Quốc tế hóa đại học tạo cơ hội trải nghiệm học tập toàn cầu

GD&TĐ - Nhiều cơ sở GD đại học đang nỗ lực kết nối với chuyên gia từ những chương trình hợp tác quốc tế để sinh viên có cơ hội trải nghiệm học tập toàn cầu.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) giao lưu học thuật và làm việc nhóm tại ĐH Quốc gia Utsunomiya, Nhật Bản. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) giao lưu học thuật và làm việc nhóm tại ĐH Quốc gia Utsunomiya, Nhật Bản. Ảnh: NTCC

Giờ học đa quốc gia

10 sinh viên và 4 giảng viên là các nhà khoa học trẻ Khoa Xây dựng cầu đường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) có cơ hội tham dự chuỗi sự kiện hợp tác Hội thảo quốc tế tại Khoa Kiến trúc, Đại học Quốc gia Utsunomiya (Nhật Bản).

Đây là sự kiện học thuật trong khuôn khổ Chương trình trao đổi hợp tác “Sakura Science” với chủ đề “Urban Design of Super Smart City Utsunomiya with LRT” (Thiết kế đô thị thành phố “thông minh” Utsunomiya với LRT) được hai trường hợp tác, tạo cơ hội cho sinh viên giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu, sáng tạo.

Trong khoảng thời gian 1 tuần, nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã cùng sinh viên Đại học Quốc gia Utsunomiya tham dự các giờ giảng của giáo sư, phối hợp chia sẻ ý tưởng thiết kế, làm việc nhóm và báo cáo, thuyết trình/phản biện, khảo sát thực địa cho đồ án theo chủ đề nghiên cứu.

Song song với hoạt động của sinh viên là các hội thảo giữa nhà khoa học của 2 cơ sở giáo dục đại học, qua đó tìm hiểu nhu cầu, kết nối hợp tác trong dự án nghiên cứu song phương lĩnh vực kiến trúc, giao thông và phát triển đô thị mà phía Nhật Bản có tiềm lực, kinh nghiệm bổ ích cho xu thế phát triển thành phố “thông minh” của Việt Nam như Đà Nẵng.

Sinh viên Khoa Kiến trúc của Trường Đại học Bách khoa và Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cũng có cơ hội đồng hành với chuyên gia nghiên cứu của Nhật Bản trong chuyến khảo sát các đình làng tại làng Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Những ý tưởng được giáo sư Nhật Bản đề xuất, phân tích giải pháp vừa bảo tồn nhưng vẫn phát huy giá trị làng cổ Phong Nam là những bài học sinh động cho sinh viên.

Tương tự, sinh viên và giảng viên Khoa Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) vừa tham gia chuỗi hội thảo học thuật với GS Jennifer Burkart của Đại học Khoa học ứng dụng Münster (CHLB Đức).

Thông qua các bài giảng, thảo luận và phân tích tình huống, GS Jennifer Burkart đã đem đến cho sinh viên, giảng viên của nhà trường những kiến thức, góc nhìn mới mẻ về chủ đề kết nối đa văn hóa và lãnh đạo; thách thức quản lý, làm việc trong nhóm ảo toàn cầu với bối cảnh hội nhập, kinh doanh quốc tế.

Sinh viên thực sự hứng thú và có cơ hội tốt để học hỏi, tương tác với chuyên gia về xu thế, chiến lược lãnh đạo, quản trị hoạt động kinh doanh đa văn hóa, từ đó vận dụng phù hợp vào chuyên môn và thực tiễn sau này.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa và Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) tham gia khảo sát thực tế với các giáo sư Học viện Công nghệ Maebashi (Nhật Bản) tại làng Phong Nam, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa và Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) tham gia khảo sát thực tế với các giáo sư Học viện Công nghệ Maebashi (Nhật Bản) tại làng Phong Nam, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Tăng tiềm năng nghề nghiệp

Trần Hoài Thương - sinh viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) vừa tham gia chương trình học thuật trải nghiệm thực tế với sinh viên Singapore Polytechnic, Singapore.

Hoài Thương cho biết: “Việc phối hợp giữa hai trường đã tạo ra môi trường học tập, thực hành bổ ích cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên Việt Nam. Chúng em có cơ hội giao tiếp, nâng cao năng lực ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Em có cơ hội học tập, thực hành thêm nhiều kiến thức về Design Thinking - Tư duy, thiết kế; nguyên lý hoạt động của một số loại máy móc hay các kỹ năng như lãnh đạo, làm việc nhóm, thuyết trình bằng tiếng Anh”.

Sinh viên Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đã được GS Adriana Tiron-Tudor, Trường Đại học Babeș-Bolyai (Rumani) trình bày các quan điểm về tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) trong chuyển đổi dịch vụ kế toán - kiểm toán; đặc biệt là ứng dụng RPA trong giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu năng nghiệp vụ…

Những kinh nghiệm, bài học thành công của tập đoàn thương hiệu quốc tế như: Zara, McDonald’s, Starbuck, Ikea… được PGS Marius - Ioan Mihut (Đại học Khoa học ứng dụng Münster, CHLB Đức) chia sẻ giúp sinh viên mở rộng tầm nhìn, tư duy sáng tạo trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa…

TS Đặng Đức Long - Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng) nhận định: “Những khía cạnh tích cực của quốc tế hóa đại học có thể thấy như vai trò trong xây dựng tiềm lực kinh tế và xã hội thông qua thúc đẩy và nâng cao chất lượng, giúp nghiên cứu khoa học đạt được những chuẩn mực quốc tế. Thông qua chương trình trao đổi giáo dục, người học có cơ hội trải nghiệm học tập toàn cầu, thúc đẩy quá trình hội nhập và tăng cơ hội việc làm cho sinh viên”.

TS Huỳnh Ngọc Mai Kha - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, trong bối cảnh, xu thế hội nhập quốc tế, tư duy “công dân toàn cầu” cần được khơi dậy, lan tỏa với tinh thần chủ động “ngay lúc này”, “ngay từ bây giờ” thay vì chỉ định hướng “nên có” và không phải chờ đến “tương lai”. Những lớp học đa quốc gia sẽ góp phần truyền cảm hứng để hình thành tư duy “công dân toàn cầu” cho sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ