Tham gia hội thảo có đại diện các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ GD&ĐT, đại diện một số Sở và Phòng GD&ĐT của các tỉnh dự án và đông đảo lãnh đạo nhà trường và giáo viên, những người trực tiếp tham gia vào nghiên cứu. Đặc biệt, hội thảo còn được tiếp đón ngài Geert Vansintjan - Phó đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam.
Từ tháng 12/2015 đến tháng 5/2016, cùng với Sở GD&ĐT Thái Nguyên và Sở GD&ĐT Quảng Nam, VVOB Việt Nam (Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ tại Việt Nam) tiến hành đề tài Nghiên cứu Khoa học Sư phạm Ứng dụng về Hệ thống quan sát trẻ dựa trên quá trình.
Đã có 5 cán bộ Sở và Phòng GD&ĐT, 48 lãnh đạo và giáo viên trường Mầm non, 8 giảng viên trường ĐH/CĐSP và 519 trẻ em từ 8 trường Mầm non tham gia nghiên cứu.
Tham gia vào quá trình nghiên cứu này, giáo viên được tập huấn về kỹ năng quan sát trẻ - bước đầu tiên trong toàn bộ quá trình. Ở bước tiếp theo, giáo viên đánh giá mức độ tham gia và cảm giác thoải mái của trẻ trong lớp, xác định những rào cản khiến trẻ có mức độ tham gia và cảm giác thoải mái thấp và sau đó đưa ra các biện pháp can thiệp và hỗ trợ thông qua việc xây dựng và thực hiện các hành động trong số 10 hành động hỗ trợ cụ thể mà VVOB Việt Nam tập huấn. Chu trình quan sát, đánh giá trẻ, lập kế hoạch và hỗ trợ lặp lại 2 lần trong khoảng thời gian tháng 1 đến tháng 5/2016.
Các cô giáo vùng khó tham dự hội thảo |
Tại hội thảo, VVOB Việt Nam và các trường tham gia nghiên cứu trình bày những kết quả đạt được từ nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng đó.
Những kết quả định tính và định lượng thu được cho thấy, trong thời gian một học kỳ, khi giáo viên thực hiện quan sát trẻ, xác định những rào cản ngăn trở việc trẻ học sâu, lập và thực hiện kế hoạch can thiệp, cảm giác thoải mái và sự tham gia của nhiều trẻ em được cải thiện rõ rệt.
Dù mức độ tiến triển ở các nhóm trẻ không đồng đều, rõ ràng đã có những thay đổi tích cực ở mọi nhóm trẻ, dù đó là trẻ người Kinh hay dân tộc thiểu số, bé trai hay bé gái, trẻ học tại điểm trường chính hay tại điểm trường lẻ.
Ngoài ra, nghiên cứu hành động cũng góp phần nâng cao những năng lực cụ thể của giáo viên – kỹ năng quan sát, phản hồi/suy ngẫm, lập và thực hiện kế hoạch can thiệp để nâng cao cảm giác thoải mái và sự tham gia của trẻ.
Sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía các Sở và Phòng GD&ĐT liên quan là một yếu tố quan trọng giúp giáo viên tự tin và sẵn sàng thử nghiệm ý tưởng mới.
Các đại biểu hào hứng tham gia phần ứng dụng |
Nhận xét về nghiên cứu, bà Nguyễn Thúy Hồng - Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - nói: “Bằng việc tham gia vào quá trình nghiên cứu giáo viên đã có kiến thức và kỹ năng trong việc quan sát trẻ, đặc biệt là biết rút ra những phương pháp tác động tới từng trẻ, hỗ trợ từng trẻ phát triển để đạt được mục đích không một trẻ em nào bị bỏ rơi”.
Nghiên cứu này là bước thử nghiệm đầu tiên của VVOB Việt Nam. Những bài học và kinh nghiệm quý báu thu được từ nghiên cứu sẽ giúp VVOB Việt Nam trong việc phối hợp cùng Bộ GD&ĐT mở rộng phạm vi nội dung này trong chương trình hợp tác tiếp theo 2017-2021.