Quảng bá tác phẩm văn học: Mới mẻ nhưng cần thiết

GD&TĐ - Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, quảng bá tác phẩm là rất cần thiết và quan trọng để tác phẩm đến gần hơn với công chúng.

Quảng bá tác phẩm văn học: Mới mẻ nhưng cần thiết

Khi một quyển sách ra đời, tác giả thường tổ chức truyền thông như: Họp báo, diễn đàn… giới thiệu tác phẩm mới. Điều này sẽ mang lại những hiệu quả tích cực, độc giả sẽ tò mò và tìm đến tác phẩm. Tuy nhiên, thực tế không phải nhà văn, nhà thơ nào cũng có điều kiện để làm truyền thông.

Xu hướng mới

Gần đây, xu hướng tự quảng bá, giới thiệu tác phẩm văn học nghệ thuật trên các trang thông tin cá nhân, mạng xã hội rất được văn nghệ sĩ cả nước ưa chuộng. Không ít tên tuổi đã nổi lên và tìm thấy đối tượng bạn đọc tiềm năng cho riêng mình từ những trang sáng tác trên blog, mạng xã hội, diễn đàn như Nguyễn Thu Thủy, Quỳnh Thy, Leng Keng...

Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo chia sẻ: “Sự quảng bá của truyền thông quan trọng vô cùng bởi rất nhiều sách được xuất bản trong cả nước, việc thu hút sự chú ý của người đọc vào một, hai tác phẩm nào đó là rất khó, nếu tác phẩm không có sức lan tỏa và không được báo chí quảng bá. Nếu được những tờ báo uy tín, “tên tuổi” giới thiệu thì tác phẩm dễ thu hút sự chú ý của người đọc. Đó cũng là một cách đưa sách đến với người đọc”.

Theo các nhà văn, hiện nay việc in sách thường có hai trường hợp. Thứ nhất, các NXB mua bản quyền sách của tác giả. Với trường hợp này, các NXB thường tự tổ chức làm truyền thông, giới thiệu sách để thu hút sự chú ý của độc giả, từ đó sách được nhiều người biết và tìm mua hơn. Thứ hai, tác giả liên hệ với NXB để xin giấy phép và tự bỏ tiền túi để in sách, nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để làm truyền thông cho “đứa con” tinh thần của mình. Vì vậy, hiệu ứng với công chúng không nhiều.

Với xã hội hiện đại, việc quảng bá tác phẩm là việc làm cần thiết, thậm chí không thể thiếu. Không chỉ trong lĩnh vực văn học mà cả trong các lĩnh vực khác như phim ảnh, nhà xuất bản, nhà hát, người mẫu, ca sĩ... có bộ phận quảng bá chuyên nghiệp để tác động đến sự quan tâm của công chúng. Môi trường của văn chương đã rộng, thị trường đối với tác giả còn rộng hơn, điều này thuận lợi cho nhà văn, người biết cần quảng bá những gì về văn học mà mình khổ công sáng tạo nên.

Nhiều rào cản nhưng cần thiết

Cảm nhận được dòng chuyển động mới, nhiều nhà văn trẻ đã ý thức được hiệu quả của việc giới thiệu tác phẩm của mình tới công chúng.

Nhà văn Phan Việt cho rằng, quảng bá tác phẩm trong văn học giúp người đọc hiểu rõ về tác giả, tác phẩm hơn, tạo những cơ hội để tác phẩm đến được với công chúng. Còn việc nó ở lại bao lâu thì lại tùy thuộc vào sức lay động của tác phẩm đó.

Đời sống thông tin phong phú, đa dạng, đa chiều như hiện nay đã tạo ra môi trường mới, đòi hỏi hoạt động giới thiệu tác phẩm văn học phải vận động, thay đổi từ việc nhỏ như in một trang bìa ấn tượng, tổ chức tốt việc giới thiệu tác phẩm, thậm chí là đổi mới việc tổ chức xét, trao giải thưởng văn học…

Tuy nhiên, quảng bá văn học từ trước nay là một thách thức lớn của mọi nhà văn và mọi nền văn học, đặc biệt quảng bá tác phẩm văn học ra thế giới. Từ xưa đến nay, công việc dịch thuật vẫn là của cá nhân tự phát, yêu văn học, yêu công việc dịch (tuy rất khó khăn, lại âm thầm) nên cũng không nhiều người muốn làm. Vả lại, để có thành công của dịch thuật cũng không dễ.  

Theo nhà văn Phan Việt, những nhà văn trẻ Việt Nam nếu có cơ hội được quảng bá thì cũng sẽ được bạn đọc chú ý rất nhiều. Thế hệ nhà văn trẻ, nhà thơ trẻ hiện nay mới có nhiều cơ hội hòa nhập được với thế giới nhiều hơn chứ không phải thế hệ cây đa cây đề đi trước. Khi có chiến dịch quảng bá thì lập tức nhiều tác phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, trước khi tiến hành quảng bá cho tác phẩm, mỗi tổ chức, cá nhân cần lựa chọn để tìm ra cách thức vừa có hiệu quả, vừa có văn hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.