Giáo dục lịch sử địa phương qua bài giảng thông minh

GD&TĐ - Lần đầu tiên, ngành Giáo dục Bắc Ninh tổ chức dạy học môn Giáo dục địa phương thông qua kết nối trực tuyến với các điểm di tích lịch sử.

Lễ hội đền Đô - Từ Sơn - Bắc Ninh
Lễ hội đền Đô - Từ Sơn - Bắc Ninh

Lần đầu tiên, ngành Giáo dục Bắc Ninh tổ chức dạy học môn Giáo dục địa phương thông qua kết nối trực tuyến với các điểm di tích lịch sử, thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Việc đổi mới phương pháp, cách thức giảng dạy phù hợp với Chương trình GDPT 2018 không chỉ hấp dẫn đối với học sinh mà còn góp phần bồi dưỡng niềm tự hào truyền thống, trách nhiệm tuổi trẻ Bắc Ninh với quê hương, đất nước.

Ông Nguyễn Như Học - Trưởng phòng GDTrH - GDTX (Sở GD&ĐT Bắc Ninh): Bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ

Bồi dưỡng kiến thức cho học sinh

Giáo dục địa phương trở thành môn học bắt buộc khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Nhà trường lồng ghép giảng dạy thông qua các di tích lịch sử, văn hóa sẽ góp phần giúp học sinh hiểu sâu các giá trị văn hóa - kiến trúc, tình người - nghĩa nước trong tâm hồn người Việt Nam.

Với học sinh Bắc Ninh, đền Đô là địa chỉ đỏ để trải nghiệm, học tập lịch sử địa phương và đất nước. Đền Đô đã tập huấn, bồi dưỡng cho hướng dẫn viên du lịch, xây dựng hình ảnh đẹp từ họ để quảng bá lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử của di tích.

Mỗi du khách đến tham quan đền Đô cùng với giá trị cốt lõi phải cảm nhận được tình thân thương, nhân ái. Đặc biệt với học sinh cần được bồi dưỡng kiến thức, giữ gìn và phát huy nét đẹp của quê hương và đất nước, qua đó góp phần bồi dưỡng nhân cách, trí tuệ để các em học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn

Bắc Ninh là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, quê hương của những làn điệu dân ca mượt mà, những câu quan họ đắm say lòng người. Từ năm học 2011 - 2012, Bắc Ninh đưa dân ca quan họ vào giảng dạy tại trường học trên địa bàn tỉnh.

Cùng với dân ca quan họ, theo chương trình ký kết giai đoạn 2023 – 2025 với Sở GD&ĐT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh sẽ lựa chọn những di tích tiêu biểu tại các huyện, thành phố để tổ chức giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử, văn hóa quê hương, tăng cường tính trải nghiệm cho học sinh.

Đổi mới phương pháp dạy và học là mục tiêu mà ngành GD&ĐT Bắc Ninh đang nỗ lực tìm các giải pháp thực hiện nhằm nâng cao chất lượng bài giảng, đáp ứng đổi mới giáo dục cũng như cụ thể hóa Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 31/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016 – 2020”; Nghị quyết số 71-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Nội dung giáo dục đưa lịch sử, văn hóa của quê hương vào bài giảng cho học sinh được thông qua các hoạt động: Tham quan, tìm hiểu, hoạt động trải nghiệm tại các di tích lịch sử, thiết chế văn hóa. Cơ sở giáo dục lựa chọn di tích tiêu biểu của các huyện, thành phố để thực hiện những hoạt động phù hợp với học sinh trên từng địa bàn.

Các địa điểm được liên Sở (GD&ĐT, Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề xuất đưa vào giảng dạy trong môn Giáo dục địa phương như: Văn miếu Bắc Ninh, Bảo tàng Bắc Ninh, nhà hát dân ca quan họ, các khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Ngô Gia Tự, di tích lưu niệm đồng chí Lê Quang Đạo, đền Đô, di tích Núi Lim - chùa Hồng Ân, chùa Phật Tích…

Bắc Ninh cũng triển khai mô hình “Câu lạc bộ em yêu lịch sử” và “Giờ học lịch sử online” tại các di tích lịch sử, thiết chế văn hóa. Đồng thời, phối hợp tổ chức các hoạt động chăm sóc, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của tỉnh. Qua đó, đề xuất và kiến nghị với các ban, ngành và địa phương hỗ trợ nguồn lực cần thiết để tăng cường nhiều hoạt động phối hợp giữa hai ngành (Giáo dục và Văn hóa), đẩy mạnh công tác giáo dục học sinh tại các địa phương.

Việc đầu tư, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí tại các điểm du lịch là di tích lịch sử, thiết chế văn hóa để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tham quan của nhân dân và học tập của học sinh cũng cần được quan tâm.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh là đầu mối phối hợp công tác giữa hai Sở. Theo đó, hằng năm, Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, trình lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký ban hành để triển khai thực hiện công tác giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua di sản văn hóa.

Ban cũng xây dựng ký kết kế hoạch phối hợp về giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua di sản văn hóa với các đơn vị thuộc ngành Giáo dục tại địa phương. Ngoài ra, Ban thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch.

Trong những năm học tiếp theo, Sở GD&ĐT Bắc Ninh sẽ nhân rộng việc giáo dục lịch sử địa phương trong các trường phổ thông. Sở coi đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ đối với công tác bảo tồn và phát triển di sản, thiết chế văn hóa của tỉnh mà còn góp phần giáo dục học sinh niềm tự hào, tình yêu đối với truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước.

Tiết học Giáo dục lịch sử địa phương của học sinh Trường THPT Lương Tài với bài giảng Văn miếu Bắc Ninh. Ảnh: NTCC
Tiết học Giáo dục lịch sử địa phương của học sinh Trường THPT Lương Tài với bài giảng Văn miếu Bắc Ninh. Ảnh: NTCC

Cô Phạm Thị Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Tài, Bắc Ninh: Trải nghiệm di tích lịch sử tại lớp học

Lần đầu tiên bài học Văn miếu Bắc Ninh ở môn Giáo dục địa phương của Trường THPT Lương Tài được cô giáo Nguyễn Thị Anh giảng dạy qua bài giảng thông minh tại lớp 10D1. Bài giảng được kết hợp trực tiếp trên lớp và trực tuyến thông qua mạng Internet với hướng dẫn viên tại Văn miếu Bắc Ninh. Thay vì đi 40 km đến di tích, học sinh có thể trải nghiệm thực tế bài học ngay từ lớp học.

Giáo dục địa phương lớp 10 là một hoạt động giáo dục mới. Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn, hướng hình thức dạy học qua kết nối di sản hoặc kết nối một điểm di tích lịch sử để học sinh được trải nghiệm cùng với bài giảng sẽ tạo hứng thú cho học sinh trong việc học.

Sở GD&ĐT giao Trường THPT Lương Tài dạy thử nghiệm tiết đầu tiên. Trường đã chọn Văn miếu Bắc Ninh – một điểm cách trường khá xa, học sinh ít có điều kiện đến thực tế, trải nghiệm. Để triển khai bài giảng, Trường THPT Lương Tài đã xây dựng giáo án cụ thể với nội dung, thời gian, cách thức triển khai… đảm bảo khi kết nối thực hiện được mục tiêu giáo dục, giờ dạy. Điểm mới so với bài giảng thông thường là có kết nối trực tiếp tạo hứng thú cho học sinh. Tuy nhiên, bài giảng cũng còn hạn chế khi kết nối là một chiều qua trực tuyến nhưng chưa có sự tương tác.

Thời gian tới, những bộ môn khác như trải nghiệm hướng nghiệp có thể triển khai mô hình này. Trường THPT Lương Tài đã đề xuất Sở Văn hóa hỗ trợ về hướng dẫn viên tại các điểm du lịch, hỗ trợ về cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ để học sinh có thể hỏi đáp tương tác trực tiếp với hướng dẫn viên du lịch.

Học sinh Trường THPT Lương Tài thăm quan di tích đền thờ thầy Chu Văn An. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THPT Lương Tài thăm quan di tích đền thờ thầy Chu Văn An. Ảnh: NTCC

Cô Nguyễn Thị Anh - Giáo viên Trường THPT Lương Tài, Bắc Ninh: Học sinh hào hứng với môn học

Bài Văn miếu Bắc Ninh chia làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu tiên giới thiệu cảnh quan của văn miếu, đến phần này giáo viên kết nối để học sinh xem sau đó tự vẽ lại sơ đồ văn miếu và điểm đặc biệt của di tích. Đến giai đoạn những cổ vật của văn miếu thì hướng dẫn viên lại giới thiệu các bia đá cổ vật quý nhất. Sau khi xem xong, học sinh sẽ tóm tắt lại bài và ý nghĩa của Văn miếu Bắc Ninh.

Để chuẩn bị cho bài giảng, chúng tôi có thể kết nối tiết học qua Zalo nhưng trước đó, nhà trường và khu di tích đã có những kết nối ban đầu. Nhà trường cũng có phương án dự phòng để khi đường truyền bị trục trặc thì phát wifi từ điện thoại thông minh để vẫn giữ được kết nối bình thường.

Tại điểm cầu Văn miếu Bắc Ninh, hướng dẫn viên sử dụng điện thoại để phát trực tiếp kết nối với bài giảng của nhà trường. Vì vậy, điều kiện tiên quyết để thực hiện tiết học này là phải có điện thoại thông minh kết nối mạng Intenet. Trong 45 phút học chính thức, học sinh có 10 phút thực hiện kết nối với hướng dẫn viên. Từ tiết học, học sinh chia sẻ về bài học rất hứng thú vì được tận mắt chứng kiến di tích lịch sử của quê hương, trong đó có nhiều điểm chưa có điều kiện tham quan. Qua các bài giảng thông minh, học sinh thấy quê mình có rất nhiều di tích lịch sử đẹp để thêm yêu quê hương, đất nước.

Thầy Nguyễn Hữu Thanh - Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành số 1, Bắc Ninh: Không khó khi triển khai

Trường THPT Thuận Thành số 1 đang xây dựng kế hoạch và định hướng giảng dạy theo văn bản của liên Sở (Sở GD&ĐT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Huyện Thuận Thành có các cụm di tích, di tích lịch sử để giới thiệu cho học sinh thông qua bài giảng của hoạt động giáo dục địa phương như: Chùa Dâu, lăng và đền Kinh Dương Vương, chùa Bút Tháp, Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, múa rối nước ở Đồng Ngư…

Các phòng học của trường được trang bị hệ thống máy chiếu, mic, loa và có kết nối wifi để có thể sẵn sàng triển khai giảng dạy học môn Giáo dục địa phương thông qua kết nối trực tuyến với các điểm di tích lịch sử, thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Luyện, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh: Bảo đảm điều kiện để nhân rộng mô hình

Tiết học Giáo dục lịch sử địa phương của học sinh Trường THPT Lương Tài với bài giảng Văn miếu Bắc Ninh. Ảnh: NTCC

Tiết học Giáo dục lịch sử địa phương của học sinh Trường THPT Lương Tài với bài giảng Văn miếu Bắc Ninh. Ảnh: NTCC

Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh chuẩn bị tốt việc phân công nhiệm vụ, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất tại các điểm di tích lịch sử, thiết chế văn hóa để triển khai thực hiện mô hình giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho học sinh. Việc phối hợp triển khai dạy thí điểm tại Trường THPT Lương Tài đã đạt được những mục tiêu nhất định như truyền tải được những giá trị cơ bản nhất của di tích lịch sử đối với học sinh; tạo hứng thú cho học sinh thông qua việc đánh giá tổ chức thực hiện. Thời gian tới, Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục Bắc Ninh để nhân rộng ra các trường THPT, quảng bá di tích lịch sử địa phương.

Đổi mới hình thức giảng dạy môn Giáo dục địa phương là một trong những việc cụ thể hóa việc phối hợp giữa Sở GD&ĐT với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mục tiêu là giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho học sinh thông qua di tích, văn hóa tiêu biểu trên địa bàn nhằm lan tỏa cách làm hay, đồng thời thành lập các câu lạc bộ em yêu lịch sử tại các nhà trường. Từ đó tổ chức rút kinh nghiệm làm cơ sở nhân ra diện rộng.

Trang bị tri thức và bảo tồn giá trị văn hóa

Đối với cấp trung học, nội dung môn Giáo dục địa phương được biên soạn thành bộ tài liệu giáo dục của mỗi tỉnh. Bộ tài liệu có vị trí như sách giáo khoa với nội dung về giáo dục địa phương thuộc 7 lĩnh vực (văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp). Tài liệu giáo dục địa phương được biên soạn theo từng bài học, chủ đề hoặc theo nhóm chủ đề.

Bắc Ninh là địa phương có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, với bề dày văn hóa và di sản có giá trị. Trong công cuộc đổi mới đất nước, với vị trí thuận lợi, Bắc Ninh đã vươn mình phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của đất nước.

Việc đưa tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Bắc Ninh vào giảng dạy sẽ giúp học sinh hiểu sâu về lịch sử, thêm yêu và tự hào về giá trị của quê hương Kinh Bắc hiếu học. Đồng thời, rèn được cho mình những kĩ năng thích ứng với điều kiện mới, để vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa quê hương vừa có tri thức và năng lực xây dựng Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp. - Cô giáo Nguyễn Thị Hà - Đại biểu Quốc hội khóa XV

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ