Tập huấn mô đun 4 cho hơn 4,3 nghìn giáo viên phổ thông cốt cán khu vực phía Nam

GD&TĐ - Trường ĐH Sư phạm TPHCM khai mạc đợt tập huấn – bồi dưỡng mô đun 4 “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” cho hơn 4 ngàn giáo viên phổ thông cốt cán.

Ảnh chụp màn hình khai mạc đợt tập huấn – bồi dưỡng mô đun 4 bằng hình thức trực tuyến.
Ảnh chụp màn hình khai mạc đợt tập huấn – bồi dưỡng mô đun 4 bằng hình thức trực tuyến.

Sáng 20/9, Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE) khai mạc đợt tập huấn – bồi dưỡng mô đun 4 “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” cho 4.321 giáo viên phổ thông cốt cán (GVPTCC) cấp tiểu học đến từ 19 tỉnh thành khu vực phía Nam.

Khóa tập huấn – bồi dưỡng trực tuyến lần này được chia thành 7 đợt diễn ra liên tục từ ngày 20/9 cho đến 5/10/2021.

TS Nguyễn Thị Xuân Yến (GVSPCC) trao đổi với các học viên

TS Nguyễn Thị Xuân Yến (GVSPCC) trao đổi với các học viên

Theo TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng HCMUE, đây là đợt tập huấn đầu tiên được nhà trường triển khai trong năm 2021 theo phương thức mới 7-2-7 (trước đây là 5-3-7). Các thầy cô GVPTCC đã có 7 ngày tìm hiểu trước tài liệu học tập trực tuyến với nhiều hoạt động thú vị.

Tiếp theo là bồi dưỡng 2 ngày triển khai với sự hướng dẫn trực tiếp của các GVSPCC qua lớp học ảo.

Kết thúc khóa tập huấn - bồi dưỡng, học viên có 7 ngày để tự tìm hiểu sâu hơn các nội dung, phương pháp giáo dục mới và hoàn thành các bài tập, kế hoạch hướng dẫn đồng nghiệp để đạt được khóa tập huấn.

TS Nguyễn Thành Ngọc Bảo (GVSPCC) trao đổi với các học viên.

TS Nguyễn Thành Ngọc Bảo (GVSPCC) trao đổi với các học viên.

Mặc dù bị ảnh hưởng do dịch bệnh, nhiều thầy cô giáo hiện đang ở trong các khu cách ly, phong tỏa nhưng với tinh thần mang nội dung đến gần nhất bằng hình thức lớp học ảo với đầy đủ kịch bản trực tiếp, HCMUE đã nỗ lực hoàn thiện công tác tổ chức lẫn chuyên môn. Trường đã cử các giảng viên sư phạm chủ chốt (GVSPCC) tham dự các đợt tập huấn, chuyển giao tài liệu do PMU tổ chức, tham gia các khóa tập huấn nội bộ và 3 lớp tập huấn thử nghiệm do các trường bạn tổ chức.

Từ đó, Ban chuyên môn cùng các nhóm đã tiến hành xây dựng kịch bản, nội dung tập huấn cho phù hợp với tình hình mới. Các công tác quản trị tài khoản, triển khai lớp học ảo được rà soát và chuẩn bị kĩ càng; bản in tài liệu cũng đã được gửi đến tận tay  thầy cô tại các địa phương để thuận lợi cho việc tham khảo và học tập.

Những chuẩn bị chi tiết cho việc làm chủ lớp học ảo, đồng hành cùng học viên trực tiếp ảo nhằm chinh phục không gian tương tác là những bí quyết mà các giảng viên HCMUE đã trăn trở cùng với Ban Chuyên môn của nhà trường để mang đến những cảm xúc tích cực cùng  thầy cô.

 “Trong đợt bồi dưỡng trực tiếp này, các GVPTCC sẽ được hướng dẫn tìm hiểu về mô đun 4 với ba nội dung chính gồm: (i) Những vấn đề chung về xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh ở trường tiểu học; (ii) Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục cá nhân trong năm học; (iii) Phân tích và phát triển được chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong trường tiểu học.

Việc hoàn thành mô đun này sẽ giúp cho các thầy cô tự tin hơn trong tiếp cận và triển khai năm thứ 2 của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nhất là nâng cao chất lượng thực thi chương trình dựa trên những thành tựu và kinh nghiệm ban đầu đã đạt được” - Phó Hiệu trưởng HCMUE cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.