Quảng Bình: Chính quyền xã tự ý hủy hoại di tích

GD&TĐ - UBND xã Đức Trạch (Bố Trạch – Quảng Bình) đã tự ý đập phá, san bằng di tích chùa Quan Âm Tự để xây mới. Việc làm sai trái nêu trên đang gây dư luận bức xúc tại địa phương.

Chùa Quan Âm Tự ở xã Đức Trạch – Bố Trạch – Quảng Bình (Ảnh quangbinh.gov.vn)
Chùa Quan Âm Tự ở xã Đức Trạch – Bố Trạch – Quảng Bình (Ảnh quangbinh.gov.vn)

Tự ý phá chùa để xây dựng mới

Vào tháng 12/2017, Chủ tịch tỉnh Quảng Bình mới chỉ đồng ý ý kiến chấp thuận việc trùng tu tôn tạo di tích cấp tỉnh Quan Âm Tự và yêu cầu các đơn vị thực hiện theo đúng quy định đúng pháp luật nhưng khi mọi thủ tục chưa hoàn tất thì UBND xã Đức Trạch đã tiến hành khởi công xây dựng mới hoàn toàn với giá trị ước khoảng 1,6 tỷ đồng.

Ghi nhận tại hiện trường, chùa Quan Âm Tự cũ đã bị đập phá hoàn toàn và thay vào đó là một công trình mới bằng bê tông cốt thép… để xây mới hoàn toàn.

Lý giải điều này, lãnh đạo UBND xã Đức Trạch cho rằng khi khảo sát lại nhận thấy nền móng không chắc, các cột bằng gạch không có lõi sắt nên đơn vị thiết kế đã tư vấn làm cột trụ mới vững chắc hơn để kiên cố, lực đỡ tốt hơn…

Kinh phí trùng tu ngôi chùa có nguồn ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa. Hiện tại UBND xã Đức Trạch nhận được nguồn vốn huy động xã hội hóa 900 triệu, hơn nữa nguyện vọng của người dân phải khởi công vào tháng 2 âm lịch nên xã tiến hành khởi công… lãnh đạo xã cho hay.

Điều đáng nói, việc khởi công này của UBND xã Đức Trạch đến lãnh đạo huyện Bố Trạch cũng không được báo cáo (?!). Mong rằng chính quyền tỉnh Quảng Bình cần sớm kiểm tra xử lý nghiêm với hành vi tự ý hủy hoại công trình có giá trị văn hóa lịch sử này.

Chùa Quan Âm Tự đã bị phá hoàn toàn và đang xây dựng mới.

Chùa Quan Âm Tự đã bị phá hoàn toàn và đang xây dựng mới.

Ngôi chùa có giá trị văn hóa, lịch sử

Tương truyền, vào năm 1802, đời vua Gia Long, một ngư dân tên là Hồ Lương Đường, trong một lần đi đánh cá ngoài biển, đã kéo lên được một pho tượng bằng đá. Ngày hôm sau, ông lại kéo được 1 bệ đá và 2 chiếc cối, 2 chiếc chày bằng đá được cho là đồ dùng của người Chăm.

Nhân dân cho đây là điểm lành nên dân làng đã dựng một ngôi nhà bằng tranh tre thờ vị quan âm đó để cầu phúc cầu tài bởi trước đó vùng đất này không yên ổn, làm ăn thiếu may mắn. Sau khi dựng chùa, dân làng làm ăn phát đạt, làng xóm yên vui. Tiếng lành đồn xa, nhân dân trong vùng đến lễ chùa rất đông.

Ngôi chùa trở nên chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu tâm linh của thiện nam tín nữ khắp cả vùng nên vào năm 1843 ngôi chùa được xây dựng lại và khánh thành vào năm 1845.

Chùa làm bằng gỗ lim, theo phong cách kiến trúc Phương Đông, có hàng rào xung quanh. Chùa có tiền đường, thượng điện, nhà thờ tổ, tam quan, gác chuông. Những tác phẩm điêu khắc ở chùa trang trí đầy óc sáng tạo. Hình rồng, phượng ở chùa mỗi con mỗi vẻ. Xung quanh chùa là vườn cây trái, tạo không gian thoáng đãng yên tĩnh.

Buổi đầu chùa chỉ thờ tượng quan âm vớt được ở dưới biển. Hiện nay, trong chùa có tượng hộ pháp, bộ tượng tam thế, A di đà, quan âm bồ tát, đại thế chí, dược sư lưu ly, địa tạng, thích ca sơ sinh, ngọc hoàng, nam tào, bắc đẩu, hộ pháp long thiên, đạt ma tổ sư... Tất cả có 30 pho tượng. Các tượng được làm bằng chất liệu khác nhau như đá, đồng, gỗ và có niên đại từ thế kỷ 18 đến 19.

Các hoành phi, câu đối sơn son thiếp vàng đa phần nói về phật pháp nhiệm màu và có nhiều bức đại tự. Chùa Quan Âm Tự có một số hiện vật rất quý như: Hai chiếc cối đá và 2 chiếc chày đá, có, niên đại khoảng thế kỷ thứ 7, thứ 8. 2 chiếc đại hồng dung được đúc vào thời Tự Đức, chuông nặng 200 kg, tăng ni, phật tử ở đây coi như một báu vật.

Trên chuông khắc một bài văn bia ca ngợi chốn danh lam thắng tích, nhắc lại truyền thuyết vớt được tượng quan âm…

Chùa Quan Âm Tự được hoàn thành vào năm 1845, là di tích văn hóa cấp tỉnh được công nhận vào năm 2000. Ngôi chùa này có nhiều cổ vật là các tượng Thích Ca, Di Lặc, Phổ Hiền... có giá trị về lịch sử và văn hóa. Chùa Quan Âm Tự cũng là một trong những nơi nuôi giấu cán bộ, cất giữ vũ khí trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ