TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nhấn mạnh điều này này trong bài tham luận của mình tại Hội thảo quốc tế về nâng cao phát triển năng lực cán bộ quản lý và giáo viên.
Hiệu trưởng là nhà giáo dục
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, mỗi trường học muốn thành công đều có những cách đi riêng trong việc tổ chức quản lý nhà trường, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ nhà giáo, tập hợp lực lượng, xây dựng nguồn lực cho mỗi nhà trường...
Song quan sát những mô hình giáo dục thành công trong nền kinh tế thị trường, trong giai đoạn đổi mới căn bản toàn diện g|iáo dục đào tạo hiện nay, mỗi hiệu trưởng đều phải đứng vững và giải quyết đồng bộ 3 yếu tố cơ bản đó là:
Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; Tổ chức và quản lý chất lượng giáo dục; Vận dụng tiến bộ khoa học giáo dục, khoa học quản lý để bồi dưỡng đội ngũ, đổi mới phương thức giáo dục, phương pháp quản lý.
TS. Nguyễn Tùng Lâm – phân tích, xây dựng đội ngũ chỉ là một yếu tố cơ bản; Yếu tố tổ chức quản lý, vận dụng tiến bộ khoa học giáo dục cùng với điều kiện cơ sở vật chất cũng phải được trang bị, hoàn thiện đồng bộ với những yêu cầu khác của đổi mới giáo dục, hiệu trưởng mới phát huy hết vai trò và đảm bảo thành công.
Vai trò hiệu trưởng ở đây không chỉ là nhà quản lý đơn thuần, mà trước hết họ còn phải là nhà giáo dục, vận dụng thành thạo cả khoa học quản lý lẫn khoa học giáo dục.
Hiệu trưởng không chỉ đóng vai trò thủ lĩnh dẫn dắt hội đồng sư phạm mỗi nhà trường, mà còn là người biết truyền lửa, khích lệ đội ngũ như một vị huấn luyện viên tài năng của những đội bóng danh tiếng.
Mặt khác, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, trong nền kinh tế thị trường, để mỗi cơ sở giáo dục đào tạo có “thương hiệu”, người hiệu trưởng còn phải biết xây dựng văn hóa tổ chức (văn hóa học đường) của mỗi nhà trường.
Hiệu trưởng chỉ trên cơ sở tổ chức mọi hoạt động của nhà trường, của cả thầy và trò đều trong bầu không khí tôn vinh các giá trị cốt lõi, bằng những việc làm gắn kết, tạo nên sự phát triển bền vững của cả nhân cách của thầy và trò.
“Sản phẩm cuối cùng của mỗi hiệu trưởng không chỉ là những quy định của công tác quản lý hành chính của mỗi nhà trường mà còn là nhân cách của học trò, những năng lực phẩm chất mà mỗi nhà giáo đã mang lại cho mỗi học sinh là như thế nào?
Học sinh không chỉ biết được gì khi rời khỏi nhà trường, mà quan trọng các em phải làm được những gì từ những điều đã biết cho những điều xã hội đang yêu cầu; phải có đủ 4 trụ cột “học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để làm người” - TS. Nguyễn Tùng Lâm đặt vấn đề.
Cũng theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, muốn có kết quả đó, hiệu trưởng phải giúp mỗi nhà giáo phải có đủ phẩm chất, năng lực; Nhân cách của nhà giáo phải đủ lớn để làm tấm gương dẫn dắt học trò.
Đồng thời họ cũng phải là người nắm được những phẩm chất, năng lực cần có của học sinh của mình ở mỗi cấp học. Từ đó họ phải có khả năng vận dụng thành thạo trong quá trình giảng dạy, giáo dục học sinh.
Hiệu trưởng không chỉ đóng vai trò thủ lĩnh dẫn dắt hội đồng sư phạm mỗi nhà trường, mà còn là người biết truyền lửa, khích lệ đội ngũ giáo viên. Ảnh minh họa/internet |
Tiêu chuẩn của hiệu trưởng thế kỷ 21
Dẫn tài liệu của giáo sư Roger Moltzen - trưởng Khoa Giáo dục Trường đại học Waikato, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh: Để mỗi nhà giáo trong mỗi nhà trường hoàn thành trọng trách của mình, hiệu trưởng, chứ không ai khác trong nhà trường phải là người hỗ trợ đắc lực để mỗi nhà giáo thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Đặc biệt, hiệu trưởng và các cán bộ quản lý trường chất lượng cao phải thấm nhuần những yêu cầu, tiêu chuẩn của người cán bộ quản lý trường học thế kỷ 21. Cụ thể:
Thứ nhất, tiếp cận với phát triển chuyên môn phù hợp để luôn là những nhà lãnh đạo, dẫn đầu, nhiều tham vọng và có kinh nghiệm.
Thứ hai, có kỹ năng để phát triển và thực hiện những mục tiêu và tầm nhìn chung.
Thứ ba, có khả năng thích ứng, có niềm tin vào bản thân cao và có muc đích rõ ràng.
Thứ tư, có kỹ năng giao tiếp hiệu quả, thông minh trong các mối quan hệ cá nhân và đáp ứng nhanh về văn hóa.
Thứ năm, là những người lãnh đạo về chương trình và sư phạm, và ưu tiên người học và việc học tập.
Thứ sáu, hiểu và có thể sử dụng các hệ thống quản lý để hỗ trợ và nâng cao việc học tập của học sinh.
Thứ bảy, đặt ra mong đợi cao về bản thân mình, đội ngũ cán bộ và học sinh của mình.
Thứ tám, có khả năng hòa nhập cao, quan tâm toàn diện tới sự tiến bộ và sức khỏe của mỗi học sinh và cán bộ công nhân viên.
Thứ chín, xây dựng vãn hóa nơi mà tinh thần tập thể được coi trọng và nơi mà cán bộ và học sinh cảm nhận được sự gắn kết và cảm thấy được trân trọng.
Thứ mười, xây dựng và phát triển quan hệ đối tác và các mạng lưới để nâng cao việc học tập của học sinh.
Mười một, có thể giao phó trách nhiệm và hỗ trợ cán bộ công nhân viên phát triển nghề nghiệp chuyên môn.
Mười hai, tôn vinh những thành công của cán bộ và học sinh.
Mười ba, coi trọng và khuyến khích sự linh hoạt, đổi mới và sáng tạo.