Hoạt động này được thực hiện ở hầu khắp cơ sở GDMN, nhưng chưa được đặt tên và cũng chưa có quy trình, cách làm thống nhất.
Chuyên gia nói gì?
Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT), để giúp việc thực hành quan sát trẻ bài bản và hiệu quả, các chuyên gia của Tổ chức VVOB và Vụ GDMN đã biên soạn và thử nghiệm công phu, khoa học một bộ tài liệu giúp giáo viên thực hành các hoạt động quan sát trẻ nhằm: Hiểu được những tiêu chí đánh giá cảm giác thoải mái và sự tham gia của trẻ; Phát triển kỹ năng quan sát trẻ và xác định mức độ thoải mái và sự tham gia của trẻ; Tìm hiểu lý do vì sao một số trẻ (có nguy cơ) không học được; Tạo ra những thay đổi trong cách tổ chức hoạt động giúp trẻ học tập tốt hơn và phát huy tối đa năng lực của trẻ.
Về vấn đề này, ông Filip Lenaerts, Cố vấn giáo dục đến từ Tổ chức VVOB Việt Nam cho rằng: “Quan sát trẻ để đem lại hiệu quả tích cực trong các hoạt đông giáo dục là điều cần thiết và ý nghĩa. Vấn đề là cách thức thực hiện ra sao để đem lại hiệu quả cao nhất. Thế nên, cần những tiêu chí đánh giá cụ thể về cảm giác thoải mái và sự tham gia của trẻ vào quá trình học tập”.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – chuyên viên Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT), với các nội dung thực hiện quan sát trẻ trong quá trình nuôi dưỡng và giáo dục, cần chú trọng nâng cao năng lực cho giáo viên khi tổ chức hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm một cách hiệu quả, giúp trẻ học tập tốt hơn và phát triển toàn diện. Quan sát trẻ theo quá trình là kỹ thuật giúp giáo viên hiểu được việc học, chơi… của trẻ, mức độ thoải mái và tham gia của trẻ trong các hoạt động hàng ngày và phân tích nguyên nhân tác động đến cảm giác thoải mái cũng như mức độ tham gia của trẻ.
Các chuyên gia đại diện cho cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, Viện Khoa học Giáo dục, Tổ chức VVOB Việt Nam và một số trường đại học đào tạo giáo viên mầm non cùng cho rằng, trên cơ sở quan sát trẻ, giáo viên điều chỉnh kế hoạch giáo dục (thông qua việc áp dụng “các điểm hành động”) nhằm tối đa hóa hiệu quả tác động, giải quyết các rào cản, tạo ra những thay đổi trong tổ chức hoạt động giúp trẻ chơi, học tốt hơn và phát huy tối đa năng lực của trẻ.
Ý kiến người trong cuộc
Quan sát trẻ theo quá trình tại các cơ sở GDMN một cách bài bản, khoa học nhằm nâng cao hiệu quả nuôi dưỡng đã được đặt ra thời gian qua. Sự phối hợp giữa Tổ chức VVOB Việt Nam và Vụ GDMN triển khai thí điểm tại một số địa phương trên cả nước đã không chỉ cung cấp khung lý thuyết, mà cán bộ quản lý và giáo viên mầm non còn có nhiều cơ hội được trải nghiệm thực tế thú vị, ý nghĩa từ các hoạt động học thông qua chơi. Giáo viên được hướng dẫn kĩ năng quan sát và theo dõi sự tiến bộ của trẻ nhằm bảo đảm thực hiện chương trình GDMN có chất lượng.
Cô Hoàng Vân – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Tu (TP Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết: “Quan sát trẻ trong quá trình là cần thiết vì thực tế cho thấy, hoạt động này không chỉ giúp hiểu và đánh giá trẻ toàn diện hơn để nâng cao chất lượng nuôi dạy mà cũng giúp cho giáo viên tận tâm, yêu thích, gắn bó với việc làm nhiều hơn”. Hiện đã có Tài liệu Hướng dẫn Quan sát trẻ theo quá trình trong cơ sở GDMN, nhằm hỗ trợ cán bộ quản lý và giáo viên thực hành một cách bài bản, khoa học theo hướng dẫn.
Nhận thấy đây là cách làm hay, tỉnh Nghệ An đón nhận và thực hiện sát sao với việc này. Bà Nguyễn Thị Hà - chuyên viên Phòng GDMN, Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ: “Chúng tôi đã tập huấn cho cán bộ cốt cán chuyên môn cấp tỉnh về nội dung này. Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, vấn đề này phù hợp với phương pháp giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Quan điểm của sở là những gì hay, có lợi cho học sinh đều chủ động tham gia. Năm học mới, Nghệ An tiếp tục tập huấn và chỉ đạo thực hiện. Còn đến nay, các trường đã thực hiện nhưng chưa được bài bản như nội dung vừa tập huấn”.
Trực tiếp tham gia các cuộc tập huấn, cô Nguyễn Thị Tĩnh – GV Trường MN Hoa Sen (TP Vinh, Nghệ An) bày tỏ: “Việc quan sát cụ thể từng hoạt động của trẻ và cả quá trình các con học trên lớp rất quan trọng và ý nghĩa. GV sẽ quan tâm hơn tới cảm xúc tình cảm xã hội và sự tham gia sâu của trẻ. Trên cơ sở đó, có những đề xuất để có các biện pháp hỗ trợ phù hợp với thực tế lứa tuổi và tâm sinh lý. Giúp trẻ tiến bộ, phát huy tính tích cực hoạt động và khả năng, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục trẻ. Trước nay, chúng tôi đã thực hiện việc này, tuy nhiên là tự phát và thiếu phương pháp. Còn hiện nay, được tập huấn đầy đủ nên việc thực hiện sẽ ý nghĩa hơn nhiều”.