Quảng Trị: Giảm gần 110 trường học sau sắp xếp, sáp nhập

GD&TĐ - Sau 3 năm thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp giáo dục, tỉnh Quảng Trị đã giảm 108 đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, tương ứng giảm 22,7%.

Việc sắp xếp cơ sở giáo dục tạo thuận lợi để tập trung đầu tư xây dựng CSVC, nâng cao chất lượng dạy học.
Việc sắp xếp cơ sở giáo dục tạo thuận lợi để tập trung đầu tư xây dựng CSVC, nâng cao chất lượng dạy học.

Ngày 22/5, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp giáo dục theo Quyết định 1322/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Trị.

Theo đó, quá trình triển khai đề án, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã quán triệt các văn bản của Trung ương và UBND tỉnh để tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp giáo dục.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong diện sáp nhập xây dựng đề án sáp nhập trường...

Trước khi thực hiện đề án (năm 2018), tỉnh Quảng Trị có 476 đơn vị sự nghiệp công lập. Đến tháng 12/2021, tỉnh này có 368 đơn vị, giảm 108 đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, tỉ lệ giảm 22,7%.

Cụ thể, 2 địa phương giảm nhiều nhất gồm: huyện Triệu Phong giảm 24 trường, huyện Hải Lăng giảm 21 trường; các địa phương còn lại gồm: huyện Vĩnh Linh giảm 15 trường, huyện Gio Linh giảm 18 trường, thành phố Đông Hà giảm 4 trường, thị xã Quảng Trị giảm 3 trường, huyện Cam Lộ giảm 10 trường, huyện Đakrông giảm 3 trường, huyện Hướng Hóa giảm 5 trường... 

Về cơ cấu đội ngũ và số lượng trường, trước sáp nhập toàn tỉnh có 12.763 cán bộ, giáo viên, nhân viên theo định mức, sau sáp nhập có 13.876 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đội ngũ cán bộ quản lý giảm 140 người so với trước khi sáp nhập...

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, việc sắp xếp các cơ sở giáo dục giúp giảm số lượng đầu mối đơn vị hành chính, cán bộ quản lý giáo dục, tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Có sự chủ động trong việc cân đối, điều tiết, bố trí đội ngũ, phân công lao động trong đơn vị. Một số trường có quy mô trường lớp lớn, có ít điểm trường và các điểm trường gần nhau thuận lợi trong việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Mặt khác, việc sắp xếp tổ chức lại đơn vị giáo dục công lập, đồng thời thực hiện giải pháp xóa phòng học tạm, xóa điểm lẻ không đủ quy mô trong 3 năm qua đạt kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có gần 900 điểm trường, giảm 40 điểm trường so với trước khi sáp nhập.

Tuy nhiên, việc sắp xếp các cơ sở giáo dục tồn tại một số hạn chế, khó khăn về công tác quản lý và tổ chức hoạt động dạy học, cũng như các chế độ chính sách...

Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã đề ra nhiều giải pháp: tuyên truyền, giải thích, vận động cán bộ, nhân dân hiểu rõ chủ trương của đề án; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong các đơn vị; sắp xếp, bố trí các điểm trường lẻ hợp lý, đảm bảo khoảng cách; xây dựng phương án sắp xếp, bố trí cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên sau sáp nhập đảm bảo tính công khai, minh bạch, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại các điểm trường...

Qua đó, Sở GD&ĐT đề xuất UBND tỉnh thực hiện song song việc sáp nhập trường có thể thực hiện tách một số trường quy mô lớn, nhiều điểm trường khó khăn trong việc quản lý, tổ chức hoạt động, khi tách trường vẫn đảm bảo cơ cấu số lớp.

Ngoài ra, do tồn tại nhiều điểm trường sau sáp nhập nên đề nghị UBND tỉnh có chủ trương cho các điểm lẻ có giáo viên kiêm nhiệm và bố trí cán bộ quản lý tối thiểu cho trường có 2 cấp học; đảm bảo các chế độ chính sách...

UBND các huyện, thị xã, thành phố đánh giá lại công tác sáp nhập trường và tiếp tục xây dựng kế hoạch trong giai đoạn mới phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.