Quảng Nam: Người có công đua nhau nhận "con nuôi"

Quảng Nam: Người có công đua nhau nhận "con nuôi"

(GD&TĐ) - Thời gian gần đây, tại các xã, huyện/thành phố lân cận thuộc tỉnh Quảng Nam, bàn tán xôn xao câu chuyện cười ra nước mắt, khi người có công thích “nhận” những đứa cháu trong họ tộc của mình để làm “con nuôi” của mình nhằm cho các cháu được hưởng chế độ chính sách.

Vì thế nên thứ bậc trong họ hàng bị xáo trộn hoàn toàn…, có người trước gọi là cô ruột thì nay được gọi là mẹ, có người đang làm “bà nội” bỗng dưng xuống làm “mẹ” của cháu mình… Sự việc trên, đã bị phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành xác minh ở 10 huyện/thành phố trên địa bàn tỉnh, phát hiện 137 trường hợp cho nhận con nuôi không đúng quy định theo Nghị định 158/2005 của Chính phủ. Trong vòng 6 năm qua, số tiền chi cho những trường hợp này là gần nửa tỷ đồng.

Danh sách lập hồ sơ và quyết định nhận con nuôi trái pháp luật để hưởng chế độ chính sách của các xã trên địa bàn huyện/thành phố của tỉnh Quảng Nam
Danh sách lập hồ sơ và quyết định nhận con nuôi của các xã trên địa bàn huyện/thành phố của tỉnh Quảng Nam

Từ “bà nội” hô biến thành “mẹ”…

Sáng ngày 22-4, chúng tôi về đến đầu xã Quế Cường, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam thì được biết xã này có gần 20 trường hợp ngược đời như thế. Bà Nguyễn Thị Ngân (SN 1935, trú xã Quế Cường), vì bà Ngân được Nhà nước công nhận có công với cách mạng nên con nuôi của bà cũng được có chính sách ưu đãi. Vì thế là bà “ưu tiên” ngay cho 2 đứa “cháu nội” của bà là Nguyễn Phạm Duy Thịnh (SN 1993) và Nguyễn Phạm Duy Phước (SN 1996, cùng trú xã Quế Cường) làm con nuôi, bối rối muốn giấu sự việc khi chúng tôi hỏi thăm. Nhưng cuối cùng bà cũng nói thật ra sự việc của mình: “Thiệt tình thì cũng khó coi, nhưng nhà khó khăn nên làm thế để kiếm “chút tiền” hàng tháng cho các cháu nó học”.

Còn cha mẹ em Nguyễn Phước Thiện (SN 1998, Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn), tìm mãi không thấy cô, bác hay bà nội ruột gì có công với cách mạng, bèn sực nhớ đến người bà con “xa lắc xa lơ” trong tộc là ông Nguyễn Công Tuần (SN 1952, cùng trú Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn) từng tham gia cách mạng. Thế là một thời gian sau, em Nguyễn Phước Thiện từ hàng cháu “chắt”, “xa lắc xa lơ” đã nhảy “vột” lên thành con nuôi của ông Tuần để hưởng chế độ chính. Cách nhà ông Tuần không xa, cũng có em Pham Thị Hồng Vinh (SN 2001) sau một thời gian được chính quyền địa phương “hỗ trợ” đã nhanh chóng biến thành con nuôi của Phạm Minh Hải (SN 1955, cùng trú Quế Xuân 2, Quế Sơn, người có công với cách mạng) nhằm được miễn giảm học phí khi đi học và nhận trợ cấp 250.000 đồng/tháng.

Sau khi biết các xã “sai” thì huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định số 372/QĐ-UBND thu hồi, hủy bỏ việc nhận con nuôi trái pháp luật.
Sau khi biết các xã “sai” thì huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định số 372/QĐ-UBND thu hồi, hủy bỏ việc nhận con nuôi trái pháp luật.

Cán bộ xã bao che?

Nếu nhận con nuôi của những người được hưởng chế độ chính sách thì các em “con nuôi” trong quá trình học, để miễn giảm các khoản học phí và các chế độ khác, đối tượng con nuôi chỉ cần nộp quyết định công nhận con nuôi và xác nhận của UBND xã/phường nơi cư trú cho trường là đủ. Theo quy định, mức trợ cấp cho các cháu là con người có công ở bậc mẫu giáo mỗi năm là 200.000 đồng; cấp 1,2 và 3 mỗi năm là 250.000 đồng. Khi vào trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc sau đại học, mức nhà nước chi trả cho sinh viên mỗi năm có sự khác nhau tùy từng trường học.

Xoay quanh sự việc này, ông Nguyễn Duy Trinh - Trưởng Ban tư pháp xã Quế Cường, huyện Quế Sơn, Quảng Nam cho biết: người trực tiếp làm 18 bộ hồ sơ công nhận con nuôi “sai quy định” ở xã này, phân bua: “Ở xã có một mình tôi làm tư pháp nên việc thay đổi các quy định của pháp luật không nắm rõ được hết. Do trước kia, việc nhận con nuôi là theo Nghị định 83 của Bộ tư pháp, sau đó đến năm 2008 thì thông tư số 1 của Bộ lại sửa đổi bổ sung, nhưng lại không rõ ràng nên tôi không biết mình làm “sai”. Vả lại ban đầu, tôi nghĩ họ đi làm thủ tục nhận con nuôi để chia tài sản, nhập khẩu… cho dễ dàng thôi chứ không biết họ có ý trục lợi về chế độ hưởng chính sách của nhà nước. Do có nhiều sự thay đổi trong các quy định về thủ tục nhận con nuôi nên chúng tôi không nắm bắt kịp thời. Tuy nhiên, UBND huyện Quế Sơn đã thu hồi các quyết định nhận con nuôi rồi”.

Trao đổi với thượng tá Lê Văn Hồng - Phó Trưởng Phòng PC46 Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: Theo thông tư số 01 của Bộ tư pháp ban hành ngày 2.8.2008, thì “Việc nhận nuôi con nuôi mà làm thay đổi thứ bậc trong gia đình (như trường hợp ông, bà nhận cháu hoặc anh, chị nhận em làm con nuôi), thì không giải quyết.” Như vậy, hàng loạt Chủ tịch UBND, cán bộ tư pháp xã, phường thuộc các huyện/thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã không làm đúng quy định của Nhà nước về thủ tục công nhận con nuôi. Đồng thời, các cán bộ này đã có dấu hiệu vi phạm Điều 285 Bộ luật hình sự”.

Hiện quyết định thu hồi các quyết định làm sai đối với nhận con nuôi của các xã đã được các huyện thực hiện. Nhưng vẫn chưa có bất kỳ một hình thức kỷ luật nào đối với cán bộ làm sai. Số tiền ngân sách đã chi cho các trường hợp con nuôi “ảo” không có khả năng thu hồi. Thiết nghĩ các ngành chức năng Quảng Nam phải mạnh tay và xử lý nghiêm những trường hợp trên chứ đừng để “cố đấm ăn xôi”.

 Bài và ảnh: Nguyên Khang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ