Quản trị số trong trường học: Trường học vào guồng

GD&TĐ - Việc cập nhật kết quả học tập lên cơ sở dữ liệu ngành được các trường THPT triển khai khá bài bản, thuận lợi.

Tại Điện Biên, việc cập nhật kết quả học tập của học sinh lên cơ sở dữ liệu ngành nằm trong “chiến lược” chuyển đổi số nên được thực hiện đồng bộ trong các trường THPT.
Tại Điện Biên, việc cập nhật kết quả học tập của học sinh lên cơ sở dữ liệu ngành nằm trong “chiến lược” chuyển đổi số nên được thực hiện đồng bộ trong các trường THPT.

Tuy nhiên, để đồng bộ, hiệu quả cần sự đầu tư, quan tâm về cơ sở vật chất, nền tảng phần mềm cũng như tập huấn thường xuyên cho giáo viên. Cán bộ quản lý một số địa phương cũng đề xuất Bộ GD&ĐT có quy định pháp lý chung về hồ sơ điện tử để đồng bộ trên cả nước.

Xu hướng tất yếu

Sử dụng sổ điểm điện tử từ hơn 10 năm trước, theo thầy Chu Viết Tấn (giáo viên Toán Trường THPT Hoàng Mai, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An), thời điểm đó, việc số hóa kết quả học tập của học sinh chỉ mang tính chất làm quen, thử nghiệm. Do đó, thầy sử dụng song song sổ điểm giấy và điện tử, trong đó sổ giấy là chính.

“Về mặt thuận lợi, sổ điểm số giúp giáo viên có thể cập nhật thường xuyên kết quả kiểm tra của học sinh bất cứ lúc nào, ở đâu; Đồng thời có thể đối chiếu, so sánh kết quả qua từng học kỳ, năm học. Nhưng khó khăn cũng không tránh khỏi, khi thực hiện chuyển giao từ thủ công sang số hóa. Cụ thể, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin và thao tác máy tính của giáo viên không đồng đều. Hoặc hạn chế về cơ sở vật chất như kết nối mạng, đường truyền; phần mềm chưa hỗ trợ và có nhiều tiện ích cho giáo viên sử dụng”, thầy Tấn chia sẻ.

Tuy nhiên, thầy Chu Viết Tấn cũng cho rằng: Cập nhật kết quả học tập của học sinh lên cơ sở dữ liệu trường và ngành là một phần của số hóa quản trị trường học. “5 năm lại đây, Trường THPT Hoàng Mai sử dụng sổ điểm điện tử hoàn toàn, thay thế cho sổ điểm giấy. Chúng tôi cũng sử dụng học bạ điện tử, và in từ trên phần mềm xuống để lưu trữ hoặc cung cấp cho học sinh. Cách đây 2 năm đã cập nhật kết quả học tập của học sinh lên cơ sở dữ liệu ngành”, thầy Chu Viết Tấn cho hay.

Tại Trường THPT huyện Tuần Giáo (Điện Biên), việc cập nhật kết quả học tập của học sinh các khối lớp lên hệ thống ngành cũng được thực hiện đồng bộ, thuận lợi. Thầy Hoàng Xuân Bình – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Giáo viên trực tiếp cập nhật điểm của học sinh lên hệ thống, theo hình thức “cuốn chiếu”. Tức là sau mỗi bài kiểm tra, có kết quả đánh giá, giáo viên cập nhật luôn. Do phần mềm của Bộ dễ hiểu, rõ ràng, nên chỉ cần hướng dẫn qua là giáo viên đều có thể tự thực hiện được”.

Cũng theo thầy Bình, những năm gần đây, giáo dục miền núi đã nhận được sự quan tâm, đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, chất lượng nhân lực nên cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Việc cập nhật lên hệ thống dữ liệu của ngành không chỉ tiết kiệm thời gian cho giáo viên, mà còn thuận lợi cho nhà trường trong việc tổng hợp kết quả giáo dục cuối kỳ và năm học. Nếu như trước đây, giáo viên phải mất thời gian tính toán điểm số học sinh một cách thủ công, thì hay chỉ cần đẩy điểm lên hệ thống là có kết quả luôn. Quá trình cập nhật lại không phức tạp, giáo viên có thể thực hiện ở bất cứ đâu chỉ cần có mạng.

Việc cập nhật kết quả học tập của học sinh lên hệ thống dữ liệu ngành giúp nhiều giáo viên tiết kiệm được thời gian hơn.
Việc cập nhật kết quả học tập của học sinh lên hệ thống dữ liệu ngành giúp nhiều giáo viên tiết kiệm được thời gian hơn.

Tránh kẽ hở tiêu cực

Tại Trường THPT Mộc Hạ (Sơn La), việc cập nhật kết quả học tập của học sinh lên hệ thống được triển khai từ năm học 2019 - 2020. Theo thầy Lê Xuân Giáp, giáo viên cập nhật thông tin và kết quả học tập của học sinh vào đầu năm học mới và khi có điểm cuối kỳ. “Ban đầu thực hiện cập nhật lên hệ thống cũng có một số chỗ chưa hiểu nhưng đều được giải đáp, hướng dẫn nên cơ bản rất thuận lợi”, thầy Giáp nói.

Đối với Trường THPT số 3 Mường Khương (Lào Cai), việc cập nhật cũng đi vào nền nếp. Để thực hiện nhiệm vụ này, nhà trường bố trí riêng 1 giáo viên bộ môn, giỏi về công nghệ thông tin đảm nhiệm. “Đầu mỗi năm học và sau mỗi kỳ học khi có kết quả đánh giá học sinh, các giáo viên sẽ tổng hợp. Sau đó giáo viên phụ trách sẽ cập nhật lên hệ thống. Do không được bố trí chuyên để thực hiện nhiệm vụ này, nên trong thời gian cập nhật, nhà trường phải cân đối, sắp xếp lịch giảng dạy cho phù hợp. Đồng thời, bố trí giáo viên cùng bộ môn giảng dạy thay để không gây quá tải”, thầy Lù Văn Thành, Hiệu trưởng nhà trường thông tin.

Tại Nghệ An, Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh) là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử. Thầy Trần Nghĩa Công – Phó Hiệu trưởng, phụ trách vấn đề này cho hay: Cập nhật kết quả học tập lên dữ liệu ngành giúp nhà trường quản lý thông tin học sinh hiệu quả, khoa học, chính xác hơn. Mặt khác, việc số hóa này cũng tránh kẽ hở tiêu cực tác động điểm số học tập.

“Trong thời gian quy định giáo viên hoàn thành vào điểm, cuối kỳ hoặc cuối năm, bộ phận quản trị nhà trường “khóa sổ” lại. Lúc này toàn bộ điểm số, kết quả học tập của học sinh không thể sửa đổi được nữa. Trường hợp sửa điểm, giáo viên phải có đơn, kèm theo minh chứng cụ thể, ví dụ do sai sót khi nhập dữ liệu, hoặc thay kết quả phúc khảo. Sau đó, nộp lại cho nhà trường, được đồng ý mới có thể sửa đổi. Tương tự, nếu trường muốn mở phần mềm để sửa điểm học sinh, cũng phải làm đơn kèm hồ sơ báo cáo sở GD&ĐT đồng ý”, thầy Trần Nghĩa Công nói.

Theo rà soát của Sở GD&ĐT Nghệ An, đến nay, 100% trường THCS, THPT trên địa bàn sử dụng sổ điểm điện tử thay thế cho sổ điểm giấy. Riêng bậc THPT đã triển khai học bạ điện tử, và cập nhật kết quả học tập của học sinh lên dữ liệu ngành từ năm học 2019 - 2020. Còn liên thông lên cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT được sở thực hiện từ năm trước, trên hệ thống phần mềm Vnedu.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An trao đổi: Số hóa kết quả học tập của học sinh THPT được đồng bộ trên toàn tỉnh được 3 năm. Đây được xem như giải pháp quản lý hiệu quả, khoa học. Đơn cử, sở không cần phải về từng cơ sở giáo dục, mà có thể vào hệ thống dữ liệu ngành để theo dõi, kiểm tra, nắm bắt tiến độ chương trình năm học, hoạt động kiểm tra, đánh giá định kỳ của các nhà trường.

Giải pháp công nghệ và giải pháp quản lý song hành giúp hạn chế tiêu cực. Khi đã cập nhật kết quả học tập của học sinh lên phần mềm, mọi thao tác sửa đổi đều lưu vết như: Sửa bao nhiêu con điểm, cộng thêm hoặc trừ bớt bao nhiêu điểm, thời gian nào, các thay đổi này có phù hợp với hồ sơ lưu của nhà trường hay không… Sở GD&ĐT có thể kiểm tra, yêu cầu giải trình, đưa ra minh chứng nếu thấy bất thường hoặc việc sửa đổi điểm số làm thay đổi kết quả đánh giá học sinh cuối kỳ, cuối năm. - Ông Nguyễn Tiến Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Đến với bài thơ hay: Yêu con

GD&TĐ - Bài thơ mở ra với cụm từ 'yêu con' giản dị nhưng sâu sắc, tựa trời cao, biển rộng, như tình yêu không bờ bến.

Việc tham gia các giải chạy hoặc tập các môn thể thao cần phải phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và tính chất công việc. Ảnh: H.Y

Hiểm họa từ tập thể dục quá sức

GD&TĐ - Hoạt động thể dục có rất nhiều lợi ích, nhưng nếu tập quá sức có thể khiến cơ thể đối mặt với nhiều tác hại nguy hiểm, thậm chí tử vong.