Tham dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh VP Văn phòng ĐP NMT TW và các Bộ, ban, ngành Trung ương. Đồng chủ trì hội nghị có ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã mỗi xã, phường một sản phẩm.
Nhằm tập trung phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững, đặc biệt là phát huy nội lực, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Sau 3 năm triển khai, Chương trình OCOP tại khu vực phía Bắc đã đạt được những kết quả và thành tựu đáng khích lệ.
Cụ thể, khu vực MNPB có 497 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, trong đó nhóm sản phẩm thực phẩm chiếm 87,5% cao hơn bình quân của cả nước là 82,3%, tỷ lệ sản phẩm đạt 3 sao vẫn chiếm tỷ lệ lớn với 74,2%.
Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đã được các tỉnh khu vực phía Bắc ưu tiên, tập trung triển khai và mang lại những kết quả tích cực, trở thành khu vực triển khai Chương trình OCOP hiệu quả và đồng bộ nhất của cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai và dành nhiều sự quan tâm của chính quyền, địa phương các tỉnh. Xác định đây là chương trình phát triển kinh tế nông thôn nhằm nâng cao đời sống, giữ nguồn lao động tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Từ đó, thấy đc vai trò, vị trí sức sáng tạo của người dân, của HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đến thời điểm hiện tại có thể thấy rằng các sản phẩm tại các địa phương phát triển rất tốt, nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp. Trong thời gian tới, để phát triển sản phẩm OCOP cần lưu ý 4 yếu tố, xác định nguồn nguyên liệu, nguồn lực, chất lượng an toàn thực phẩm và chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể.
Chương trình đã thể hiện được sự phù hợp về định hướng, chính sách nhằm phát huy thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa của các địa phương, kể cả các các địa phương vùng miền núi vùng khó khăn…, huy động sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành, hệ thống chính trị, phát triển OCOP trở thành giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thúc đẩy, phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm đặc sản, truyền thống ở khu vực nông thôn. Đặc biệt là khai thác lợi thế của vùng nguyên liệu địa phương, gắn với phát triển thương hiệu cộng đồng, điển hình như sản phẩm chè và dược liệu ở MNPB.
Qua đó, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ nông thôn, các nhóm người yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển sản phẩm OCOP không chỉ là giải pháp để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, mà còn là cơ hội, điều kiện để họ có thời gian chăm lo và thực hiện trách nhiệm đối với gia đình và cộng đồng địa phương.
Đồng thời, sản phẩm OCOP đã thúc đẩy sản xuất, mở rộng doanh thu, giá trị và thị trường, nhiều sản phẩm đã được chủ thể đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hướng đến các sản phẩm quà tặng, quà biếu sang trọng và có giá trị, khai thác được xu hướng tiêu dùng và thị trường như: một số sản phẩm Trà của tỉnh Thái Nguyên.