiều hướng phát triển như vậy, liệu ĐH Tây Nguyên có “thừa thắng xông lên” để mở ngành mới trong năm học đến?

- Chúng tôi sẽ không mở thêm một ngành mới nào, ít nhất là từ năm học này cho tới 3 năm nữa. Có những ngành trường khác mở tốt hơn thì trường sẽ liên kết để đào tạo nếu nhu cầu Tây Nguyên cần. Trước sau chúng tôi kiên quyết không chạy theo số lượng mà phải thu hút bằng chất lượng. Trường Đại học Tây Nguyên thuộc khu vực được Bộ cho phép hạ một điểm sàn ngay từ năm ngoái, nhưng nhà trường kiên quyết giữ nguyên điểm sàn theo quy định chung; Một khi đã tuyển đủ chỉ tiêu thì việc gì phải hạ để rồi làm giảm sút đi uy tín của nhà trường! Tôi không biết đào tạo đại học, cao đẳng mà không căn cứ vào điểm sàn, người học vào học chỉ để cho oai thì không biết chất lượng sẽ đi về đâu. Trong giai đoạn này, điểm sàn vẫn là giải pháp tốt nhất của đảm bảo chất lượng đầu vào.n

Nguyễn Thị Thúy Hồng (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ