Tăng số lượng, giảm doanh thu
Công ty Cổ phần sách và Thiết bị trường học Điện Biên hiện vẫn đang là đơn vị truyền thống cung cấp sách giáo khoa cho toàn bộ cơ sở giáo dục tại 10/10 huyện, thị, thành phố thuộc địa phương.
Trong năm học này, Công ty phát hành 1.200.000 bản, tăng 200.000 bản so với năm học trước. Theo ông Trần Quang Đức, Phó Giám đốc công ty thì số gia tăng này là do thực hiện chương trình thay sách đối với các khối lớp 1, 2 và 6.
“Tăng nhiều, đáng lẽ phải mừng. Song do những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 nên chúng tôi vừa thêm vất vả mà doanh thu lại sụt giảm” – ông Đức nói.
Lý giải cho nghịch lý này, ông Thành cho biết, do thực hiện các quy định về giãn cách, nên nguồn cung về sách giáo khoa thiếu cục bộ. Chính vì vậy, công tác phát hành của đơn vị cũng bị gián đoạn theo.
“Cùng 1 thời điểm, song chúng tôi phải vận chuyển và giao sách tới 2 lần, khiến chi phí đội lên. Đơn cử như chỉ riêng huyện Mường Nhé, nếu như năm trước chúng tôi vận chuyển 10 chuyến, thì năm nay phải 13, 14 chuyến. Tính đơn giản mỗi chuyển chi phí 10 triệu cả đi và về, thì số tiền chênh lên đã khá lớn rồi”, ông Đức phân trần.
Không những vậy, theo ông Đức, Điện Biên là địa bàn miền núi, giao thông đi lại khó khăn, nhiều đơn vị trường ở cách xa trung tâm. Thời gian cao điểm phát hành lại vào mùa mưa, thường xuyên xảy ra sạt lở, ách tắc làm ảnh hưởng đến cả tiến độ và nhiều khoản chi phí phát sinh đi kèm.
“Nhân lực của đơn vị chỉ có 8 người thực hiện công tác phát hành, vì thế chúng tôi bố trí theo từng huyện và chia khu vực để anh em đi nhằm đảm bảo kế hoạch. Do dự báo trước tình hình dịch bệnh, năm nay chúng tôi chủ động triển khai công tác phát hành ngay từ tháng 6 nên mới đảm bảo được tiến độ, không để cơ sở trường học nào thiếu số lượng sách đã đăng ký”, ông Đức cho biết thêm.
Tự tìm cách “bơi”
Mặc dù mới đi vào hoạt động từ khoảng giữa năm 2021, song Siêu thị Sách Đức Thành (thành phố Điện Biên Phủ) cũng không nằm ngoài những biến động tiêu cực của dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc siêu thị, thì cơ sở vừa phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn về thị phần lại vừa lo ứng phó với dịch bệnh.
“Chúng tôi còn non trẻ, thời điểm mở cửa thì việc cung ứng sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục đã hoàn tất nên chủ yếu doanh thu từ bán lẻ, không đáng kể. Cộng thêm 2 lần dịch bệnh bùng phát, trong đó có cả địa bàn thành phố nơi siêu thị đóng chân, khiến chúng tôi ảnh hưởng không nhỏ”, ông Thành chia sẻ.
Những ảnh hưởng mà ông Thành nhắc đến là sự sụt giảm về lượng khách hàng tới mua, các chi phí phát sinh trong quá trình mở cửa và đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch bệnh… Tuy nhiên, đơn vị vẫn tìm cách khắc phục để duy trì hoạt động và đảm bảo nhu cầu của người dân.
Để có thể vượt qua những khó khăn trước mắt, đơn vị phải tự “bơi”, bằng nhiều cách khác nhau. Dựa trên cơ sở đánh giá lại tình hình thực tế, thị trường, nhu cầu, đối tượng khách hàng để đơn vị xây dựng chiến lược cho mình.
“Hiện nay, chúng tôi đang tập trung ưu tiên vào mảng thiết bị, đồ dùng học tập. Do đây là thị trường mở, nhu cầu tất yếu thời điểm nào cũng cần. Đối với mặt hàng sách giáo khoa thì hiện nay chúng tôi xác định là thị trường đóng, vì nhu cầu cơ bản đã ổn định”, ông Thành cho biết.
Tuy nhiên, về lâu dài thì theo ông Thành, đơn vị cũng đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển thị phần cung ứng sách giáo khoa vì hiện nay nhà nước đã có chính sách mở đối với vấn đề này.
“Ngoài ra, xác định dịch bệnh sẽ còn kéo dài, nên doanh nghiệp cũng cần có nguồn lực, “sức đề kháng” tốt để bền bỉ “sống chung” với dịch. Những mô hình kinh doanh gắn liền với giới thiệu, quảng bá sách, như: Cafe sách, góc tham khảo, trải nghiệm… hiện nay cũng đang nằm trong dự tính của đơn vị”, ông Thành chia sẻ thêm.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"