Toàn cảnh Hội thảo “Đổi mới hoạt động KH&CN để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực KT - QTKD trong các trường ĐH phục vụ phát triển KT-XH”. Ảnh: N.N |
Đó là hàng loạt vấn đề được đặt ra trong Hội thảo khoa học quốc gia các trường đại học, học viện có đào tạo về kinh tế, quản trị kinh doanh “Đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực về kinh tế - quản trị kinh doanh trong các trường đại học phục vụ phát triển kinh tế xã hội” diễn ra hôm nay (23/1).
Chất lượng công trình NCKH vẫn là dấu hỏi lớn!
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng trân trọng, song hoạt động nghiên cứu khoa học kinh tế tại các trường đại học vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Kết quả nghiên cứu chưa thực tương xứng với tiềm năng cũng như nguồn lực đầu tư. Hiện nay, đầu tư cho các hoạt động khoa học, công nghệ đã lên tới gần 2% ngân sách nhà nước nhưng chất lượng các công trình nghiên cứu vẫn là những dấu hỏi lớn. Đó là trăn trở của GS.TS Nguyễn Văn Nam – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Cũng theo GS.Nguyễn Văn Nam, trong lĩnh vực khoa học kinh tế không có nhiều những công trình nghiên cứu có tầm cỡ, có tính đột phá và mang tính dự báo về lý luận và được ứng dụng trực tiếp, có hiệu quả trong thực tiễn. Cán bộ, giáo viên chưa thực sự say mê với nghiên cứu; sự tách rời giữa nhà trường và doanh nghiệp và với thực tiễn vẫn đang là phổ biến…
PGS.TS.Đào Duy Huân (Trường ĐH Tài chính – Marketing) cho hay, nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ của các trường đại học nói chung chỉ chiếm 3,92% so với tổng nguồn tài chính mà các trường chi ra cho hoạt động khoa học.
Riêng các trường đại học Kinh tế - Quản trị Kinh doanh, nguồn thu từ hoạt động này càng vô cùng khiêm tốn, bỏ ra hàng năm hàng tỷ đồng song doanh thu hầu như không có. Nghĩa là, các kết quả nghiên cứu của các đề tài khối ngành Kinh tế tuy đạt loại giỏi, loại xuất sắc song không có tính triển khai, ứng dụng nên không được các doanh nghiệp mua, thậm chí không được đăng tải trên các tạp chí khoa học.
Hầu hết các đề tài khoa học nghiệm thu xong bỏ tủ lưu giữ, dùng làm chứng từ thanh toán, tính điểm công trình để ứng cử vào các chức danh GS, PGS, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước..
Từ thực tế tham gia hướng dẫn và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, PGS. Đào Duy Huân cho biết, nhiều đề tài nghiệm thu đạt kết quả tốt, thậm chí có tính ứng dụng cao nhưng hầu hết không được triển khai ứng dụng, không có cơ sở kinh doanh nào mua để triển khai vào thực tế, do đó, hầu hết cũng lại được xếp vào ngăn tủ cơ quan quản lý khoa học của trường đại học.
Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến, sau khi ra trường, rất ít sinh viên tiếp tục tham gia nghiên cứu khoa học vì những năm tháng ở đại học học đã tích cực tham gia song không đạt được mục tiêu cuối cùng là triển khai ứng dụng.
Khó khăn đến từ 3 phía
Để thúc đẩy nghiên cứu khoa học kinh tế tại các trường đại học gắn chặt hơn với thực tiễn và thực sự có hiệu quả cần có sự phối kết hợp từ cả 3 phía: nhà trường, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng thực tế có không ít khó khăn tồn tại ở cả 3 phía.
GS.TS Nguyễn Kế Tuấn (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) chỉ ra những yếu tố cản trở sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên còn hạn chế; phần lớn các bộ môn chưa phát huy được đầy đủ vai trò là hạt nhân khoa học, là nơi trực tiếp tổ chức các hoạt động NCKH; công tác quản lý phát triển hoạt động NCKH của nhà trường chưa được đặt vào đúng vị trí cần thiết; nhiều trường đại học còn thụ động trong việc tổ chức các hoạt động NCKH; chưa có hình thức đa dạng và cơ chế rõ ràng để động viên thúc đẩy đội ngũ giáo viên tham gia vào hoạt động NCKH và gắn hoạt động của từng giáo viên và từng bộ môn với hoạt động của các doanh nghiệp. Đặc biệt, còn tồn tại sự thụ động, chờ đợi doanh nghiệp tìm đén nhà trường đề xuất yêu cầu hỗ trợ, hợp tác…
Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính và công nghệ còn hết sức hạn hẹp. Nhiều doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh theo kiểu ngắn hạn, thậm chí mang tính “chụp giật”, “phi vụ”… Với những điều kiện đó, lãnh đạo doanh nghiệp thường không có nhận thức đúng đắn về vai trò của khoa học công nghệ và sự cần thiết phải liên kết với các cơ sở nghiên cứu khoa học để thực hiện yêu cầu đổi mới công nghệ. Mặt khác, sự thiếu thông tin cụ thể về tiềm lực và kết quả nghiên cứu khoa học của các trường đại học dẫn đến nhiều doanh nghiệp chưa có niềm tin thực sự vào thực lực và chất lượng NCKH giải quyết các vấn đề thiết thực của doanh nghiệp…
Về phía quản lý nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước, việc gắn kết giữa trường đại học và các doanh nghiệp, trong đó có gắn kết trong lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao kết quả nghiên cứu dường như mới dừng lại ở chủ trương chung chung, chưa được cụ thể hóa thành các cơ chế chính sách cụ thể, quy định trách nhiệm và quyền lợi của các bên hữu quan. Giữa cơ quan quản lý nhà nước các cấp cũng chưa có sự phối hợp hữu hiệu trong việc tác động và chỉ đạo các đơn vị cơ sở trực thuộc thiết lập quan hệ phối hợp trong nghiên cứu giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tế sản xuất kinh doanh; việc xét duyệt hệ thống đề tài và cấp phát kinh phí thực hiện vẫn mang dấu ấn của cơ chế kế hoạch hóa tập trung…
Làm thế nào đưa được kết quả NCKH vào ứng dụng trong thực tiễn là cái "mắc" lớn nhất ở các trường ĐH hiện nay |
TS. Trương Thị Thúy Hằng (Học viện quản lý giáo dục) thì khẳng định, số lượng và chất lượng công tác NCKH vẫn sẽ tiếp tục trong vòng luẩn quẩn nếu không giải quyết được những tồn tại bất cập chưa được tháo gỡ trong nhiều năm qua. Đó là mô hình phát triển thiếu tường minh, phân công lao động thiếu chuyên môn hóa. Trước hết là sự tách rời các viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo. Sự tách rời này đã làm phân tán nguồn lực, cả tài chính và con người cho công tác nghiên cứu khoa học… Tiếp đến là hệ thống đề tài nghiên cứu còn nhiều bất cập; kinh phí dành cho NCKH thiếu; cơ cấu kinh phí chưa hợp lý, còn tồn tại cơ chế xin cho, nhất là với các đề tài trọng điểm, độc lập; cơ chế quản lý, sử dụng kết quả nghiên cứu thiếu cụ thể, rõ ràng và không đồng bộ. Việc huy động nguồn lực cho các đề tài cũng đang tồn tại mâu thuẫn và bất cập. Kinh phí nhỏ làm cho số người tham gia đề tài nghiên cứu khoa học ít, nếu có nhiều khi cũng là “đánh trống ghi tên”…
Lập cơ quan nhà nước đưa NCKH vào thực tiễn?
Nên chăng, bên cạnh tạo cơ chế để các doanh nghiệp phối hợp với trường đại học, tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, cần thiết lập một cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm đưa các công trình khoa học vào ứng dụng thí điểm tại những doanh nghiệp để từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng, đó là đề xuất của TS. Lê Văn Luyện (Học viện Ngân hàng). TS Lê Văn Luyện cho rằng, nếu làm được như vậy sẽ giảm được sự lãng phí đối với các hoạt động nghiên cứu, đồng thời sẽ tạo ra sự chuyển dịch quá trình nghiên cứu theo hướng thực tiễn cao hơn.
Bên cạnh việc tạo cơ chế để đưa các công trình nghiên cứu khoa học vào ứng dụng thực tiễn, TS.Luyện cũng yêu cầu tạo lập cơ chế tuyển dụng thực sự khuyến khích người học; tạo cơ chế để các doanh nghiệp tham gia váo quá trình đào tạo; cải tiến quy chế đánh giá đẻ khuyến khích học tập tích cực và phát huy tính sáng tạo đối với người học; có cơ chế đãi ngộ và tạo môi trường làm việc phù hợp cho đội ngũ giảng viên.
Tìm hướng phát triển nhằm tăng nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ của các trường đại học là cần thiết, nếu không sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn: thiếu kinh phí cho nghiên cứu khoa học và sản phẩm khoa học kém sẽ không tạo được nguồn thu. TS. Nguyễn Văn Vinh (ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho rằng, phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ ở các trường đại học cần tập trung vào nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và chiến lược phát triển phù hợp. Trong đó, các trường không thể chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí tự có cho hoạt động NCKH mà phải tự vận động trên cơ sở uy tín, danh tiếng của mình.
Hiếu Nguyễn