Thích ứng với cuộc sống biến đổi
Hai mươi năm đầu thế kỷ 21 đã diễn ra với những biến đổi nhanh chóng và không ngừng. Sự phát triển của cách mạng khoa học công nghệ, biến đổi khí hậu, sự bất ổn của chính trị - kinh tế, sự hoành hành của dịch bệnh… đã tác động khiến cho con người khó lường trước, khó đoán định được chính xác những điều sẽ xảy ra. Bối cảnh mới đòi hỏi con người cần có năng lực thích ứng với cuộc sống thực, trường học thế kỷ 21 phải là nơi chuẩn bị cho cuộc sống chứ không phải là nơi chuẩn bị cho các kỳ thi.
Với ý nghĩa đó, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh sự khác biệt trên các phương diện của mô hình trường học thế kỷ 21 so với trước. Trưởng học cần trở thành không gian sáng tạo, ở đó chương trình học tập được thiết kế theo hướng cá nhân hóa và khác biệt hóa, hướng tới phát triển năng lực dựa trên tư duy và kỹ năng học tập của người học.
Phương pháp dạy và học đề cao tính thực tế thông qua trải nghiệm và sáng tạo trong môi trường học tập tương tác, tin tưởng giữa giáo viên – học sinh và các lực lượng khác xung quanh học sinh. Người học giữ vai trò trung tâm của quá trình học tập, được khuyến khích khám phá đam mê, mục đích của việc học và cuộc sống dưới sự dẫn dắt, truyền cảm hứng của người thầy.
Trường học hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện
Trường học cần phải thay đổi, nhưng thay đổi thế nào? Ông Hoàng Anh Đức - Giám đốc Trung tâm Edlab Asian cung cấp một góc nhìn về xu hướng cải tổ trường học hiện nay trên thế giới.
“Mục tiêu toàn diện” của trường học không chỉ là nằm trên những tuyên bố về tầm nhìn, sứ mệnh của nhà trường mà phải có hiện hữu trong toàn bộ hoạt động của trường học; không chỉ là mục tiêu học tập mà được thể hiện ở tất cả các khâu thực thi và kết quả; không chỉ hướng tới một nhóm học sinh là quan tâm tới toàn bộ học sinh, sự toàn diện còn thể hiện ở lực lượng tham gia vào quá trình hoạt động của trường học, bao gồm giáo viên, học sinh, gia đình và cộng đồng.
Xu hướng cải tổ trường học diễn ra mạnh mẽ ở các nước Âu – Mĩ với nhiều mô hình đa dạng, có thể nhóm lại thành 5 nhóm.
Nhóm 1: Các trường thay đổi mục tiêu đầu ra từ kiến thức sang mục tiêu năng lực, xây dựng và mô tả chuẩn đầu ra cụ thể trong khung năng lực, hoặc chân dung học sinh tốt nghiệp…
Nhóm 2: Các trường thực hiện giáo dục cảm xúc xã hội (Social Emotional Learning) chú trọng tới giúp học sinh nhận diện cảm xúc, kiểm soát và chuyển hóa cảm xúc, có kỹ năng hợp tác, kỹ năng ra quyết định trong học tập và cuộc sống.
Nhóm 3: Các trường cải tổ phương thức giáo dục chú trọng vào thay đổi phương thức dạy và học, chú trọng các phương thức học tập thông qua trải nghiệm, dự án học tập…
Nhóm 4: Các trường chú trọng vào tính đa dạng, công bằng và hòa nhập trong một cộng đồng đa dạng về văn hóa và khác biệt về các yếu tố xã hội.
Nhóm 5: Các trường điều chỉnh chiến lược phát triển.
Cho dù sự khác biệt trong lựa chọn quan điêm và cách thức cải tổ khác nhau, nhưng có thể nhận thấy, điểm chung giữa các trường này là một cam kết rõ ràng về sứ mệnh, có hình dung rõ nét về tương lai của người học, có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, có sự quan tâm đến từng cá nhân và sự gắn kết với cộng đồng địa phương, tôn trọng các giá trị phổ quát, định nghĩa thành công không dựa trên điểm số, và coi công nghệ là nền tảng kích hoạt.
Trường học sáng tạo thúc đẩy giáo viên và học sinh sáng tạo
Từ đầu cầu Phần Lan, bà Lida Maria Peltomaa - Giám đốc Chương trình Giáo dục liên môn, Wise Consulting Finland đưa ra quan điểm: Hoạt động kích thích sự sáng tạo của học sinh phải thúc đẩy việc học tập và sự phát triển các kỹ năng của mỗi cá nhân. Hoạt động học tập đa dạng để học sinh có cơ hội phát triển bản thân, thu hút sự hứng thú của các em, như đóng vai, trò chơi, thí nghiệm, các hoạt động thể chất, các hình thức nghệ thuật…
Để minh chứng cho quan điểm này đang thực hiện hiệu quả, bà đưa ra các ví dụ về tổ chức dạy học liên môn ở các trường học Phần Lan. Ví như, trong dự án Phòng học thoát hiểm, học sinh nghiên cứu về thiết kế căn phòng, và được hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm, học cách hợp tác và nâng cao kỹ năng công nghệ. Công nghệ được ứng dụng trong việc đồ họa sơ đồ các căn phòng, học sinh sử dụng công nghệ để giải quyết thách thức; giáo viên sử dụng công nghệ để quan sát và giám sát quá trình hoạt động của học sinh.
Điểm quan trọng của mỗi mô hình khi áp dụng là tính phù hợp của nó trong hoàn cảnh thực tế. Bà Lê Kim Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy đã giới thiệu về sự sáng tạo của giáo viên và học sinh nhà trường trong tuần trải nghiệm khi dạy học trực tuyến. Thông điệp mà các diễn giả mang tới hội thảo chính là sự sáng tạo trong quản trị của Hiệu trưởng là một nhân tố quan trọng để thúc đẩy sự sáng tạo của giáo viên và học sinh. Giáo viên và học sinh sáng tạo làm nên trường học sáng tạo.
Một trong các giải pháp cho nhà trường nổi bật được quan tâm hiện nay là “trường học thông minh”. Tuy nhiên, từ kết quả nghiên cứu cũng như trải nghiệm thực tế trong công tác tư vấn giáo dục, ông Đinh Hoàng Triều - Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn giáo dục IGC đã rút ra 5 lầm tưởng thường gặp của Hiệu trưởng khi triển khai “trường học thông minh”.
Đó là: (1) đồng nhất chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; (2) cho rằng công nghệ có thể giải quyết tất cả; (3) sao chép một công nghệ/ứng dụng mô hình có sẵn; (4) cho rằng nhà cung cấp/đối tác giỏi là yếu tố quyết định; (5) phải cần rất nhiều nguồn lực (tài chính, con người, thời gian…) để đầu tư vào công nghệ.
Giám đốc sáng tạo Công ty Cổ phần Toàn cầu Adaptive Learning - AEGlobal, Vũ Anh Tuấn đưa ra ví dụ về một giải pháp cho trường học thông minh, đó là công nghệ thích ứng. Công nghệ thích ứng giúp cho nhà trường chủ động trong việc tạo ra nền tảng trường học thông minh, tạo ra nguồn lực trong nhà trường bằng bồi dưỡng năng lực vận hành cho quản lý và giáo viên.
Ở tầm cao hơn là đề xuất sự thay đổi chính sách đồng bộ tạo điều kiện cho sự kết nối dữ liệu hệ thống cho trường học thông minh. Trường học thông minh là trường học vận dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực trên nền tảng ứng dụng tiến bộ công nghệ kĩ thuật số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong đào tạo thế hệ trẻ.
Hiệu trưởng làm gì để quản trị trường học trong biến đổi?
Hiệu trưởng giữ vai trò trọng yếu để thúc đẩy sự tiến bộ trong trường học. Để nhà trường thực sự đổi mới, “sáng tạo thích ứng nhanh”, Hiệu trưởng trước tiên phải là người đổi mới, sáng tạo.
Tầm nhìn của Hiệu trưởng sẽ định hướng, dẫn dắt đội ngũ giáo viên và học sinh trong nhà trường xây dựng cũng như thực thi sứ mệnh của trường học, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn đã cam kết, kết nối với cộng đồng, xây dựng mô hình nhà trường phù hợp.
Hiệu trưởng là người nghiên cứu, tìm tòi và áp dụng các thành tựu quản lý giáo dục để hiện thực hóa tầm nhìn, sứ mệnh của trường học. Hiệu trưởng là người phát hiện, khơi gợi sự sáng tạo của giáo viên và học sinh, kết nối các bên liên quan trong trường học, kết nối trường học với cộng đồng và tạo nên trường học hạnh phúc.
Mạng lưới quản lý giáo dục không biên giới ra đời đã tạo ra một mạng kết nối các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý giáo dục trên toàn quốc. Hiệu trưởng và các nhà quản lý giáo dục có một diễn đàn hàng tháng để thảo luận chuyên đề về quản lý giáo dục để cập nhật các xu thế mới, các thành tựu nghiên cứu của giáo dục quốc tế và trong nước. Hội thảo Thắp lửa cùng tiến lên hàng năm của Mạng lưới quản lý giáo dục không biên giới thực sự là một sự kiện có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển của giáo dục Việt Nam.