(GD&TĐ) - Đó là vấn đề mà Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã nhấn mạnh khi đến kiểm tra việc thực hiện 5 nội dung của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tại huyện Bắc Quang, Quảng Bạ, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang ngày 16/3…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa kiểm tra và đánh giá việc triển khai, thực hiện phong trào tại trường Tiểu học Tam Sơn huyện Quảng Bạ |
Nội dung kiểm tra đợt này đoàn công tác của Bộ tập trung vào các vấn đề: Ban chỉ đạo cấp tỉnh thành phố; sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể; kết quả thực hiện 5 nội dung của phong trào, những chuyển biến, tiến bộ trong năm học 2010-2011 so với hai năm học trước, các sáng kiến trong phong trào...
Đoàn đã chia làm hai mũi, trực tiếp kiểm tra tại một số trường Mầm mon, THCS, THPT ở huyện Bắc Quang, Quảng Bạ, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang của tỉnh Hà Giang.
Tại Trường THCS bán trú xã Quảng Bạ và trường Tiểu học thị trấn Tam Sơn - huyện Quảng Bạ, cũng như một số trường khác của thành phố Hà Giang và huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, theo đánh giá, tất cả các trường đều thực hiện khá tốt phong trào này. Trường THCS bán trú của xã Quảng Bạ, trường Tiểu học Tam Sơn là một trong hai trường vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang, tuy điều kiện kinh tế nơi đây còn rất nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự nỗ lực của GV và HS nên cơ sở vật chất của các trường được đầu tư xây dựng quy mô, trang thiết bị khá hiện đại. Ngoài những phòng học, khu ở bán trú được xây dựng kiên cố, sạch đẹp, bàn ghế theo đúng quy cách, nhà trường còn được trang bị một số phòng học chức năng như: vi tính, thư viện nghe, nhìn, phòng học âm nhạc... Ngoài ra, nhà trường còn xây dựng những dãy nhà công vụ cho GV và HS xa trường được ở nội trú. Đặc biệt, tại trường tiểu học Tam Sơn, khuôn viên nhà trường xanh sạch đẹp, có cây xanh, cây bóng mát, vườn hoa, khu vui chơi cho HS...
Khu ở bán trú của HS Trường THCS bán trú xã Quảng Bạ |
Trường THCS bán trú xã Quảng Bạ, tuy mới được tách ra từ năm 2006 và có Quyết định chính thức thành trường PTDT bán trú THCS ngày 14/3/2011, nhưng đã có 6 lớp học - 194 HS (gần 100% là HS người dân tộc) và 21 cán bộ, GV, nhân viên (11/21 là người dân tộc chiếm 52,8%). Học kỳ I năm học 2010 – 2011, nhà trường đã có 1GV và 1 HS giỏi cấp tỉnh... Cũng trong kỳ học này, nhà trường đã tiến hành kiểm tra chuyên môn của hầu hết GV và đạt kết quả 100%. Nhà bán trú cho HS được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Trường đã duy trì sĩ số HS (đạt 95%) trở lên, năm học 2009-2010 có 4 em bỏ học, năm học 2010-2011 chỉ có 1 em bỏ học.
Thứ trưởng cùng đoàn công tác kiểm tra vở sạch chữ đẹp |
Em Cư Mí Giáo HS lớp 8, dân tộc Mông của Trường THCS bán trú xã Quảng Bạ cho biết: “Cùng với học tập, nhà trường còn thường xuyên tổ chức những hoạt động vui chơi, thi đấu thể thao vào các ngày lễ (26/3, 20/11…) như: cuộc thi văn nghệ, biểu diễn trang phục dân tộc, điền kinh, bóng đá, kéo co, nhảy dây... Đặc biệt, có ý nghĩa nhất đối với chúng em chính là những cuộc thi tìm hiểu về các di tích lịch sử cách mạng, địa chỉ các bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn. Các hoạt động đó đã khơi dậy cho lớp trẻ chúng em lòng biết ơn và niềm tự hào sâu sắc về truyền thống cách mạng của huyện nhà, từ đó hình thành ý thức học tập... Còn ở lớp, trong các buổi sinh hoạt tập thể hay giờ ra chơi, chúng em thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian, dân tộc giữa các nhóm bạn, qua đó chúng em phần nào hiểu nhau hơn và gắn bó hơn với nhau hơn...”.
Tuy nhiên, qua quan sát chúng tôi nhận thấy tại trường THCS bán trú xã Quảng Bạ cũng một số trường khác trong huyện cần được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền để nhà trường có được môi trường, cảnh quan sư phạm khang hơn, sạch đẹp hơn...
Giờ học của các cháu trường mầm non Hoa Hồng – TP Hà Giang |
Kiểm tra một số trường tại huyện Bắc Quang, bà Hà Thị Dung – Phó Vụ trưởng Vụ công tác HSSV cho biết: Tập thể GV, HS Trường THPT Đồng Yên hay trường THCS Vĩnh Phúc (Bắc Quang) cũng như một số trường khác mà đoàn đến kiểm tra đã thực hiện rất tốt phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”. Qua kiểm tra cho thấy giữa số liệu báo cáo và thực tế rất sát nhau. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở, lãnh đạo các Phòng GD cũng cần phải đẩy mạnh, bám sát tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để các GV, các em HS nhận thức được mục đích, ý nghĩa của phong trào này. Ngoài ra, BGH một số trường cần kiểm soát tốt hơn nữa bài giảng của GV, nhất là những bài giảng dùng trên máy tính. BGH phải biết GV lên lớp dạy cái gì và các em học được cái gì. Cùng đó, nhà trường cần tăng cường sinh hoạt chuyên môn, qua đó sẽ xác định được mục tiêu của từng bài giảng. GV của từng bộ môn sẽ có thể thống nhất được cách thức tổ chức, trình bày, nội dung của từng bài, từng môn học vì qua sinh hoạt bộ môn, những sáng kiến, đổi mới của từng GV sẽ được đem ra mổ xẻ, tranh luận, cuối cùng sẽ đưa ra được cách thức giảng dạy tối ưu nhất... Từ đó các GV của từng bộ môn sẽ có những bài giảng đồng nhất về nội dung để các em HS tiếp thu và hiểu nhanh hơn những bài học...
Tại Trường Tiểu học Tam Sơn - thị trấn Tam Sơn - Quảng Bạ, cũng với cách thức tiếp cận trực tiếp với GV, HS, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã nắm bắt được tinh thần chủ đạo, xuyên suốt, kết quả đạt được trong công tác thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” của nhà trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng trường Tiểu học Tam Sơn (Quảng Bạ) tâm sự: “Sau hơn 2 năm triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, nhà trường đã tạo ra môi trường đẹp về cảnh quan và luôn có một bầu không khí tâm lý thân thiện, ấm áp tình người giữa các thành viên trong nhà trường. Đồng thời, qua đây các em HS và GV nhà trường cũng có thêm điều kiện để rèn luyện về nề nếp, kỹ thuật, kỹ năng sống hay tài năng của mình... Sự công bằng, dân chủ giữa GV với HS, giữa phụ huynh HS với GV được gần gũi, tôn trọng hơn. Đây là những thành công nhất, quan trọng nhất tạo nên những thành công của thầy trò nhà trường trong việc thực hiện phong trào...”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Soòng, Giám đốc Sở GD -ĐT Hà Giang cho biết: “Là những người trực tiếp tham gia vào phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tôi thấy chúng ta vẫn tập trung nhiều vào để xây dựng trường học thân thiện, còn làm sao để cho HS tích cực, BGH trường vẫn chưa quan tâm được nhiều. Theo tôi, quan trọng nhất là phải làm thế nào để HS tích cực, cho các em thấy mình được làm chủ, không tự ti, sống cởi mở hơn… Bởi cho dù thầy cô giáo có tích cực đến mấy, trường học có thân thiện đến mấy mà HS không tích cực, không thân thiện thì chắc hẳn cũng sẽ không đem lại được kết quả...”.
Nhân chuyến kiểm tra phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” ở Hà Giang, Thứ trưởng đã tặng quà lưu niệm cho một số trường. |
Đánh giá kết quả việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” của một trường của tỉnh Hà Giang, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa lưu ý: Thời gian tới BCĐ tỉnh cần phải đẩy mạnh hơn nữa những nội dung GD văn hóa truyền thống cho HS thông qua các trò chơi dân gian, chăm sóc các di tích lịch sử, người có công với cách mạng, gia đình neo đơn, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn... Đối với các công trình trường học, nhất là đối với các công trình trường học đã và sẽ được triển khai xây dựng, cần phải chú ý đến khu vực vệ sinh đúng tiêu chuẩn. Những trường học có khu vệ sinh không đạt chuẩn cần sớm có hướng khắc phục nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho các em HS, đặc biệt là những em HS ở các trường bán trú của một số huyện vùng sâu, vùng xa… Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị cần triển khai phong trào hơn nữa trong thời gian tới, BCĐ tỉnh cần đặt ra kế hoạch chung mang tính đặc trưng trong từng giai đoạn cụ thể. Đối với mỗi Phòng GD, mỗi đơn vị GD cũng cần phải lập ra một kế hoạch triển khai riêng với những trọng tâm phù hợp với đặc thù của riêng địa phương mình để phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” không ngừng được đẩy mạnh trong thời gian tới…
Trung Toàn