Không thương mại hóa để làm khác nội dung lễ hội

GD&TĐ - Với một số lễ hội còn rườm rà, phức tạp, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thào Hà Nội Tô Văn Động đề nghị các địa phương chỉ đạo Ban tổ chức lễ hội thực hiện đúng nội dung, đừng coi trọng lợi ích về mặt kinh tế để làm khác đi nội dung lễ hội

Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt (đứng) khẳng định khu vực xung quanh Chùa Hương không bày bán thịt thú rừng.
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt (đứng) khẳng định khu vực xung quanh Chùa Hương không bày bán thịt thú rừng.

Chùa Hương không bày bán thịt thú rừng

Trả lời các câu hỏi của đại biểu đề nghị về việc làm rõ công tác thanh tra kiểm tra và trách nhiệm để xảy ra tình trạng bán thịt sống, thịt động vật thú rừng vẫn còn bày bán tràn lan tại chùa Hương bày bán tràn lan thịt sống, thịt thú rừng, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, lễ hội chùa Hương là lễ hội kéo dài nhất cả nước (khoảng 3 tháng).

Đến thời điểm hiện tại thống kê có trên 700 nghìn lượt khách về trẩy hội chùa Hương, tăng hơn 55 nghìn lượt khách. Trong 3 năm trở lại công tác triển khai tổ chức lễ hội đã để lại dấu ấn đẹp trong du khách.

Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung cần khắc phục, đó là vấn đề về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, tình trạng chèo kéo khách du lịch.

Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cũng cho biết còn hiện tượng bày bán thịt sống, thịt giả thú rừng tại lễ hội chùa Hương. Huyện đã tăng cường quản lý, xử lý thường xuyên, Ban Tổ chức thường xuyên kiểm tra và đến hôm qua (14/3) đã xử lý 23 trường hợp với hơn 17 triệu đồng với các trường hợp bày bán thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Hoạt khẳng định: “Các cuộc kiểm tra đều khẳng định là thịt giả thú rừng, không có thú rừng hoang đã được bày bán. Hiện chúng tôi tăng cường quản lý và xử lý rất nghiêm việc bày bán thịt thú rừng, yêu cầu hơn 400 hộ kinh doanh ăn uống phải ký cam kết”.

Đối với quận Đống Đa, Chủ tịch quận Võ Nguyên Phong cho biết, quận có 16 lễ hội, với nhiều lễ hội quy mô hơn và có 1 di tích cấp Quốc gia đặc biệt là Văn Miếu-Quốc Tử Giám. UBND quận đã chỉ đạo các lực lượng công an, thanh tra, các phường tập trung đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các khu vực diễn ra lễ hội.

Tuy nhiên, xung quanh khu Văn Miếu-Quốc Tử Giám có một điểm trông giữ xe tại vỉa hè phố Văn Miếu do UBND quận Đống Đa cấp phép. Để đảm bảo nhu cầu người dân đến tham quan dịp Tết, UBND Thành phố cũng cho phép đỗ xe tại khu vực Vườn Giám (từ 24 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng Mậu Tuất). Trong quá trình thực hiện, các đơn vị này có vượt quá diện tích được cấp phép, một số hộ dân tự phát trông giữ xe.

Khi phát hiện, UBND quận đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm tại đây, nên sau mùng 5 Tết không còn hiện tượng này tại các khu vực của quận. Quận sẽ chỉ đạo các lực lượng kiểm tra hết các điểm đỗ xe trên địa bàn, trên cơ sở các điểm có đủ điều kiện thì chúng tôi sẽ báo cáo Sở Giao thông vận tải cấp phép để đưa vào quản lý theo quy định.

Ban hành quy chế về quản lý tiền công đức

Tại phiên giải trình, về nội dung đặt hòm công đức, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Tô Văn Động cho biết, theo quy định, mỗi di tích được đặt 1-3 hòm công đức. Những năm qua, Hà Nội đều thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, có một số di tích có số lượng hòm công đức đặt nhiều hơn là do di tích có nhiều bàn thờ; trong lễ hội chính, số lượng khách đến đông nên số lượng hòm công đức không đáp ứng được nên dẫn đến tình trạng chen lấn nên một số trụ chì đã linh hoạt trong việc đặt hòm công đức.

Về thực trạng của việc sử dụng tiền công đức trên địa bàn Hà Nội được ông Tô Văn Động cho biết là đối với các Di tích có ban quản lý, có sự giám sát của chính quyền địa phương, việc thu chi đều thực hiện thông qua kho bạc Nhà nước và công khai trước dân, đảm bảo theo quy định.

Cho biết về giải pháp khắc phục, theo ông Tô Văn Động, Sở Văn hóa và Thể thao, sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động các vị sư chủ trì và người dân thực hiện tốt công tác quản lý sử dụng tiền công đức tại các lễ hội và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Thành phố theo hướng công khai minh bạch. Giao trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát cụ thể trong UBND cấp xã, phường để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng tiền công đức tại các lễ hội.

Hiện nay, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao và một số cơ quan liên quan tham mưu báo cáo UBND Thành phố ban hành quy định về việc sử dụng tiền công đức tại các lễ hội, thời gian hoàn thành vào tháng 6/2018. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, liên ngành cam kết trong tháng 6/2018 sẽ hoàn thành nội dung này để có thêm căn cứ quản lý tiền công đức tại các di tích.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ