(GD&TĐ) - Chương trình đào tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo ở mọi cấp, ngành học. Theo lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ, cần thiết phải có một cuộc “cách mạng” triệt để trong việc xây dựng chương trình theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT với yêu cầu tăng tính chuyên sâu về môn học, đảm bảo sự cân đối giữa lý thuyết với thực nghiệm và đặc biệt là phải gắn với thực tiễn sản xuất, thực tế xã hội.
Còn xa rời thực tiễn
Ông Hà Xuân Quang - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội |
Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực, đồng thời sự ra đời của Thông tư 57, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ Bộ GD&ĐT ban hành đã tạo sự chủ động, thuận lợi hơn rất nhiều cho các trường trong việc quyết định chương trình đào tạo. Với quy định mới này, các trường có điều kiện đưa vào chương trình những nội dung mới; tham khảo, sử dụng các chương trình đào tạo của các trường tiên tiến, các trường có uy tín; tiếp cận được với các chương trình tiên tiến trên thế giới...
Tuy nhiên, chương trình đào tạo hiện còn không ít hạn chế, tồn tại. Theo ông Hà Xuân Quang – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, hạn chế lớn nhất của các chương trình hiện nay là chưa gắn với thực tế sản xuất.
“Chúng tôi vừa làm một điều tra nhỏ, trong đó, ý kiến đánh giá thấp nhất về chương trình đào tạo hiện nay là chưa cập nhật những nội dung, yêu cầu của thực tế sản xuất cũng như ý kiến đóng góp của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, điều kiện thực hiện chương trình trong thực tế lại liên quan đến nhiều yếu tố, như giáo viên, cơ sở vật chất... Nếu chương trình tốt nhưng đội ngũ giáo viên yếu, cơ sở vật chất trang thiết bị vừa thiếu, vừa lạc hậu cũng không thể thực hiện được chương trình, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.” – ông Hà Xuân Quang cho hay.
Đi sâu vào những điều cụ thể của nội dung chương trình, theo ông Hà Xuân Quang, còn nhiều trăn trở trong việc thực hiện những nội dung trong chương trình chi tiết, đặc biệt là đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên, phương pháp học tập của sinh viên. Do đó, một trong những vấn đề cấp thiết đặt ra là phải đổi mới phương pháp giảng dạy, để với một thời lượng có hạn có thể truyền tải cho sinh viên nhiều kiến thức, kỹ năng nhất. Làm được điều này, có thể tận dụng ưu thế của công nghệ, tin học. Tuy nhiên, ông Quang đặc biệt lưu ý, ứng dụng CNTT không phải chỉ đơn giản là soạn một bài giảng bằng power point để trình bày trước lớp mà quan trọng là hướng dẫn cho sinh viên phương pháp tìm kiếm kiến thức, khai thác những nội dung khoa học trên internet, các kho tư liệu..., phát huy tinh thần chủ động, tự học. Trong đề cương chi tiết học phần phải quy định rất rõ điều đó, đồng thời phải giám sát việc thực hiện chặt chẽ thì mới đạt được kết quả.
Một hạn chế nữa liên quan đến chương trình, theo Phó Hiệu trưởng Hà Xuân Quang, nằm ở cách đánh giá: Cách đánh giá hiện nay cần đổi mới để tránh học vẹt, học không đào sâu mà chỉ đối phó, lấy điểm. Bản thân chúng tôi đã từng rất loay hoay tại sao học sinh không học và giáo viên trong khi dạy thì việc giám sát quản lý rất nặng nề. Sau khi đổi mới phương pháp đánh giá, ngay lập tức thực trạng này có chuyển biến. Hiện Trường ĐH Công nghiệp đã tách riêng hoạt động giảng dạy và đánh giá; điều đó tác động hiệu quả đến việc thực hiện chương trình nghiêm túc.
“Ngày xưa, để có thể đưa vào một nội dung mới hay bỏ đi nội dung cũ rất khó khăn. Bởi thời lượng chỉ có từng ấy, trong khi nội dung nào cũng quan trọng, không biết phải bớt cái gì; cái mới nào cũng thấy cần, cũng muốn đưa vào. Nếu đào tạo theo niên chế, khúc mắc đó quả là khó giải quyết. Nhưng với đào tạo theo tín chỉ, ta hình dung chương trình giống như một thực đơn, ngoài những món bắt buộc phải đưa vào, các môn khác có thể đưa theo kiểu môn lựa chọn, mà đã là lựa chọn thì không giới hạn. Học sinh thấy môn nào hữu ích, phù hợp, cần thiết sẽ lựa chọn, từ đó tạo cơ hội cho rất nhiều người.” – ông Quang cho hay.
Đào tạo theo học chế tín chỉ giúp sinh viên chủ động hơn trong học tập và nghiên cứu |
Tận dụng ưu thế của tín chỉ
Khẳng định tín chỉ là phương thức đào tạo rất ưu việt, tạo thuận lợi và tính chủ động cao nhất cho người học, hướng tới phục vụ người học tốt nhất, ông Hà Xuân Quang cho rằng, nếu biết cách tổ chức, đào tạo tín chỉ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các cơ sở đào tạo, đặc biệt liên quan đến xây dựng chương trình.
“Ngày xưa, để có thể đưa vào một nội dung mới hay bỏ đi nội dung cũ rất khó khăn. Bởi thời lượng chỉ có từng ấy, trong khi nội dung nào cũng quan trọng, không biết phải bớt cái gì; cái mới nào cũng thấy cần, cũng muốn đưa vào. Nếu đào tạo theo niên chế, khúc mắc đó quả là khó giải quyết. Nhưng với đào tạo theo tín chỉ, ta hình dung chương trình giống như một thực đơn, ngoài những món bắt buộc phải đưa vào, các môn khác có thể đưa theo kiểu môn lựa chọn, mà đã là lựa chọn thì không giới hạn. Học sinh thấy môn nào hữu ích, phù hợp, cần thiết sẽ lựa chọn, từ đó tạo cơ hội cho rất nhiều người.” – ông Quang cho hay.
Tuy nhiên, để phát huy được những thuận lợi nói trên cũng cần có điều kiện. Với một trường chỉ đào tạo vài chục sinh viên trên ngành sẽ rất khó thực hiện theo tín chỉ và không phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, học theo tín chỉ, sinh viên có quyền chọn giáo viên, chọn địa điểm học, thời gian, nội dung học và được lựa chọn cả giáo viên. Bởi vậy, các trường cần đáp ứng đủ các điều kiện để có thể đảm bảo được quyền lựa nói trên. Tuy nhiên, thực tế các ĐH của Việt Nam không nhiều trường đáp ứng được những điều kiện như vậy.
Phải gắn với thực tiễn và thực sự vì chất lượng
Riêng với các trường mới thành lập, việc xây dựng chương trình sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều. Đưa ra những giải pháp cho các trường này, ông Hà Xuân Quang cho rằng, cách nhanh nhất nên hợp tác với những trường có kinh nghiệm. Tiếp đó, phải gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng lao động..., có thể cho các doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng chương trình. Tiếp đó, liên quan đến quản lý trong nhà trường, không nên lấy mục tiêu thu lợi nhuận trước mắt mà cần có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài, hướng tới cái “gốc” cam kết chất lượng với người học, với người sử dụng lao động và toàn xã hội.
Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chương trình tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ông Hà Xuân Quang cho hay, thực hiện ISO nên chương trình của nhà trường được định kỳ rà soát mỗi chu kỳ đào tạo (3 năm với CĐ và 4 năm với ĐH) để thay đổi, bỏ đi những nội dung không phù hợp, bổ sung nội dung mới, làm sao phải phản ánh được thực tế vào chương trình.
“Việc đầu tiên khi xây dựng hay cải tiến chương trình là phải khảo sát ý kiến của doanh nghiệp, hỏi họ xem sinh viên của mình ra trường yếu, mạnh ở điểm nào, phải bổ sung gì, thường doanh nghiệp phải đào tạo lại những gì. Sau khi đi khảo sát sẽ điều chỉnh lại chuẩn đầu ra cho phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Tiếp theo, tiến hành xây dựng chuẩn đầu ra, việc xây dựng chuẩn đầu ra cũng cần lấy ý kiến doanh nghiệp. Sau đó, trên cơ sở chuẩn đầu ra sẽ xây dựng chương trình; tiếp tục lấy ý kiến doanh nghiệp trước khi chương trình hoàn thiện. Tại ĐH Công nghiệp Hà Nội, trường tổ chức thành một số nhóm, ví dụ nhóm các ngành kỹ thuật, nhóm các ngành kinh tế, xã hội nhân văn; từng nhóm có gì chung thì thiết kế chung. Có môn chung toàn trường, có những môn chung cho một nhóm... để cuối cùng là phần chuyên môn sự khác nhau còn số ít, tạo thuận lợi nhất cho liên thông. Một số chương trình đào tạo của nhà trường cũng thực hiện thăm dò cả ý kiến học viên. Cái gốc của điều chỉnh làm sao phái sát với thực tế sử dụng lao động, phải thực sự vì chất lượng” – ông Quang cho biết thêm.
Nguyễn Nhung