Cùng với đó, tổ chức bán trú với tất cả trẻ đến trường. Đây cũng là thành quả của chủ trương tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng trong chăm sóc trẻ mầm non của ngành Giáo dục.
Bán trú dân nuôi ở trường vùng cao
Điểm bản Na Lợt, nơi xa xôi, khó khăn nhất của Trường Mầm non Nhôn Mai (huyện Tương Dương, Nghệ An). Điểm trường ở lưng chừng núi cao, bên cạnh đường vành đai biên giới Tây Nghệ An. Năm học này, Na Lợt có 17 cháu, ở cả 3 nhóm 3 – 4 – 5 tuổi cùng sinh hoạt trong 1 phòng học, dưới sự chăm sóc của cô Lữ Thị Lan Anh.
Đến trường vào buổi trưa, cô Lan Anh đang cho các cháu ngủ. Cô giáo trẻ cho hay: Đầu năm học, một số trẻ 3 tuổi chưa quen với việc rời xa bố mẹ nên vẫn khóc nhiều. Cô thường phải vất vả dỗ dành, bế trên tay. Còn trẻ 4 – 5 tuổi đã đi vào nền nếp. Phía sau, phụ huynh đang cùng nhau dọn dẹp, vệ sinh và rửa bát. “Dù là điểm trường lẻ nhưng chúng tôi vẫn tổ chức bán trú bình thường, bảo đảm bữa ăn cho trẻ theo tháp dinh dưỡng. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, bếp ăn còn tạm bợ, chỉ mình tôi phụ trách điểm trường, không thể kiêm luôn việc nấu nướng. Vì vậy, công tác bán trú ở điểm trường được tổ chức theo hình thức bán trú dân nuôi”, cô Lan Anh nói.
Các cháu mang cơm ở nhà đi, phụ huynh sẽ phân công nhau đến trường nấu thức ăn, cùng cô cho trẻ ăn, sau đó phụ trách dọn dẹp, vệ sinh. Các khoản tiền để phục nấu ăn bán trú cho trẻ cũng được phụ huynh tự thảo luận và đóng góp. Nhờ có sự nhiệt tình của phụ huynh nên cô giáo được hỗ trợ rất nhiều khi chăm sóc, dạy bảo các cháu. Chị Ngân Thị Hương (21 tuổi) có con trai 3 tuổi học tại điểm trường Na Lợt cho biết: Hôm nay, đến phiên tôi phụ trách nấu ăn cho các cháu. “Mình đến giúp cô giáo và cũng muốn xem con ở trên lớp thế nào. Mỗi ngày sẽ có 2 – 3 phụ huynh đến trường nấu ăn, thay phiên nhau. Các con ăn và ở lại lớp cả ngày, có cô giáo trông, bố mẹ cũng yên tâm đi làm, đi rẫy”, chị Hương nói.
Điểm trường Tam Liên (Trường Mầm non Tam Quang, huyện Tương Dương, Nghệ An) đang gặp nhiều khó khăn. Dãy phòng học mới xây dựng hơn 1 năm chưa bàn giao, hiện cô trò đang phải học nhờ tại cơ sở vật chất của điểm trường tiểu học cũ gần đó. Tuy nhiên, các cô cố gắng trang trí phòng học, vận động phụ huynh cùng làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Bên cạnh đó, công tác bán trú cũng được thực hiện đầy đủ. Cô Lô Thị Em – giáo viên tại điểm trường Tam Liên chia sẻ: “Chúng tôi tổ chức bán trú nhưng nhưng thức ăn nấu tại điểm trường Bãi Sở, cách khoảng 2km rồi vận chuyển đến. Tuy vất vả nhưng nhờ có sự hỗ trợ của phụ huynh nên hoạt động chăm sóc, nuôi dạy 24 cháu tại điểm Tam Liên vẫn bảo đảm”.
Trường Mầm non Tam Quang có 4 điểm lẻ, cô Lương Thị Thanh Tâm – Hiệu trưởng cho hay: Chúng tôi thực hiện bán trú ở tất cả điểm trường nhưng linh hoạt cho phù hợp điều kiện thực tế. Tại trường chính, cơ sở vật chất thuận lợi hơn, có bếp ăn một chiều, nhà trường tổ chức bán trú cô nuôi. Phụ huynh sẽ góp tiền để nhà trường thuê lao động hợp đồng nấu ăn. Còn các điểm lẻ, chủ yếu tổ chức bán trú dân nuôi.
Lấy trẻ làm trung tâm
Trường Mầm non Long Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), một trong những trường chịu thiệt hại nặng do đợt mưa lũ vừa qua tại Nghệ An. Trong đó, phân hiệu 2 của trường bị ngập sâu, trẻ phải nghỉ hơn 1 tuần. Sau lũ, cơ sở vật chất bị ảnh hưởng, thiệt hại lớn. Tuy nhiên, nhà trường ưu tiên khôi phục điều kiện nuôi dạy trẻ như: Sửa hệ thống điện, mua nước sạch nấu ăn bán trú cho trẻ. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội cũng hỗ trợ kinh phí cho nhà trường đóng lại bàn ghế, tủ, kệ đựng đồ dùng, đồ chơi cho trẻ bị hư hỏng... Kết quả, chỉ một thời gian ngắn sau khi nước rút, tất cả hoạt động nuôi dạy, bán trú của trường và hơn 600 trẻ trở lại bình thường.
Theo ông Trần Thế Sơn – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Nghệ An, một trong những chủ trương quan trọng của ngành là tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình xã hội trong nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Với các trường vùng cao, vùng khó, tập trung xây dựng cảnh quan trường học thân thiện, xanh sạch đẹp, khăn bảo đảm công tác bán trú được thực hiện linh hoạt. Tại vùng thuận lợi, thông qua xã hội hóa, hệ thống mầm non ngoài công lập đã góp phần giảm tải cho công lập.
Năm học trước, thời điểm nghỉ dịch Covid-19, giáo viên Trường Mầm non Nghi Diên (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) làm các clip nhiều chủ đề: Hướng dẫn bố mẹ làm đồ chơi cho con; dạy trẻ nhận biết chữ cái, con số; học hát múa... và đăng lên YouTube. Hình thức học trực tuyến này được phụ huynh ủng hộ và trẻ cũng rất hào hứng. Năm học này, nhà trường tiếp tục phát huy hiệu quả của hình thức phối hợp dạy học, chăm sóc trẻ trên. “Dù trên mạng Internet có nhiều khóa học trực tuyến cho trẻ em, nhưng phụ huynh của trường vẫn quan tâm, tin tưởng các clip do cô giáo dạy con mình trực tiếp hướng dẫn. Đổi lại, phụ huynh cũng quay các clip về hoạt động của con gửi cho cô. Qua đó, giữa gia đình, nhà trường, phụ huynh và cô giáo, trẻ có sự gắn kết hơn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ”, cô Nguyễn Thị Nhung – GV Trường Mầm non Nghi Diên trao đổi.