Quảng Nam: Huy động mọi nguồn lực để trò nghèo không thiếu sách

GD&TĐ - Ngành giáo dục huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) tiến hành đa dạng các hình thức tuyên truyền đến phụ huynh học sinh về chương trình sách giáo khoa (SGK) mới.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Lồng ghép, tuyên truyền bằng nhiều hình thức

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt danh mục SGK lớp 1,2,3, lớp 6 và 7, lớp 10 sử dụng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh từ năm học 2022-2023.

Theo đó, hầu hết các đầu SGK của bộ sách lớp 1, 2 và 6 của Quảng Nam được chọn từ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. 

Tỉnh Quảng Nam cũng chọn tất cả đầu SGK lớp 3 của Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để sử dụng, gồm: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm.

Riêng sách Tiếng Anh, tùy theo điều kiện của từng trường, có thể lựa chọn sách Global Success thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoặc sách i-Learn Smart Start của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng có quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 7 và lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh từ năm học 2022-2023. Theo đó, bộ SGK lớp 7 sử dụng tại các trường học ở Quảng Nam được lựa chọn từ 2 bộ Kết nối tri thức và cuộc sống và bộ Chân trời sáng tạo.

Riêng sách Tiếng Anh lớp 7, các cơ sở giáo dục có thể lựa chọn sử dụng sách Global Success của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoặc Tiếng Anh 7 i-Learn Smart World của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Là địa bàn là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, ngay sau khi tỉnh có quyết định phê duyệt sách, ngành Giáo dục huyện Bắc Trà My đã triển khai nhiều hình thức lồng ghép việc tuyên truyền việc chọn sách giáo khoa cho phụ huynh học sinh.

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, với 100% học sinh là người đồng bào dân tộc,  trường đã lên kế hoạch để triển công tác tuyên truyền việc chọn sách giáo khoa cho phụ huynh học sinh.

Thầy Đỗ Thanh Hoàng – Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn cho hay:  Việc tuyên truyền đến phụ huynh còn gặp khó khăn. Do địa bàn rộng, đa số phụ huynh học sinh là người đồng bào dân tộc nên không có điện thoại, mạng Internet . . . Nhà trường chủ động phân công giáo viên đến từng khu vực để tuyên truyền cho phụ huynh học sinh.

Các giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm họp triển khai lựa chọn SGK.
Các giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm họp triển khai lựa chọn SGK.

“Các giáo viên thường xuyên đi vận động học sinh tới trường nên có thể kết hợp để tuyên truyền việc chọn SGK đến phụ huynh. Đồng thời, trường cũng chủ động liên hệ các trưởng thôn để nắm bắt lịch họp, trong buổi họp thôn, trường sẽ cử giáo viên đến để tranh thủ phổ biến việc chọn SGK.

Ngoài ra, ở những tiết chào cờ, họp phụ huynh cuối năm, nhà trường cũng sẽ tuyên truyền đến phụ huynh vấn đề chọn sách”, thầy Hoàng chia sẻ.

Đề xuất cấp kinh phí để mua SGK cho học sinh mượn

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Thanh Tú – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết: Sau khi tỉnh ra quyết định phê duyệt Danh mục SGK năm học 2022-2023, ngành Giáo dục huyện đã chỉ đạo trường tiểu học, THCS trên địa bàn thông tin về các bộ SGK đã được chọn đến phụ huynh, đặc biệt là trong buổi họp cuối năm sắp tới. Để từ đó, phụ huynh nắm rõ thông tin về các loại SGK của con em mình. 

Ông Tú cho biết thêm: Trong năm học 2021-2022, Phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My tham mưu với UBND huyện  cấp kinh phí cho các trường học trên địa bàn mua SGK mới cho học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 6 mượn, với nguồn kinh phí dự kiến gần 700 triệu đồng.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng được thực hiện kỹ càng, cẩn trọng, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu”, ông Tú nhấn mạnh.

“Sau thời gian triển khai hiệu quả, trong năm học 2022-2023, ngành Giáo dục huyện tiếp tục tham mưu để huyện cấp kinh phí về các trường, để từ đó các trường tiểu học, THCS trên địa bàn chủ động mua SGK và thiết bị dạy học cho học sinh mượn”, ông Tú thông tin.

Cũng theo ông Tú, việc chọn  SGK tiếng Anh cũng có một chút khó khăn. Do trong phê duyệt của tỉnh, đối với sách Tiếng Anh, tùy theo điều kiện của từng trường học, có thể lựa chọn sách Global Success thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoặc sách i-Learn Smart Start của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

“Chính vì thế, ngành Giáo dục huyện cũng quán triệt cho các trường sớm triển khai việc chọn sách nhằm có thời gian chuẩn bị cho việc tập huấn để bước vào năm học mới, đúng tiến độ đề ra. Hiện ngành Giáo dục đang tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… sẵn sàng cho việc triển khai chương trình mới với lớp 3, lớp 7.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.