PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GD Mầm non, Bộ GDĐT cho biết: Hội thảo là khởi đầu cho giai đoạn thứ 2, Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện Chuyên đề “Trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Tôi mong rằng các chuyên gia sẽ giúp Bộ GD&ĐT và hệ thống GDMN đánh giá sự phát triển của trẻ; Kết nối việc đánh giá trẻ với việc tổ chức các hoạt động lấy trẻ làm trung tâm; Tổ chức “học qua chơi và học qua trải nghiệm.
Ông Filip Lenaerts - Cố vấn giáo dục đến từ Tổ chức VVOB Việt Nam đã đưa ra những thông tin gợi mở để các chuyên gia hiểu được những tiêu chí đánh giá cảm giác thoải mái và sự tham gia để biết được trẻ có đang học được tốt không; Phát triển kỹ năng quan sát trẻ và xác định mức độ cảm giác thoải mái và sự tham gia của trẻ; Tìm hiểu lý do vì sao một số trẻ (có nguy cơ) không học được; Cách thức tạo ra những thay đổi trong cách tổ chức hoạt động giúp trẻ học tập tốt hơn và phát huy tối đa năng lực của trẻ.
Hội thảo “Triển khai thực hành quan sát trẻ theo quá trình trong cơ sở giáo dục mầm non” cũng nhằm nâng cao hiệu quả, hiện thực hóa các cuộc tập huấn trước đây, không chỉ cung cấp khung lý thuyết, mà cán bộ quản lý và giáo viên mầm non còn có nhiều cơ hội được trải nghiệm thực tế thú vị và có ý nghĩa thông qua các hoạt động học thông qua chơi. Giáo viên được hướng dẫn kĩ năng quan sát, và theo dõi sự tiến bộ trẻ nhằm đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục mầm non có chất lượng.
Trong đó đề cao việc nâng cao năng lực cho giáo viên trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm một cách hiệu quả, nhằm giúp trẻ học tập tốt hơn và phát triển toàn diện. Quan sát trẻ theo quá trình là kỹ thuật giúp giáo viên hiểu được việc học, việc chơi… của trẻ, quan sát mức độ thoải mái và tham gia của trẻ trong các hoạt động hàng ngày và phân tích nguyên nhân tác động đến cảm giác thoải mái và mức độ tham gia của trẻ.
Nhân rộng và lan tỏa những kinh nghiệm hay qua triển khai quan sát trẻ theo quá trình trong cơ sở GDMN chắc chắn sẽ đem lại những giá trị tích cực, mang tính thực tiễn cao. Trên cơ sở đó, giáo viên điều chỉnh kế hoạch giáo dục (thông qua việc áp dụng “các điểm hành động”) nhằm tối đa hóa hiệu quả tác động, giải quyết các rào cản, tạo ra những thay đổi trong tổ chức các hoạt động hướng tới giáo dục tiếp cận cá nhân và phát huy tối đa năng lực của trẻ.
Thực tế cho thấy, việc triển khai thí điểm nhằm nhân rộng việc áp dụng “Tài liệu hướng dẫn Quan sát trẻ theo quá trình trong cơ sở giáo dục mầm non” cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán 6 tỉnh/thành phố nâng cao năng lực triển khai đánh giá sự phát triển của trẻ em trong Chuyên đề lấy trẻ làm trung tâm và thực hiện Chương trình GDMN đạt hiệu quả là rất cần thiết.
Các chuyên gia đại diện cho các cơ sở đào tạo tạo GV mầm non, Viện Khoa học Giáo dục và Tổ chức VVOB Việt Nam, đã cùng trao đổi các kỹ thuật quan sát cụ thể, quan tâm hơn các cảm xúc tình cảm xã hội và sự tham gia sâu của trẻ mầm non. Từ đó, đề xuất để giáo viên có các biện pháp hỗ trợ để giúp trẻ tiến bộ, phát huy tính tích cực hoạt động và khả năng của trẻ, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non chăm sóc, giáo dục trẻ MN.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cùng nhận xét và đánh giá cuốn Tài liệu “Thực hành quan sát trẻ theo quá trình trong cơ sở GDMN" do các chuyên gia của VVOB Việt Nam, chuyên gia GDMN và Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT cùng xây dựng, điều chỉnh sau hơn 3 năm thử nghiệm công phu, khoa học với sự góp ý của các chuyên gia đầu ngành về GDMN. Được biết tài liệu này sẽ là công cụ hỗ trợ giáo viên theo dõi, đánh giá trẻ hàng ngày và trong quá trình phát triển của trẻ nhằm hỗ trợ, điều chỉnh các hoạt động giáo dục.