Lương thấp, áp lực nhiều:

Giữ chân giáo viên trong bối cảnh lương thấp áp lực cao

GD&TĐ - Nhiều giáo viên bỏ nghề khiến áp lực thiếu giáo viên càng gia tăng.

Cần có nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Ảnh: Sỹ Điền
Cần có nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Ảnh: Sỹ Điền

Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp để thu hút và giữ chân nhà giáo, tránh tình trạng chảy máu chất xám nội ngành.

“Chiêu mộ” nhân tài

Ông Vũ Đình Hưng – Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang - cho hay, ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang có nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm loại giỏi, xuất sắc về công tác tại các trường THPT trọng điểm theo chế độ ưu đãi riêng biệt. Theo đó, đối tượng sẽ được tuyển dụng thông qua phương thức xét tuyển. Những người này được hưởng chính sách hỗ trợ bằng tiền: Tốt nghiệp loại giỏi là 90 triệu đồng, tốt nghiệp loại xuất sắc 100 triệu đồng.

Năm 2021, tỉnh Tuyên Quang thu hút được 18 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc và người có trình độ cao về công tác tại các đơn vị trực thuộc sở GD&ĐT. Trong đó, có 2 học sinh giỏi quốc gia, tốt nghiệp đại học sư phạm về công tác tại địa phương. “Đây là một trong những giải pháp nhằm thu hút người giỏi cho ngành Giáo dục, tránh tình chảy máu chất xám trong ngành, nhất là trong bối cảnh thiếu giáo viên như hiện nay” – ông Hưng bày tỏ.

“Chúng tôi xác định, cần có cơ chế, chính sách thu hút đặc thù, nếu không sẽ khó đáp ứng được nhiệm vụ năm học. Những giáo viên giảng dạy các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật được tuyển dụng hoặc chuyển công tác từ ngoài tỉnh về các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh sẽ nhận được chính sách thu hút đặc thù này. Mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/giáo viên” - bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT trao đổi.

Hậu Giang hiện thiếu giáo viên ở các môn học. Trong đó, nhiều nhất là thiếu giáo viên dạy các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật. Sở GD&ĐT đã có tờ trình về các giải pháp bổ sung lực lượng cho các môn này. Ngày 6/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND, quy định chính sách thu hút giáo viên giảng dạy các môn học nói trên.

Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hậu Giang, trường hợp giáo viên thuộc đối tượng hưởng các mức hỗ trợ ưu đãi khác trong lĩnh vực thu hút thì hưởng mức cao nhất. Nguồn kinh phí chi từ ngân sách Nhà nước, các nguồn hợp pháp khác và thực hiện theo phân cấp ngân sách. Người nhận chính sách thu hút này phải cam kết giảng dạy 5 năm kể từ ngày tuyển dụng hoặc chuyển công tác từ ngoài tỉnh về cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh.

Một lớp học của Trường Tiểu học Hải Hà (Nghi Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: NTCC

Một lớp học của Trường Tiểu học Hải Hà (Nghi Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: NTCC

Chính sách phù hợp

Trước đó, nhiều địa phương cũng có chính sách đặc thù thu hút và giữ chân người giỏi cho ngành Giáo dục. PGS.TS Nguyễn Vũ Lương - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) - nhìn nhận, đây là giải pháp hữu hiệu của các địa phương trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao cho ngành Giáo dục.

Qua đó, thể hiện sự chủ động, linh hoạt của các tỉnh, thành, nhất là trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh giải pháp trên, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương cho rằng, để “giữ chân” đội ngũ giáo viên, tránh chảy máu chất xám nội ngành, cần có những chính sách thiết thực và hiệu quả. “Chẳng hạn như có cơ chế tôn vinh thực sự với những người tận tâm, tận hiến, nhất là giáo viên giỏi. Tức là, những cống hiến của họ cần được ghi nhận và quan tâm đúng mức” - PGS.TS Nguyễn Vũ Lương trao đổi.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục - nhấn mạnh, trước hết cần tạo môi trường làm việc cho giáo viên, tránh những áp lực không đáng có. Nói cách khác, cần tạo điều kiện để giáo viên được sáng tạo và cống hiến. Cùng với đó, cải thiện về chế độ tiền lương, thu nhập cho đội ngũ nhà giáo.

“Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, nhân tố đầu tiên và quan trọng nhất chính là giáo viên. Bởi vậy, cần có chính sách thấu tình đạt lý trong sắp xếp, quy hoạch, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ này” - PGS.TS Đặng Quốc Bảo nêu quan điểm.

Nhấn mạnh đến chính sách tôn vinh nhà giáo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục nhìn nhận, đây là một trong những giải pháp căn cơ nhằm thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên giỏi cho ngành Giáo dục. “Thu nhập là quan trọng, nhưng không phải là yếu tố mang tính quyết định. Điều mà đội ngũ nhà giáo mong muốn là được nhìn nhận và tôn vinh xứng đáng” - PGS.TS Đặng Quốc Bảo trao đổi.

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) - nhấn mạnh, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên là động lực quan trọng để thu hút người giỏi vào học sư phạm và trở thành giáo viên. Bên cạnh đó, các chính sách của địa phương như: Hỗ trợ nhà công vụ, kinh phí, điều kiện làm việc… cũng là yếu tố quan trọng giúp thầy cô yên tâm, gắn bó với sự nghiệp “trồng người”.

“Mặc dù thời điểm này, việc thiếu giáo viên còn khá gay gắt, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, chắc chắn trong thời gian tới, việc này sẽ được giải quyết một cách cơ bản” - ông Vũ Minh Đức tin tưởng.

Để thu hút và giữ chân giáo viên yên tâm công tác, Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW. Theo đó, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Qua đó, thu hút và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.

Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền cần có chính sách hỗ trợ phù hợp với đội ngũ giáo viên của địa phương. Đồng thời, xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt, nhằm thu hút giáo viên về công tác tại địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho nhà giáo trong quá trình công tác. Cùng với đó, có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

“Bộ GD&ĐT đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng chính sách tiền lương mới cho viên chức ngành Giáo dục. Qua đó, nhằm cải thiện chính sách tiền lương, tạo niềm tin để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác” – ông Vũ Minh Đức thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.