Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ dự, chỉ đạo tập huấn. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học; Vụ Giáo dục Trung học; Cục Quản lý chất lượng; Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; các trường ĐH sư phạm và quản lý giáo dục tham gia Chương trình ETEP; lãnh đạo và chuyên gia Chương trình ETEP; hơn 100 giảng viên quản lý giáo dục trên toàn quốc.
Một trong những quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo là chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng.
Nhấn mạnh điều này trong phát biểu khai mạc tập huấn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng: Nói đến giáo dục là phải nói đến chất lượng, giáo dục mà không có chất lượng thì coi như không có giáo dục. Như vậy, quản trị chất lượng giáo dục là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong các nhà trường và phải đặt lên hàng đầu, là mục tiêu số một trong định hướng phát triển giáo dục hiện nay.
Khẳng định tầm quan trọng của xây dựng mô đun về quản trị chất lượng giáo dục, theo Thứ trưởng, tất cả các mô đun trước đây về quản trị hoạt động dạy học, giáo dục; quản trị nhân sự; quản trị tài chính; quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục đều hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường. Qua đợt tập huấn này, cán bộ quản lý cần nâng cao nhận thức để cùng thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Nói về quản trị chất lượng, Thứ trưởng đưa 3 cấp độ: kiểm soát chất lượng, bảo đảm chất lượng, cải tiến chất lượng.
Cấp độ kiểm soát chất lượng là theo hướng quản lý chất lượng đầu ra; cấp độ bảo đảm chất lượng - chúng ta đã có các thông tư 17, 18, 19 quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, phổ thông, xây dựng điều kiện đảm bảo chất lượng từ đầu vào, đầu ra.
Cấp độ cải tiến chất lượng là quản trị theo quá trình; hay nói cách khác chất lượng là một quá trình và chúng ta phải quản lý từ đầu vào đến đầu ra của các thành tố. Với hệ thống TQM (Hệ thống quản lí chất lượng toàn diện), người quản trị chất lượng không chỉ là Hiệu trưởng, mà quản trị từng khâu, từng hoạt động, từng giáo viên, cán bộ nhân viên đều tác động làm nên chất lượng.
Nhận định tài liệu đã xây dựng đầy đủ, chặt chẽ, được Hội đồng đánh giá là có thể triển khai, Thứ trưởng mong muốn các giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt cố gắng truyền tải tinh thần, ý nghĩa, nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc quản lý chất lượng; nhận diện yếu tố, thành tố quản lý chất lượng…
Để nói đến nhà trường là phải nói đến chất lượng tới từng khâu, nhận diện vai trò của từng cá nhân góp phần làm nên chất lượng. Tính chất quản trị phải là tập hợp, huy động được sự tham gia của toàn nhà trường, có văn hoá của nhà trường và có trách nhiệm cộng đồng trong tạo nên chất lượng.
Từ việc truyền tải đến các cán bộ quản lý cốt cán trường phổ thông, sẽ lan tỏa tới các cán bộ quản lý các nhà trường để thực hiện công tác quản trị tốt nhất.
Tài liệu tập huấn Mô đun 5 “Quản trị chất lượng giáo dục trường tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông” do Trường ĐH Vinh chủ trì biên soạn và đã được lãnh đạo Bộ GD&ĐT duyệt để triển khai bồi dưỡng cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.
Trong 3 ngày tập huấn (20-22/10), các giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt sẽ được các lãnh đạo, chuyên viên các vụ, cục chuyên môn của Bộ GD&ĐT và nhóm biên soạn hướng dẫn các nội dung trọng tâm của mô đun; thảo luận về cách sử dụng tài liệu; tổ chức các hoạt động học tập trong 2 ngày bồi dưỡng trực tiếp/trực tiếp qua lớp học ảo, đặt các câu hỏi, giải đáp thắc mắc, đặc biệt là xử lý các tình huống thực tế để cùng chuẩn bị tốt cho các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán mô đun 5.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Chương trình ETEP cho biết: Chương trình ETEP sẽ dừng mọi hoạt động chuyên môn sau ngày 31/12/2021, vì vậy việc tổ chức bồi dưỡng cốt cán cần rất khẩn trương nhưng vẫn phải tuân thủ đúng quy trình đảm bảo chất lượng bồi dưỡng.
Lãnh đạo các trường ĐH sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục cần chỉ đạo các giảng viên quản lý giáo dục tham gia tập huấn nghiêm túc, đầy đủ 3 ngày, thảo luận nhóm tích cực, trách nhiệm cao theo chương trình tập huấn. Mỗi trường cần cử các giảng viên quản lý giáo dục tham gia thảo luận theo cấp học theo hướng dẫn của Ban tổ chức. Ban biên soạn tài liệu có trách nhiệm cử thành viên vào các nhóm thảo luận để trao đổi, giải đáp thắc mắc trong suốt quá trình tập huấn.
Ngay sau tập huấn, ông Nguyễn Ngọc Dũng đề nghị Học viện Quản lý giáo dục tổ chức tập huấn cho giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt cấp trường để kịp triển khai bồi dưỡng 2 ngày trực tiếp/trực tiếp qua lớp học ảo trong khoảng từ 1-30/11/2021. Sau đó, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt hoàn thành chấm bài, phê duyệt kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp của giáo viên phổ thông cốt cán, hỗ trợ giáo viên phổ thông cốt cán hỗ trợ đồng nghiệp mô đun 5 trước 31/12/2021.
Trước đó, trong điều kiện bệnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ ngày 10/9-10/10/2021, các trường đại học sư phạm đã hoàn thành bồi dưỡng mô đun 4 giáo viên phổ thông cốt cán theo phương thức bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo. Hiện, Học viện Quản lý giáo dụ đang tích cực triển khai và sẽ hoàn thành bồi dưỡng mô đun 4 cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và trước 30/10/2021.
Theo đánh giá nhanh của các đoàn giám sát bồi dưỡng của Ban quản lý Chương trình ETEP với sự tham gia của giảng viên học viên, chất lượng tài liệu mô đun 1,2,3,4 được đánh giá cao và góp phần rất quan trọng vào đảm bảo chất lượng bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.