Quận Tây Hồ đổi mới phương pháp dạy học lịch sử địa phương

GD&TĐ - Các trường học quận Tây Hồ (Hà Nội) đã đổi mới phương pháp dạy học, đưa di sản, truyền thống lịch sử địa phương vào bài học một cách sáng tạo.

Học sinh Trường tiểu học Đông Thái hào hứng tham gia "Rung chuông vàng".
Học sinh Trường tiểu học Đông Thái hào hứng tham gia "Rung chuông vàng".

Trải nghiệm thực tiễn

Buổi học của học sinh khối 5, Trường tiểu học Đông Thái (ngày 15/5) có sự khác biệt so với ngày thường. Không phải là bục giảng, phấn trắng, bảng đen, tiết học diễn ra ngay tại di tích đền Đồng Cổ (Phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội).

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phương Lan cho hay, chủ đề của buổi học là giáo dục di sản, giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho học sinh nhân dịp Lễ hội truyền thống Kỷ niệm 995 Đền Đồng Cổ.

Tại đây, nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm như: thi Rung chuông vàng, vẽ tranh, viết cảm xúc về đền Đồng Cổ và Hội thề Trung Hiếu. Học sinh cũng được thưởng thức và trực tiếp tham gia màn trống hội...

Các đại biểu và thầy - trò Trường tiểu học Đông Thái làm lễ dâng hương tại Đền Đồng Cổ. (Ảnh: Lê Nghĩa)

Các đại biểu và thầy - trò Trường tiểu học Đông Thái làm lễ dâng hương tại Đền Đồng Cổ. (Ảnh: Lê Nghĩa)

Trước đó, thầy – trò Trường tiểu học Đông Thái đã làm lễ dâng hương bày tỏ thành kính và ghi nhớ công lao của vị Sơn thần Đồng Cổ. Sau lễ dâng hương, thầy – trò được giới thiệu về lịch sử, ý nghĩa của Lễ hội đền Đồng Cổ và Hội thề Trung Hiếu - di sản văn hóa đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

“Chúng tôi đã và đang từng bước đổi mới các tiết học giáo dục địa phương. Việc tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm thực tế tại các di tích lịch sử, văn hóa cũng nằm trong lộ trình này.

Thầy - trò Trường tiểu học Đông Thái được nghe về lịch sử, ý nghĩa của Lễ hội đền Đồng Cổ và Hội thề Trung Hiếu. (Ảnh: Lê Nghĩa)

Thầy - trò Trường tiểu học Đông Thái được nghe về lịch sử, ý nghĩa của Lễ hội đền Đồng Cổ và Hội thề Trung Hiếu. (Ảnh: Lê Nghĩa)

Qua đó, nhằm giáo dục truyền thống lịch sử của địa phương cho học sinh; từ đó là khơi dậy tinh thần yêu quê hương, đất nước; lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các em; đồng thời bồi đắp ý thức, trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử địa phương” – cô Lan nhấn mạnh.

Bồi đắp tinh thần yêu nước

Học sinh Đinh Đức Vương, lớp 5A2, Trường tiểu học Đông Thái - bày tỏ, qua các hoạt động trải nghiệm tại di tích Đền Đồng Cổ, em đã học được nhiều kiến thức bổ ích, hiểu hơn về lịch sử của ngôi đền và ý nghĩa của Hội thề Trung Hiếu.

“Em sẽ kể cho nhiều người nghe về buổi học lý thú này, để ngày càng có nhiều người biết về Đền Đồng Cổ và Hội thề Trung Hiếu. Em hứa sẽ cố gắng trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức thật tốt, để xứng đáng là con ngoan, trò giỏi” – Đức Vương bộc bạch.

Học sinh được trải nghiệm với màn trống hội. (Ảnh: Lê Nghĩa)

Học sinh được trải nghiệm với màn trống hội. (Ảnh: Lê Nghĩa)

Bà Trần Thị Hương – Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) – cho hay, Trường tiểu học Đông Thái là đơn vị đầu tiên được chọn làm điểm tổ chức chuyên đề giáo dục di sản, giáo dục truyền thống lịch sử địa phương.

Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo các trường tiểu học, THCS trên địa bàn. Từ trải nghiệm thực tế này, các trường sẽ tham khảo, rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai, tổ chức thực hiện tại đơn vị mình, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường.

Cũng theo bà Hương, giáo dục địa phương, truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước cho học sinh được phòng GD&ĐT quận Tây Hồ quan tâm, chú trọng. Phòng đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc nội dung này.

Trên tinh thần đó, các cơ sở giáo dục đã có nhiều đổi mới và sáng tạo từ nội dung đến cách thức tổ chức. Nhiều trường cho học sinh trải nghiệm tại các di tích lịch của địa phương, của thành phố như: Văn Miếu Quốc Tử Giám…

Tại buổi học, nhiều học sinh được vinh danh vì đạt kết quả cao trong cuộc thi "Rung chuông vàng". (Ảnh: Lê Nghĩa)

Tại buổi học, nhiều học sinh được vinh danh vì đạt kết quả cao trong cuộc thi "Rung chuông vàng". (Ảnh: Lê Nghĩa)

Qua đó, xây dựng ý thức bảo vệ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc cho học sinh; giúp các em có ý thức học tập tốt hơn để trở thành những công dân tử tế, có ích cho xã hội.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục địa phương là hoạt động, môn học bắt buộc. “Chúng tôi luôn quan tâm chú trọng hoạt động này theo hướng trải nghiệm thực tế, giúp học sinh được ghi nhớ kiến thức và vận dụng vào cuộc sống hàng ngày” – bà Hương nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Ghi chép: Sự hy sinh thầm lặng

GD&TĐ - Từng cơn gió Thu mát lạnh, mỏng manh thổi nhẹ qua cánh cửa sổ, luồn vào lớp học im ắng, trầm lặng khác với vẻ nhộn nhịp sôi động của mọi ngày.