Quan niệm mới về nhà trường

GD&TĐ - Kỹ sư Ngô Thanh Hải - Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, cho rằng trong bối cảnh mới, giáo dục được mở rộng, bình đẳng, nơi mọi người có thể học tập, học tiếp, học lên cao vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu, với bất kỳ trình độ nào; nhà trường hiệu quả, nhà trường thông tuệ, nhà trường tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu, năng lực, lựa chọn khác nhau của người học.

 Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Tạo ra những công dân toàn cầu

Hệ thống thông tin trong quản lý giáo dục là yêu cầu bắt buộc phải có đối với bất kỳ tố chức, cơ sở giáo dục nào để giúp cho cán bộ quản lý có cơ sở tin cậy và khách quan trong điều hành và ra quyết định quản lý chuẩn xác.
Kỹ sư Ngô Thanh Hải

Qua đó, giúp cho người học có đầu óc sáng tạo, biết phê phán, tư dụy độc lập, năng lực hợp tác tích cực và hỗ trợ trong bối cảnh mới. Đặc biệt là kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và xoá mù thông tin, nhằm tạo ra những công dân thích hợp cho thế kỉ XXI - những công dân toàn cầu.

Từ thực tiễn đó, đã đặt ra cho giáo dục nhiệm vụ mới, chuyển trọng tâm đào tạo từ chiều sâu sang diện rộng để người học không phải học chỉ để biết, để làm, để thành người mà còn học để chung sống, đủ sức đương đầu với cạnh tranh và hợp tác.

"Vì thế cán bộ quản lý giáo dục đang đứng trước yêu cầu mới là nâng cao hiệu quả tương lai của nhà trường với 3 định hướng: toàn cầu hoá (phát huy nguồn tri thức toàn cầu), địa phương hoá (phát huy thế mạnh, bản sắc và truyền thống địa phương), cá biệt hoá (phát huy năng lực cá nhân người học)" - Kỹ sư Ngô Thanh Hải nhấn mạnh.

Cũng theo Kỹ sư Ngô Thanh Hải, sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông là bước tiến lớn trong lịch sử phát triển của con người, nó không chỉ giúp cho hoạt động của con người đạt hiệu quả hơn mà còn tham gia tích cực, trực tiếp trong việc tạo ra những con người năng lực hơn.

Loài người thuở xưa đã dùng que gậy, rồi dùng đồ đá, đồ đồng, rồi tiến lên dùng đồ sắt; từ công cụ thủ công tới cơ giới, cơ giới tự động, rồi điện tử, rồi vi tính. Mỗi bước tiến như vậy về công cụ lao động kéo theo những bước phát triển nhảy vọt của các nền văn minh.

Công nghệ thông tin ra đời, phát triển là sự tích hợp đồng thời các tiến bộ về công nghệ và về tổ chức thông tin; Đó là bước tiến vĩ đại của nhân loại.

Nhưng đồng thời, còn vĩ đại hơn nữa, là công nghệ thông tin tham gia trực tiếp việc tạo ra những con người năng lực hơn theo một phương thức hiện đại. Có thể nói rằng, công nghệ thông tin vừa là kỹ thuật, kinh tế vừa là văn hoá.

Giáo dục chuyển trọng tâm đào tạo từ chiều sâu sang diện rộng
Giáo dục chuyển trọng tâm đào tạo từ chiều sâu sang diện rộng
Quan niệm mới về nhà trường

Kỹ sư Ngô Thanh Hải - cho rằng, công nghệ thông tin thúc đẩy một nền giáo dục mở, giúp mọi người tiếp cận rất nhiều thông tin, thông tin nhiều chiều, rất nhanh, rút ngắn mọi khoảng cách, thu hẹp mọi không gian, tiết kiệm “chưa từng có” về thời gian; từ đó, con người phát triển nhanh hơn về kiến thức, nhận thức, trí tuệ và tư duy.

Do thông tin nhiều chiều nên hoạt động giáo dục tất yếu phải dân chủ hơn, hạn chế áp đặt một chiều, tự do tư tưởng tốt hơn đối với người học, nhờ vậy, tư duy độc lập phát triển, dẫn đến năng lực phát triển.

"Nếu như trước đây, giáo dục chủ yếu là cung cấp kiến thức, công việc của người thầy chủ yếu là truyền thụ kiến thức thì ngày nay, khoa học phát triển như vũ bão, kiến thức nhân loại nhiều vô kể, bổ sung mới liên tục, rất nhanh, người thầy không thể truyền thụ hết, không thể cập nhật và truyền thụ kịp.

Đổi mới giáo dục phải chuyển nền giáo dục từ chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, bằng cách giúp người học phương pháp tiếp cận và cách tự học, cách giải quyết vấn đề" " - Kỹ sư Ngô Thanh Hải trao đổi, đồng thời nhấn mạnh:

Việc truyền thụ, cung cấp kiến thức, dần dần sẽ do công nghệ thông tin đảm nhận, giải phóng người thầy khỏi sự thiếu hụt thời gian, để người thầy có thể tập trung giúp học sinh phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề, tổ chức các hoạt động học tập gắn với thực tiễn nhằm phát triển năng lực của học sinh.

Có thể thấy, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông đã buộc giáo dục phải tư duy lại những quan niệm về nhà trường, nhà quản lý, nhà giáo, người học, về quá trình dạy học, về tương lai của giáo dục... để nắm bắt, cập nhật, khai thác những lợi thế do tiến bộ công nghệ thông tin đem lại.

"Trong thời đại thông tin, vai trò của cán bộ quản lý giáo dục không hề giảm mà có cơ hội tăng lên, đòi hỏi cán bộ quản lý giáo dục phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; làm chủ được môi trường công nghệ thông tin và truyền thông; vận dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào quản lý có hiệu quả,

Đồng thời phải chuẩn bị về mặt tâm lý cho một sự thay đổi cơ bản của họ khi bổ sung và cập nhật kiến thức chuyên môn - nghiệp vụ quản lý và sẽ phải đối mặt với sự gia tăng về số lượng người học, do đó cán bộ quản lý giáo dục phải chỉ đạo giáo viên, giảng viên dạy số lượng người học đông hơn, đa dạng hơn theo các cách thức khác nhau dùng các phương pháp và công nghệ mới" - Kỹ sư Ngô Thanh Hải nêu quan điểm.

Bài viết được lược ghi từ tham luận của Kỹ sư Ngô Thanh Hải tại luận tại Hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển năng lực cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ