Quản trị nhân sự thời 4.0 cần trang bị những gì?

GD&TĐ - Nguồn lực cơ bản và quan trọng nhất của xã hội từ xưa đến nay là con người. 

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, để nguồn lực đó được phát huy một cách tốt nhất thì cần có những người quản trị. Chuyên gia nhận định rằng, nghề quản trị nhân sự được coi là bộ mặt của doanh nghiệp, giúp giải quyết các vấn đề mà người lao động quan tâm như lương, phúc lợi, đào tạo…

Bộ mặt của doanh nghiệp

Trong thời đại 4.0, sự phát triển của thương mại tự do cùng việc mở rộng của các công ty xuyên quốc gia đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần có cái nhìn mới về công việc quản trị nhân sự.

Quản trị nhân sự là hoạt động quản lý lực lượng lao động không thể thiếu của bất kỳ tổ chức, công ty, xã hội hay nguồn nhân lực nào.

Người làm quản trị nhân sự sẽ chịu trách nhiệm thu hút, tuyển dụng, đào tạo, đánh giá và tưởng thưởng người lao động, đồng thời giám sát lãnh đạo và văn hóa của tổ chức bảo đảm phù hợp với pháp luật về lao động và việc làm.

Đối với các doanh nghiệp, nghề quản trị nhân sự không phải là người chỉ lo tuyển dụng, hành chính, xếp loại lương, bảo hiểm các loại cho nhân viên, mà phải là bộ mặt doanh nghiệp, cầu nối giữa chiến lược và phát triển sức mạnh đội ngũ.

Theo ông Howard Wallack, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quản trị nhân sự toàn cầu (SHRM), đã chỉ ra 3 thách thức lớn của những người làm nhân sự đó là: Giữ chân và tưởng thưởng người tài; Phát triển đội ngũ lãnh đạo kế nhiệm và Xây dựng một văn hóa doanh nghiệp có khả năng thu hút những người giỏi nhất đến làm việc.

Khoảng 10 năm về trước, ba nhiệm vụ quan trọng nhất của những người làm nhân sự chỉ đơn thuần là “Tuân thủ theo các quy định, luật lệ”, “Giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc” và “Nâng cao năng suất lao động, đồng thời giảm chi phí”.

SHRM nhận định rằng, quản trị nhân sự đóng vai trò kiến tạo sự thay đổi, đem lại nguồn sức mạnh bền vững, tạo ra những giá trị toàn cầu với các nhiệm vụ giữ chân và tưởng thưởng người tài, phát triển đội ngũ lãnh đạo kế nhiệm và xây dựng văn hóa doanh nghiệp để có khả năng thu hút nhân tài.

Việc lập kế hoạch về nguồn nhân lực giúp cho doanh nghiệp thực hiện bố trí nhân lực một cách hiệu quả, bảo đảm đúng người đúng việc, có thể đối phó linh hoạt với những thay đổi trên thị trường, đồng thời giải quyết các vấn đề mà người lao động quan tâm như lương cao hơn, phúc lợi tốt hơn, được đào tạo nhiều hơn.

Một nghiên cứu của SHRM cũng khẳng định mạnh mẽ rằng vai trò của những người làm nhân sự trong thời đại mới không còn giới hạn trong những công việc quản trị hành chính, nhân sự, vận hành, mà cần mở rộng sang những công việc mang tầm chiến lược, giúp tổ chức kiến tạo lợi thế cạnh tranh về mặt con người, góp phần vào sự phát triển bền vững lâu dài của tổ chức.

Để làm được điều này, giới nhân sự cần trang bị cho bản thân những kiến thức và năng lực mới theo chuẩn mực toàn cầu. Từ đó chủ động đưa ra những chiến lược tìm kiếm, phát triển và giữ chân người tài thành đội ngũ lãnh đạo kế nhiệm cho tổ chức trong tương lai.

Điều này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc quốc tế hóa trình độ quản trị nhân sự của giới nhân sự, cũng như quốc tế hóa chuẩn mực đào tạo và phát triển nghề quản trị nhân sự tại Việt Nam.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Cần trang bị gì trong thời đại số?

Sau dịch Covid-19 nguồn lao động dư thừa trên thị trường khá lớn, tuy nhiên nguồn nhân sự chất lượng cao không biến động nhiều so với các năm trước. Tình trạng khan hiếm ứng viên có năng lực là thách thức lớn đối với các nhà tuyển dụng có thể thu hút ứng viên. Trong khi đó, robot, trí tuệ nhân tạo AI, IoT… ngày càng phát triển. Do đó mô hình tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng cần thay đổi để phù hợp với sự biến động thực tiễn.

Theo các cơ sở đào tạo, mô hình đào tạo nhân sự sẽ được chú trọng mạnh mẽ để phù hợp trong thời đại số. Lý do máy móc, công nghệ đang dần thay thế con người, đặc biệt là các công việc có tính chất lặp đi lặp lại hàng ngày.

Do đó, để doanh nghiệp không cần quá nhiều nhân viên hành chính, quản lý sổ sách, hạch toán giấy tờ mà doanh nghiệp sẽ cần đào tạo nhân viên có chuyên môn cao hơn về các vị trí kỹ thuật, quản lý dự án, quản lý nhân sự, kỹ năng giao tiếp thuyết phục khách hàng, vị trí sáng tạo nội dung. Vì vậy, việc đào tạo nhân sự chất lượng cao đóng vai trò vô cùng quan trọng và sẽ được đẩy mạnh vào những năm sắp tới.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt được xu hướng xây dựng văn phòng điện tử 4.0 và bắt đầu ứng dụng phần mềm công nghệ vào trong hoạt động quản trị nhân sự, quản trị doanh nghiệp. Cụ thể như chuỗi Metro Mart sử dụng phần mềm chấm công để số hóa chấm công 500 nhân sự ở 20 chi nhánh. Hay như VNPost đang sử dụng phần mềm chấm công Face ID để quản lý đội ngũ nhân viên kinh doanh… Đó chính là nền tảng cho việc chuyển dịch sang văn phòng điện tử 4.0 (digital workplace).

Thông tin về ngành quản trị nhân sự, Trường Cao đẳng Sài Gòn cho hay, chuyên ngành cung cấp cho sinh viên các kiến thức nền tảng và kỹ năng quản trị nhân sự. Chương trình cũng đặt trọng tâm vào các kiến thức về quản lý, điều hành hoạt động nhân sự, hoạch định nguồn nhân lực, tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân viên, xây dựng hệ thống lương thưởng và phúc lợi…

Song song đó, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về Anh văn căn bản, Anh văn chuyên ngành và các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp và kỹ năng trình bày trước công chúng để sẵn sàng hòa nhập vào môi trường làm việc thực tế.

Về chương trình đào tạo, theo Trường Cao đẳng Sài Gòn, ngành quản trị nhân sự là ngành chuyên đào tạo các kiến thức nền tảng cũng như kỹ năng thực tiễn về việc quản trị con người. Đây là ngành phải tiếp xúc, làm việc thường xuyên với rất nhiều người, với những tính cách khác nhau. Do đó bạn phải thấu hiểu tâm lý và hành vi con người. Ngoài ra cần có kỹ năng quản lý tốt và hiểu biết về nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Nếu theo học ngành quản trị nhân sự, người học sẽ được học đa dạng kiến thức về khoa học xã hội nhân văn, quản trị học, quản trị chiến lược, quản trị marketing, quản trị tài chính… cùng các môn học về luật Lao động, lương thưởng và phúc lợi, an toàn lao động, quản trị văn phòng, quan hệ công chúng trong doanh nghiệp, quan hệ lao động, tuyển dụng nhân sự, quản trị thành tích…

Đối với người học, để theo học ngành này cần đạt các tố chất phù hợp như kỹ năng lãnh đạo, kiến thức sâu, giao tiếp tốt, có kỹ năng tổ chức công việc tốt, có trách nhiệm với công việc, có tầm nhìn chiến lược, có khả năng ngoại ngữ. Khi ra trường sinh viên sẽ có nhiều triển vọng nghề nghiệp như cơ hội làm chuyên viên tuyển dụng, nhân viên hành chính - nhân sự, thư ký, trợ lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.