Nâng cao quản trị chất lượng giáo dục trong nhà trường

GD&TĐ - Hơn 4 nghìn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán đã hoàn thành khoá tập huấn, bồi dưỡng mô-đun 5 “Quản trị chất lượng giáo dục trong trường Tiểu học/THCS/THPT”.

Chương trình bồi dưỡng mô-đun 5 trực tiếp thông qua lớp học ảo do Học viện Quản lý giáo dục triển khai thực hiện
Chương trình bồi dưỡng mô-đun 5 trực tiếp thông qua lớp học ảo do Học viện Quản lý giáo dục triển khai thực hiện

Kết quả khảo sát sơ bộ khoá tập huấn, bồi dưỡng cho thấy, gần 100% học viên đủ điều kiện được cấp chứng nhận hoàn thành khóa học mô-đun 5; hơn 90% cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán hài lòng với kết quả tổ chức bồi dưỡng.

PGS.TS. Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện – nhấn mạnh, thông qua khoá tập huấn, bồi dưỡng, các học viên được hướng dẫn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường TH, THCS và THPT thực hiện quản trị chất lượng giáo dục trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cụ thể: Định hướng quản trị chất lượng giáo dục trường Tiểu học/ THCS/THPT; Quy trình đánh giá chất lượng giáo dục trong nhà trường và xây dựng, vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong trường phổ thông; Lập kế hoạch xây dựng và cải tiến chất lượng giáo dục; tổ chức tự đánh giá, phối hợp đánh giá ngoài và cải tiến chất lượng giáo dục; xây dựng kế hoạch tự học và hỗ trợ đồng nghiệp về quản trị chất lượng giáo dục.

Khoá tập huấn, bồi dưỡng được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp với bồi dưỡng trực tuyến theo mô hình 7-2-7. Cụ thể: Học viên tự học, tự nghiên cứu tài liệu qua mạng 7 ngày trước khi bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo Hệ thống LMS. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với học viên tham gia bồi dưỡng.

Sau đó, học viên được bồi dưỡng 2 ngày trực tiếp qua lớp học ảo (sử dụng hệ thống học tập trực tuyến LMS. Học viện tự học và hoàn thành nhiệm vụ bồi dưỡng trên hệ thống LMS 7 ngày sau khi tổ chức bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo.

Theo lãnh đạo Học viện quản lý Giáo dục, khoá tập huấn, bồi dưỡng góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, để hướng dẫn đồng nghiệp về quản trị chất lượng giáo dục trong nhà trường. Qua đó, nhằm tăng cường năng lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt của Học viện và các Trường sư phạm tham gia Chương trình ETEP. Mặt khác, tăng cường phối hợp giữa Học viện và các Trường sư phạm tham gia Chương trình ETEP với các Sở/Phòng GD&ĐT và trường phổ thông trong công tác bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, hình thành cộng đồng học tập (để phát triển nghề nghiệp thường xuyên, liên tục) dành cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và đại trà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ