Quản trị số trong trường học: Đồng bộ từ tư duy đến hành động

GD&TĐ - Chuyển đổi số trong quản lý giáo dục được xem như trọng tâm của đổi mới chỉ đạo, quản lý các hoạt động giáo dục trên nền tảng số, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học… trong các nhà trường.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Pa Vệ Sủ, Mường Tè, Lai Châu). Ảnh: NTCC
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Pa Vệ Sủ, Mường Tè, Lai Châu). Ảnh: NTCC

Trước đòi hỏi cấp thiết, các địa phương, nhà trường dù còn những khó khăn nhưng cũng nỗ lực thích ứng, triển khai. 

Đẩy mạnh số hóa

Năm học 2021 - 2022, Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) triển khai hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iOffice), chữ ký số. Công tác quản lý cơ sở vật chất, học sinh bán trú, tổ chuyên môn, văn phòng, hệ thống cây xanh trong trường học… cũng được đầu tư hệ thống quét mã QR để có được thông tin đầy đủ nhất.

Thầy Nguyễn Xuân Toàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chuyển đổi số được triển khai trên nhiều lĩnh vực trong đó có công tác chỉ đạo, quản lý khi đứng trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Các cuộc họp trực tiếp dần được thay thế bằng hình thức trực tuyến. Hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng cũng ngày càng tăng thể hiện sự thích ứng của ban giám hiệu, các đầu mối công việc trong công tác số hóa nền giáo dục.

“Qua thời gian thực hiện chuyển đổi số tại trường đã ghi nhận những kết quả khả quan, song để từng bước số hóa trong quản lý giáo dục nhà trường còn nhiều khó khăn và dự định chưa thực hiện được. Ví như việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống Internet vạn vật, các công nghệ giáo dục thông minh. Điều này cần thời gian để tiếp tục đầu tư, tháo gỡ…”, thầy Toàn trao đổi.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Pa Vệ Sủ (Mường Tè, Lai Châu), Hiệu trưởng, 3 Phó Hiệu trưởng đã được tập huấn cơ bản về chuyển đổi số trong công tác quản lý trường học. Dù trường ở vùng khó, các điều kiện triển khai còn hạn chế, nhưng hiện nay đã số hóa các phần mềm tài chính kế toán; quản lý hồ sơ giáo viên nối liền với sở GD&ĐT, phần mềm về chi trả lương; cập nhật văn bản, chữ ký số (hiệu trưởng, kế toán)… và gần đây đã đưa phần mềm quản lý học sinh bán trú vào ứng dụng…

Theo thầy Vũ Văn Viện, Hiệu trưởng nhà trường, bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý giáo dục còn gặp bỡ ngỡ, khó khăn nhưng các đơn vị cung cấp phần mềm đã tích cực hỗ trợ để Ban giám hiệu, tổ chuyên môn triển khai và đã phát huy hiệu quả.

Số hóa cũng được xem như nhiệm vụ trọng tâm và được đẩy mạnh trong quản lý của Ban giám hiệu Trường THPT Đồng Văn (Hà Giang). Hiện văn bản của trường đều thực hiện chữ ký số, triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iOffice); dữ liệu của giáo viên quản lý trên thông tin mã hóa; Ban giám hiệu và giáo viên có thể họp trực tuyến để giao ban, chỉ đạo, hướng dẫn…

Thầy Nông Thế Huân, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Văn trao đổi: Đội ngũ cán bộ quản lý đều đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số trong quản lý nhà trường. Song số hóa quản lý chưa đạt được hiệu quả, yêu cầu mong muốn bởi còn thiếu cơ sở vật chất, thiết bị, phòng học bộ môn chuyên biệt. Dạy học trực tuyến khi có dịch vẫn chưa thể triển khai…

Trường THPT Số 1 Bắc Hà, Lào Cai. Ảnh: NTCC
Trường THPT Số 1 Bắc Hà, Lào Cai. Ảnh: NTCC 

Nỗ lực gỡ khó

Khẳng định việc số hóa trong công tác quản lý giáo dục tại các trường vùng khó vô cùng hữu ích, cần thiết, thầy Nông Thế Huân minh chứng: Trước đây, để dự cuộc họp trong vòng 30 phút – 1 giờ, lãnh đạo nhà trường phải đi 150km về thành phố Hà Giang. Ban giám hiệu, tổ chuyên môn tham gia dự giới thiệu, chọn sách cũng vất vả về hành trình đi lại. Hiện thông qua số hóa, các hoạt động này được triển khai nhanh chóng mà không kém hiệu quả. Ban giám hiệu có thời gian để quản lý sát sao chuyên môn, trường lớp;

Hoặc với công tác tuyển sinh lớp 10, chuyển trường, lớp cho học sinh nhanh, thuận tiện, cập nhật thông tin chính xác. Việc nhận văn bản hướng dẫn, chỉ đạo… từ sở, ban ngành khác nhanh chóng, kịp thời; Việc nộp báo cáo của trường về sở cũng thuận lợi không tốn công sức, thời gian...”.

Đồng quan điểm về những ưu thế mà số hóa mang lại cho công tác quản lý giáo dục, tuy vậy, thầy Vũ Văn Viện cũng chỉ ra khó khăn của chuyển đổi số trong quản lý, quản trị nhà trường, đó là hệ thống các công cụ, phần mềm số hóa còn rời rạc, chưa tối ưu hóa được cơ sở dữ liệu.

Mặt khác để ứng dụng vững vàng đòi hỏi cán bộ quản lý “đầu tư” thời gian tìm hiểu, thực hành. Có thông thạo, vững vàng thì việc quản lý qua phần mềm số hóa mới phát huy hiệu quả… Do đó, những năm học tới trường sẽ nỗ lực tháo gỡ những khó khăn cơ bản này.

Ông Nguyễn Văn Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT Yên Bình (Yên Bình, Yên Bái) chia sẻ: Phòng đang sử dụng nhiều phần mềm quản lý số hóa. Ví như cơ sở dữ liệu ngành do Bộ GD&ĐT chuyển giao. Trên cơ sở dữ liệu ngành, lãnh đạo phòng GD&ĐT có thể “nắm” được thông tin từ ban giám hiệu, giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất, thiết bị, tỷ lệ tiêm chủng… trong các trường. Về quản lý con người lại sử dụng phần mềm quản lý công chức, viên chức của Sở Nội vụ…

Theo ông Lịch, số hóa là cần thiết và hữu ích cho việc quản lý giáo dục toàn ngành. Song bất cập nhất trong quá trình số hóa với giáo dục vùng khó khăn như Yên Bình chính là cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ; vẫn còn 1 bộ phận cán bộ quản lý các nhà trường chưa hiểu sâu về nền tảng số hóa nên việc triển khai chưa quyết liệt, sáng tạo và thiếu hiệu quả. Đặc biệt việc sử dụng nhiều phần mềm trong quá trình số hóa quản lý dẫn tới sự chồng chéo…

“Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý giáo dục, phòng đề nghị các nhà trường tiết kiệm khoản chi thường xuyên để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất (máy móc, đường truyền); Về mặt con người sẽ tích cực tập huấn, chuyển giao, “cầm tay chỉ việc” cho tới khi thành thạo ứng dụng…”, ông Lịch nói.

“Nếu như trước đây, việc nhập điểm vào học bạ phải mất đến 2 - 3 ngày mới xong, nay nhờ ứng dụng công nghệ thông tin với việc áp dụng sổ học bạ điện tử nên công việc nhập điểm của học sinh được hoàn tất trong khoảng 2 tiếng. Thậm chí, tôi có thể điều chỉnh sai sót (nếu có) trước khi nhập lên hệ thống quản trị chung của nhà trường. Ngoài ra, tôi thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn bài và giảng dạy. Nhờ vậy, các tiết học trở nên sinh động và trực quan hơn; từ đó học sinh tích cực tham gia vào bài học”. - Cô Bùi Thị Khuê (Trường PTDTBT Tiểu học An Lương, Văn Chấn, Yên Bái)  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.