Áp lực 'không tên'

GD&TĐ - Giảm áp lực “không tên” giúp các thầy cô chuyên tâm vào nâng cao chất lượng dạy học.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Theo thống kê từ cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, chỉ tính riêng cấp tiểu học, từ nay đến năm học 2024 – 2025, cả nước cần bổ sung 6.621 giáo viên Tin học và 5.780 giáo viên Ngoại ngữ để dạy Chương trình GDPT 2018.

Đến thời điểm này, số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc là khoảng 16 nghìn người, tập trung nhiều ở các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng… Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là thu nhập thấp, áp lực lớn, cơ chế chính sách chưa đủ để níu chân người lao động.

Trong chương trình Đối thoại về Giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các trường mầm non và phổ thông, HĐND tỉnh Long An đã kiến nghị nhiều giải pháp khắc phục thiết thực, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà công vụ.

Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh vừa hướng dẫn các đơn vị thực hiện khảo sát thực trạng nhu cầu nhà ở và thu nhập của giáo viên, người lao động trong ngành. Về nhu cầu nhà ở, nội dung được hỏi là có hay không nhu cầu bố trí nhà ở. Nếu chưa sở hữu nhà riêng mà không có nhu cầu bố trí nhà ở hoặc đã có nhà riêng nhưng vẫn cần bố trí chỗ ở, sở yêu cầu phải nêu rõ lý do.

Với phần khảo sát thu nhập bình quân hàng tháng, sở đề nghị khảo sát thu nhập từ tiền lương và nguồn khác. Trong đó, thu nhập từ tiền lương gồm lương theo hệ số, phụ cấp theo quy định pháp luật… Dữ liệu sẽ được sử dụng để nghiên cứu xây dựng Đề án chính sách, tạo động lực và giữ chân cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong bộ máy chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh.

Đã có phép tính cho rằng, mức lương của một giáo viên sau khi tốt nghiệp đại học, cộng thêm khoản phụ cấp đứng lớp, được khoảng 5 triệu đồng/tháng. Với mức này, rất khó để giáo viên trẻ bám trụ được ở các thành phố lớn nếu không dạy thêm hoặc có thêm nghề phụ. Bộ GD&ĐT đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng chính sách tiền lương mới cho viên chức ngành Giáo dục theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Theo đó, “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”, tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.

So với ngành nghề khác trong xã hội, nghề giáo chịu áp lực từ nhiều phía: Cách thức quản lý của nhà trường, phụ huynh, xã hội và đôi khi bản thân giáo viên tạo ra. Giáo viên vẫn chịu áp lực từ những cuộc thi được đưa vào nhà trường mà kết quả của nó phần nhiều được dùng để cộng điểm tại các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp.

Từ năm học 2017 – 2018, ngành GD-ĐT Đà Nẵng tiến hành rà soát và giảm ít nhất 50% kỳ thi đối với giáo viên và học sinh, không sử dụng kết quả các cuộc thi để cộng điểm ở kỳ thi tuyển sinh nhằm giảm áp lực cho nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Các cuộc thi đều được tổ chức phân vùng phù hợp để quận, huyện trên địa bàn luân phiên tùy theo thế mạnh của từng trường, cấp học chứ không như trước đây, tất cả trường, cấp học đều phải tham gia.

Đối với cán bộ, giáo viên, Sở GD&ĐT Đà Nẵng chủ trương, các cuộc họp không cần thiết sẽ được trao đổi qua Internet, tin nhắn; tích hợp, lồng ghép một số cuộc họp với nhau để đỡ tốn thời gian, công sức đi lại của giáo viên.

Người chủ trì phải chuẩn bị chu đáo để cuộc họp diễn ra hiệu quả nhất. Các loại hồ sơ không cần thiết, gây phiền hà cho giáo viên, học sinh cũng được loại bỏ. Gần như các khoản thu bắt buộc tại trường học ở Đà Nẵng, phụ huynh đều liên hệ nộp tại bộ phận tài vụ, giáo viên không phải thu hộ. Những biện pháp này đã giảm áp lực “không tên” để các thầy cô chuyên tâm vào nâng cao chất lượng dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.