Bài học đạo đức từ lịch sử
Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử Đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn quận luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền từ quận đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng địa phương được quận Ba Đình chú trọng đối với GD&ĐT khi có những quyết sách trong công tác biên soạn tài liệu, lập kế hoạch giảng dạy với môn học giáo dục địa phương.
Đây là một điểm mới của Chương trình GDPT 2018, giúp các địa phương được chủ động lựa chọn nội dung giảng dạy thích hợp, thiết thực với điều kiện thực tế.
"Chương trình GDPT 2018 thì các nhà trường khi tổ chức dạy học hoàn toàn có thể chủ động tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm tại các di tích, danh lam thắng cảnh để học sinh có cái nhìn thực tế hơn. Đây là phương pháp dạy học hiệu quả nhất tạo hứng thú cho học sinh với môn Lịch sử tưởng chừng có phần khô khan nhưng nay lại có sự hiện hữu với các minh chứng lịch sử trăm nghe không bằng một thấy...”, ông Lê Đức Thuận chia sẻ.
Trước đó (ngày 31/7/2020), quận Ba Đình đã kiện toàn Hội đồng thẩm định “Tập tài liệu giảng dạy lịch sử truyền thống, cách mạng quận Ba Đình” được nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành cuối tháng 11/2020. Cuốn sách đã trở thành tài liệu chính thống trong tất cả các nhà trường thuộc địa bàn quận Ba Đình.
Cuốn sách đã giới thiệu được vùng đất và con người cũng như vị thế và truyền thống và những mốc son lịch sử cách mạng. Các di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến tiêu biểu, các nhân vật lịch sử, các lễ hội và làng nghề nổi tiếng đã và đang tồn tại trên mảnh đất Ba Đình được đưa vào sách như một kho học liệu quý giá.
Ông Lê Đức Thuận nhấn mạnh, cuốn sách giúp học sinh và nhân dân tìm hiểu, học hỏi về lịch sử địa phương trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt với những ai thích khám phá, tìm tòi về lịch sử địa phương không chỉ bó buộc riêng với đối tượng là học sinh.
Tác phẩm tranh của học sinh tham dự cuộc thi tìm hiểu về lịch sử quận Ba Đình. |
Ngành Giáo dục quận Ba Đình đã triển khai đến các cơ sở giáo dục (Tiểu học, THCS) trên địa bàn quận Ba Đình với nhiều cách thức tổ chức để công tác giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc được lan tỏa đến nhiều thế hệ học trò, ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
"Từ các tiết học về lịch sử địa phương, các thầy cô giáo đã giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thế hệ trẻ. Đặc biệt giáo dục tư tưởng chính trị, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh Tiểu học và THCS trên địa bàn quận...", ông Lê Đức Thuận nhấn mạnh.
Lan tỏa truyền thống tốt đẹp của dân tộc
Năm học 2022 - 2023, UBND quận Ba Đình tiếp tục phát động các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử như: Thiếu nhi tuyên truyền, giới thiệu sách quận Ba Đình hè 2022 chủ đề “Tiếp bước cha anh, làm nghìn việc tốt”; tổ chức chuỗi các hoạt động cho học sinh Tiểu học và THCS tham gia như vẽ tranh, tham quan di tích Hồ Hữu Tiệp, Hoàng Thành Thăng Long, Bảo tàng B52...nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (18/12/2972 - 18/12/2022).
Qua các cuộc thi, các cơ sở giáo dục cũng chủ động tổ chức các hoạt động thiết thực cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh nhằm thể hiện lòng biết ơn, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cũng như trân trọng những trang lịch sử vẻ vang của địa phương và của dân tộc.
Học sinh thăm quan di tích lịch sử trên địa bàn quận Ba Đình. |
Đơn cử, trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ trên không vừa qua, Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình) đã có tiết học tập trải nghiệm tại di tích hồ Hữu Tiệp - nơi ghi dấu chiến tích anh hùng của quân và dân Hà Nội.
Cô Trương Châu Giang - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tiết học được xây dựng với mong muốn giúp các em học sinh có trải nghiệm thực tế, từ đó hiểu rõ hơn những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc và đặc biệt với chiến tích còn ghi dấu của trận “Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn lưu lại tại nơi các em đang sinh sống và học tập. Đồng thời tiếp tục giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh về lòng biết ơn, trân trọng, tự hào, bảo tồn những di tích lịch sử - văn hóa, truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Em Đặng Minh Đức - lớp 8A3 (Trường THCS Ba Đình) bày tỏ, hồ Hữu Tiệp là một di tích quan trọng để chúng em có thể sống lại với lịch sử hào hùng của dân tộc, để chúng em có thể nhận ra trách nhiệm và vai trò của bản thân mình trong sự phát triển của đất nước. "Cảm ơn sự hi sinh anh dũng cũng những lớp người đi trước, để thế hệ trẻ chúng em hôm nay có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình yên...”, Đặng Minh Đức nói.
Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình) đã có tiết học tập trải nghiệm tại di tích hồ Hữu Tiệp - nơi ghi dấu chiến tích anh hùng của quân và dân Hà Nội. |
Còn NGƯT Nguyễn Thanh Hà - Hiệu trưởng trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình) thì nhấn mạnh, việc học tập thực tế tại các điểm di tích, danh lam thắng cảnh là hình thức giáo dục hiệu quả mà trường THCS Thăng Long cũng luôn hướng tới.
"Buổi học thực tế gắn lý thuyết với thực tiễn tại địa chỉ đỏ sẽ tạo hiệu ứng tốt cho các em học sinh chủ động trong việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa. Qua đó, giúp học sinh biết trân trọng hơn những giá trị truyền thống, tự hào hơn về lịch sử dân tộc, góp phần nâng cao kỹ năng sống, giáo dục đạo đức lối sống cho các em...", NGƯT Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.
Cùng với các hoạt động giáo dục trên, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cũng là dịp để trường học Ba Đình giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Cô Trần Thị Tố Trinh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu bày tỏ, dịp Tết dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, ai ai cũng đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình, cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ tri ân ông bà, tổ tiên. "Điều đó đã trở thành nếp sống, truyền thống tốt đẹp, bền vững của người dân Việt Nam. Góp phần vào giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh...", cô Trần Thị Tố Trinh bày tỏ.
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu cũng cho biết, để giáo dục cho học sinh vui Tết, đón xuân cùng gia đình thật nhiều ý nghĩa, các cô giáo đã giao phiếu bài tập gửi tới học sinh qua những nhiệm vụ đáng yêu.
"Phụ bố mẹ, ông bà, anh chị dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Tự sắp xếp lại tủ quần áo, góc học tập của mình. Biết vào bếp phụ bố mẹ, ông bà dọn cơm, bày hoa quả.Vào ngày mùng 1 Tết, em ngồi vào bàn học viết bài Khai bút đầu Xuân. Em biết chúc Tết mọi người em gặp. Nhận bao lì xì bằng hai tay, biết nói lời cảm ơn, không mở bao lì xì trước mặt người mừng tuổi hoặc nói về số tiền lì xì em nhận được. Em để dành một ít tiền lì xì để mua một quyển sách ý nghĩa...", cô Trần Thị Tố Trinh chia sẻ về bài tập là lời căn dặn với học sinh lớp 3.
Năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT quận Ba Đình tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Ba Đình đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục tư tưởng đạo đức cho học sinh. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, nâng cao nhận thức về pháp luật, nhất là pháp luật về ATGT và phòng chống bạo lực học đường.