"Bình dân học vụ" ở Krông Nô

"Bình dân học vụ" ở Krông Nô

(GD&TĐ) - Hơn một năm nay, vào mỗi buổi tối, một lớp học “bình dân học vụ” tại thôn Bon Choih, xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông vẫn đều đặn mở cửa. Được gọi là “bình dân học vụ” vì lớp học này có “thầy giáo” là bác Phó trưởng thôn còn “học sinh” là những người đã ở cái tuổi “U30, U40, U50”. Với niềm khao khát xóa “mù”, đêm đêm, họ vẫn đều đặn cắp sách đến lớp để học từng “con chữ” với mong muốn thắp sáng hơn tương lai cho bản thân và gia đình.

Chúng tôi tham gia vào lớp học vào một buổi tối tháng 10, khi những cơn mưa tầm tã liên tục trút nước, con đường độc đạo dẫn vào thôn Bon Choih như biến thành “đầm lầy” chia cắt bà con với thế giới bên ngoài. Lớp học gồm các “học sinh” là người đồng bào Mông di cư từ miền núi phía Bắc vào làm ăn, sinh sống.

Lớp học bình dân học vụ ở thôn Bon Choih
Lớp học bình dân học vụ ở thôn Bon Choih

Cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào những đồng tiền làm thuê ít ỏi nên luôn phải “ăn bữa trưa, lo bữa tối” nói chi đến việc được đi học. Vì vậy, trong thôn có rất ít người biết chữ. Lớp học được mở tại nhà của một người dân trong thôn do “thầy giáo” là bác Phan Quang Điền, Phó thôn Bon Choih chịu trách nhiệm giảng dạy.

Bác Điền cho biết: “Lớp học hiện có 23 học sinh. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên tất cả đều mù chữ. Khi lớp học được mở, họ tham gia rất nhiệt tình và có tinh thần học tập, cũng như kỷ luật rất cao. Vì cuộc sống nên bà con ai cũng muốn được biết đọc, biết viết, biết làm các phép tính. Từ khi có con chữ, cuộc sống của người dân nơi đây đã có những thay đổi. Một số hộ cũng đã biết tính toán để tích cóp mua đất trồng mì, trồng lúa”.

Được biết, ngoài dạy chữ Quốc ngữ, lớp học còn dạy “theo yêu cầu” của người dân về các chủ đề khác nhau như: cách trồng cà phê, cách sử dụng điện an toàn và cả cách áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình… Anh Dương Văn Lành, năm nay đã 33 tuổi chia sẻ: “Trước đây mình chưa biết chữ, mỗi lần lên UBND xã xác nhận một việc gì đều phải dùng ngón tay để điểm chỉ. Nhờ bác Điền dạy cho chữ “Lành” nên giờ mình đã biết đọc, biết viết rồi, vui hơn là mình còn biết làm các phép tính nữa”.

Còn anh Trần Văn Khởi (36 tuổi) tâm sự: “Từ nhỏ, tôi đã không được đi học, lớn lên đi cạo mủ cao su thuê ở Bình Phước nhưng do không biết chữ nên hay bị người ta lừa lọc, bây giờ ngồi nghĩ lại mới biết lúc đó người ta trả tiền chỉ bằng một nữa ngày công…”.

Còn  “lớp trưởng” Hoàng Văn Dinh thì tâm sự: “Từ khi biết chữ mình thích đọc sách, báo lắm. Nhờ đó mà mình biết được nhiều cách làm ăn mới, cách trồng cây lúa, cách nuôi con gà, con lợn sao cho đạt hiệu quả…”.

Dù mới sinh con được 3 tháng nhưng chị Hoàng Thị Din (23 tuổi) vẫn đi học đều đặn. Chị phấn khởi nói: “Từ khi lên đây, nhờ tham gia lớp học này mà mình đã biết đọc, biết viết. Tháng 4 vừa rồi vợ chồng mình còn dành dụm mua được một hecta đất để trồng mì, không phải đi làm thuê làm mướn nữa!”.

Được biết, lớp học “bình dân học vụ” này là do Dự án Actionaid Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương triển khai từ tháng 3 -2010, nhằm xóa “mù” cho người dân trong vùng. Bà Phạm Thị Thu Huệ, cán bộ Dự án Actionaid cho biết: “Lớp học phát triển cộng đồng ở thôn Bon Choih là mô hình thí điểm trong chương trình xóa nạn mù chữ cho bà con ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bước đầu dự án đã thu được những thành công nhất định, hiện tại 100% số bà con tham gia lớp học đã  biết đọc, biết viết. Một số mô hình hỗ trợ sinh kế dự án cũng ưu tiên cho bà con “thí nghiệm” và đạt được những kết quả khả quan”.

Trong thời gian tới, dự án sẽ nhân rộng mô hình này sang một số địa phương khác trong huyện như Nâm N’đir, Đắk Nang, Quảng Phú…Tham gia lớp học, các học viên được Dự án Actionaid hỗ trợ 100% sách vở, bút viết. Cán bộ chuyên trách sẽ đến từng hộ gia đình động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân có thể đến được các lớp học nhằm chung tay xóa nạn mù chữ. 

Ban Mai

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ