Quản trị cảm xúc

GD&TĐ - Mới đây, dư luận xôn xao về việc một giáo viên được cho là để lại thư “tuyệt mệnh” trước khi uống thuốc tự tử.

Giáo viên cần được động viên, quan tâm tinh thần. Ảnh chỉ mang tính minh họa/ Internet.
Giáo viên cần được động viên, quan tâm tinh thần. Ảnh chỉ mang tính minh họa/ Internet.

Nội dung thư có đề cập đến áp lực trong công việc và cuộc sống.

Từ sự việc trên, một lần nữa vấn đề giải tỏa áp lực và chuyển hóa cảm xúc đối với giáo viên lại được đặt ra. Nếu nhìn nhận một cách khách quan sẽ thấy, áp lực là một phần tất yếu trong công việc và cuộc sống. Vì thế, không riêng giáo viên, ngành nào cũng có những áp lực.

Thẳng thắn mà nói, nếu không có áp lực sẽ dẫn tới tự bằng lòng, ngại thay đổi, nhất là ở những lĩnh vực nghề nghiệp như giáo dục. Song, áp lực vừa đủ sẽ là động lực phấn đấu để phát triển nghề nghiệp, hoàn thiện bản thân. Trên hết, là gây dựng được tình yêu nghề nghiệp và mang lại hạnh phúc trong công việc.

Vẫn biết, khi áp lực “vượt ngưỡng”, cộng với năng lực, kỹ năng ứng phó giải quyết vấn đề chưa đủ chín của chủ thể, có thể dẫn đến thất vọng, chán nản, thậm chí là có hành vi tiêu cực. Vì thế, vấn đề đặt ra là, cần biết chuyển hóa cảm xúc để cân bằng nội tâm. Có cô giáo chia sẻ thường xuyên chịu áp lực nhiều phía: Từ chuyên môn cho đến kỳ vọng của phụ huynh và dư luận xã hội… Vì thế, mỗi ngày lên lớp, cô hay cáu giận, quát nạt, thậm chí trừng phạt khi học sinh không làm đúng yêu cầu.

Và rồi, cô nhận ra rằng, nhiều lúc giận vô cớ. Cô quyết tâm thay đổi chính mình và học cách quản trị những cảm xúc tiêu cực bằng cách hít thở sâu từ 3 đến 5 giây. Cô tìm cách gọi tên cảm xúc của mình. Với cô, đó là 3 giây kỳ diệu. Nó khiến bản thân bình tâm trở lại, cảm xúc tiêu cực được giảm xuống. Cô cho rằng, khi gọi tên được cảm xúc, chỉ ra nguồn cơn của những cảm xúc tiêu cực thì tâm trạng sẽ thoải mái hơn rất nhiều.

Bên cạnh sự thay đổi của mỗi cá nhân, cán bộ quản lý cũng cần đồng hành, tạo động lực cho các thành viên làm việc; xây dựng văn hóa học đường. Muốn vậy, tất cả thành viên trong nhà trường phải cùng nhau tạo nên giá trị văn hóa chung. Ở đó có sự tôn trọng, trung thực, trách nhiệm và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt, cần đề cao giá trị nhân văn, tình yêu thương giữa các thành viên; sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ... Đồng thời, quan tâm động viên tinh thần giáo viên, nhân viên thông qua các phong trào, hoạt động, nhằm gắn kết thành viên trong trường.

Song, nếu nhìn nhận ở góc rộng, với những giải pháp căn cơ và gốc dễ hơn, thì trong chương trình đào tạo giáo sinh, cần được bổ sung, điều chỉnh nội dung về kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng phòng ngừa và can thiệp khủng hoảng. Đây là vấn đề quan trọng và cần thiết, để khi giáo sinh ra trường có đủ năng lực ứng biến trước các tình huống, loại bỏ cảm xúc, hành vi tiêu cực.

Trong chương trình đào tạo giáo viên hiện nay, các nội dung về đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất, giao tiếp và ứng xử sư phạm được thiết kế nằm trong khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm. Qua đó, đáp ứng các chuẩn đầu ra của sinh viên khi tốt nghiệp, giúp họ vững vàng hơn khi chính thức đứng trên bục giảng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.