Quảng Ninh: Hơn 330 sản phẩm OCOP được số hóa

GD&TĐ - Để sản phẩm OCOP được quảng bá rộng rãi Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp OCOP khi TMĐT mới manh nha.

Nhân viên hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng TMĐT để mua sắm sản phẩm hàng hóa trong chương trình tuần bán hàng trực tuyến tại Uông Bí, Quảng Ninh.
Nhân viên hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng TMĐT để mua sắm sản phẩm hàng hóa trong chương trình tuần bán hàng trực tuyến tại Uông Bí, Quảng Ninh.

Hiện tại, tỉnh Quảng Ninh đã số hóa trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) 330 sản phẩm OCOP (viết tắt theo tiếng Anh là One commune one product - nghĩa tiếng Việt là mỗi xã/phường một sản phẩm đặc trưng), trung bình có trên 100 sản phẩm/năm. Hơn 100 doanh nghiệp tham gia với trung bình có khoảng 3.000 đơn hàng được đặt qua sàn.

Hiện nay, Quảng Ninh có 500 sản phẩm OCOP; trong đó, 238 sản phẩm được phân hạng, cấp sao gồm 3 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 67 sản phẩm 4 sao, 162 sản phẩm 3 sao; có 31 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Nhằm thúc đẩy sản xuất, quảng bá sản phẩm, mở rộng kênh tiêu thụ cho các mặt hàng OCOP, giúp các công ty, hợp tác xã (HTX) tiếp cận với TMĐT, từ năm 2012 tỉnh đã đưa sàn giao dịch TMĐT Quảng Ninh (teqni.gov.vn) vào hoạt động. Sàn giao dịch TMĐT Quảng Ninh hiện có hơn 330 sản phẩm của gần 100 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được bày bán.

Trước đó, toàn tỉnh có khoảng 50 doanh nghiệp tham gia sàn TMĐT nhưng hiện nay đã có trên 100 doanh nghiệp tham gia. Nhiều sản phẩm OCOP được biết tới rộng rãi và tiêu thụ mạnh nhờ số hóa như: Trà hoa vàng, tỏi đen, miến dong Bình Liêu, chả mực Hạ Long, nếp cái hoa vàng Đông Triều, na dai Việt Dân Đông Triều, ổi Sơn Dương, Hạ Long...

Hiện nay, các thành phố, thị xã, huyện trong tỉnh Quảng Ninh chủ động xây dựng các sàn TMĐT của riêng mình. Điển hình như thị xã Đông Triều, đây là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng siêu thị số Đông Triều Mart (http://dongtrieumart.vn).

Bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 8/2021, đến nay Đông Triều Mart đã đưa được nhiều sản phẩm OCOP lên sàn như: Gạo nếp cái hoa vàng, sữa tươi, rươi, cáy, na, vải, bưởi, thanh long, mít...

Bắt kịp xu hướng, nhiều doanh nghiệp OCOP đã và đang thực sự quan tâm tới kênh này. Không chỉ các doanh nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp OCOP vừa, nhỏ mới khởi nghiệp cũng dần chú trọng kênh này.

Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, anh La A Nồng, chủ HTX Đình Trung sản xuất miến dong tại huyện Bình Liêu, cho biết: Cơ sở của anh sản xuất miến dong từ năm 2014, vẫn bán sản phẩm theo kênh truyền thống, tuy nhiên để quảng bá sản phẩm anh đã cập nhật đầy đủ thông tin miến dong do anh sản xuất, sau đó cán bộ huyện Bình Liêu đã thu thập thông tin up thông tin lên sàn TMĐT.

Để sản phẩm OCOP được quảng bá rộng rãi Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp OCOP khi TMĐT mới manh nha. Trung tâm đã tạo điều kiện khuyến khích, tuyên truyền để doanh nghiệp OCOP biết, đăng tải miễn phí sản phẩm, thậm chí còn “cầm tay chỉ việc”, miễn phí hoàn toàn cho các doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp OCOP tại Quảng Ninh sẽ được hỗ trợ áp dụng các giải pháp công nghệ trong hoạt động quảng bá sản phẩm, như công nghệ mã vạch, QR code, chip NFC, blockchain... để truy nguồn gốc và đảm bảo cho chất lượng sản phẩm.

Đồng thời sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hoạt động TMĐT, đưa các sản phẩm OCOP Quảng Ninh đến với rộng rãi người tiêu dùng trong cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.