Tập huấn cán bộ quản lý cơ sở GD phổ thông cốt cán về quản trị nhân sự

GD&TĐ - Sáng nay (6/11), Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức khai mạc khóa bồi dưỡng, tập huấn  mô – đun 2 về quản trị nhân sự trong trường học cho CBQL CSGDPT cốt cán – khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Các học viên nghiên cứu tài liệu bồi dưỡng mô - đun 2
Các học viên nghiên cứu tài liệu bồi dưỡng mô - đun 2

Tỷ lệ hoàn thành 99%

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Trần Hữu Hoan - Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, khóa bồi dưỡng, tập huấn mô – đun 1: “Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục trong trường tiểu học/THCS/THPT” cho gần 4.000 CBQL CSGDPT cốt cán trong toàn quốc đã thành công tốt đẹp - với tỷ lệ hoàn thành mô-đun là 99%. Kết quả này là động lực để Học viện tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng mô – đun 2: “Quản trị nhân sự trong trường tiểu học/THCS/THPT”.

PGS.TS Trần Hữu Hoan nhấn mạnh, Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được thực hiện đối với lớp 1. Theo đó, các thầy, cô chính là những người đầu tiên thực hiện Chương trình Giáo dục 2018. Đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm; do đó các thầy, cô cần xây dựng kế hoạch nhà trường thật tốt. Xây dựng kế hoạch nhà trường năm 2020 phải khác với những năm học trước.

PGS.TS Trần Hữu Hoan phát biểu khai mạc
PGS.TS Trần Hữu Hoan phát biểu khai mạc

"Tại khóa tập huấn, bồi dưỡng, các giảng viên sư phạm sẽ cùng với các thầy, cô tháo gỡ những khó khăn trong quản trị nhân sự, qua đó góp phần thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018” – PGS.TS Trần Hữu Hoan nói, đồng thời trao đổi: Các thầy, cô là những cán bộ cốt cát ở địa phương, do đó nhiệm vụ rất nặng nề. Sau khóa tập huấn, bồi dưỡng, các thầy, cô cần làm tốt công tác tư vấn cho đội ngũ đại trà ở địa phương.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Dũng- Giám đốc Ban quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và CBQL CSGDPT (ETEP) nhấn mạnh, đây là khóa bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán đầu tiên, mở màn triển khai bồi dưỡng 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán trong toàn quốc năm 2020.

Toàn cảnh buổi khai mạc
Toàn cảnh buổi khai mạc

Trong năm 2019, Học viện Quản lý giáo dục đã hoàn thành bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán mô - đun 1 về “Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục trong trường tiểu học/THCS/THPT” cho gần 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (CBQL CSGDPT) cốt cán trong toàn quốc với tỷ lệ hoàn thành mô - đun là 99%.

Kết quả trả lời phiếu khảo sát trực tuyến cho thấy có gần 99% CBQL CSGDPT cốt cán hài lòng với mô - đun bồi dưỡng ở các khía cạnh như: mục tiêu, nội dung mô - đun bồi dưỡng, phương pháp bồi dưỡng, đánh giá kết quả, học liệu, công tác tổ chức, báo cáo viên/giảng viên và tác động của mô - đun bồi dưỡng.

Bồi dưỡng thường xuyên, liên tục

Ông Nguyễn Ngọc Dũng phát biểu tại buổi khai mạc
Ông Nguyễn Ngọc Dũng phát biểu tại buổi khai mạc

Ông Dũng cho biết, năm 2020, Chương trình ETEP tiếp tục bồi dưỡng CBQL CSGDPT cốt cán hai mô - đun có ý nghĩa quan trọng trong việc quản trị các điều kiện thực hiện dạy học, giáo dục, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cụ thể là: Mô - đun 2 “Quản trị nhân sự trường Tiểu học/THCS/THPT”. Mô - đun 3 “Quản trị tài chính trường Tiểu học/THCS/THPT theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình”.

Giám đốc Ban quản lý Chương trình  ETEP đề nghị, CBQL CSGDPT cốt cán cần hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên mạng LMS và trong suốt 3 ngày học trực tiếp, hoàn thành kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp năm 2020 và khảo sát cuối khóa học. Ngay sau khi trở về địa phương phải báo cáo với nhà trường và cơ quan cấp trên về kết quả học tập để triển hai hỗ trợ đồng nghiệp là CBQL CSGDPT đại trà.

Đối với giảng viên, cần chủ động, linh hoạt thực hiện bồi dưỡng theo kịch bản sư phạm, tài liệu bồi dưỡng. Tinh thần là chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của học viên để đạt mục tiêu học tập; thường xuyên lắng nghe, hỗ trợ học viên hoàn thành nhiệm vụ học tập của đội ngũ cốt cán và tiếp theo là hỗ trợ cốt cán trong bồi dưỡng đại trà.

PGS.TS Trần Hữu Hoan quán triệt một số nội dung của khóa tập huấn, bồi dưỡng
PGS.TS Trần Hữu Hoan quán triệt một số nội dung của khóa tập huấn, bồi dưỡng

Bên cạnh đó, Học viện Quản lý Giáo dục cần phối hợp với các Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng CBQL CSGDPT cốt cán các đợt tiếp theo; hỗ trợ Sở GD&ĐT bồi dưỡng bổ sung cho đối tượng CBQL CSGDPT cốt cán mới được bổ sung, thay thế, bảo đảm yêu cầu theo quy định.

Đồng thời, phối hợp với các Sở GD&ĐT giám sát, đánh giá quá trình bồi dưỡng, ghi nhận kết quả bồi dưỡng của học viên theo quy trình giám sát, đánh giá của Chương trình ETEP; cấp Chứng nhận hoàn thành mô đun bồi dưỡng và Chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng cho các học viên đạt yêu cầu theo quy định; phối hợp với các Sở GD&ĐT trong việc hỗ trợ và đánh giá hiệu quả hoạt động hỗ trợ đồng nghiệp của đội ngũ GVPT cốt cán và CBQL CSGDPT cốt cán tại địa phương. 

Nhân dịp này, PGS.TS Trần Hữu Hoan trao Giấy chứng nhận cho đại diện các học viên đã hoàn thành khóa bồi dưỡng mô - đun 1: "Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục trong trường tiểu học" năm 2019
Nhân dịp này, PGS.TS Trần Hữu Hoan trao Giấy chứng nhận cho đại diện các học viên đã hoàn thành khóa bồi dưỡng mô - đun 1: "Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục trong trường tiểu học" năm 2019

Các Sở GD&ĐT cần thực hiện việc quản lý, sử dụng đội ngũ CBQL CSGDPT cốt cán trong quá trình tổ chức bồi dưỡng thường xuyên, phát triển chuyên môn liên tục, tại chỗ cho đội ngũ CBQL CSGDPT đại trà tại địa phương; bảo đảm trách nhiệm và quyền lợi của CBQL CSGDPT cốt cán.

Ngoài ra, cấp tài khoản cho CBQL CSGDPT của địa phương để thực hiện bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ theo hình thức tự bồi dưỡng qua mạng hoặc kết hợp giữa tự bồi dưỡng qua mạng với bồi dưỡng trực tiếp.

"Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thực hiện việc giám sát, đánh giá theo quy trình đảm bảo chất lượng bồi dưỡng cốt cán và đại trà của Chương trình ETEP ở tất cả các địa điểm bồi dưỡng CBQLCSGDPT trong toàn quốc" - ông Nguyễn Ngọc Dũng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ