Đừng dán nhãn “hư hỏng”
Bà Nguyễn Thị Thủy, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên, cho rằng, ở độ tuổi vị thành niên, các em đang muốn khẳng định mình nên rất dễ có những hành vi bạo lực. Thực tế, nhiều em tham gia băng nhóm tội phạm không phải do gia đình khó khăn mà muốn thể hiện sự khác người.
Chưa kể đến, mạng xã hội bùng nổ mạnh mẽ, giới trẻ qua ô “chat” cũng có thể thành lập được băng nhóm. Một số do xem nhiều phim bạo lực, qua sự thể hiện của các nhân vật trong phim và cho rằng, bạo lực là cái có thể thể hiện được mình nên học theo.
Bên cạnh đó, do cha mẹ quá bận rộn với công việc, thời gian dành cho con cái ít, chỉ quan tâm đến việc cung cấp vật chất cho trẻ, mà bỏ qua đời sống tinh thần. Nếu từ nhỏ, cha mẹ không uốn nắn cho con thành nếp, đến lứa tuổi vị thành niên, chúng dễ bị chi phối bởi bạn bè, thích làm theo. Đến lúc đó, người lớn mới tìm cách ngăn cản con thì dù quyết liệt cũng rất khó.
Để xử lý hành vi bạo lực của trẻ, chuyên gia Nguyễn Thị Thủy cho rằng cần tùy thuộc vào độ tuổi để khéo léo kéo trẻ ra khỏi những hành động xấu.
Theo đó, với trẻ dưới 5 tuổi, hãy giữ mọi chuyện thật đơn giản và đi vào vấn đề chính. Hãy cách ly những đứa trẻ hiếu chiến khỏi tình trạng hiện tại. Sau đó, cha mẹ nên để chúng ngồi cạnh hoặc trong lòng để có thời gian bình tâm lại trong vòng kiểm soát của mình.
“Cha mẹ hãy lưu ý cho trẻ vào không gian để bình tĩnh chứ không phải là phạt trẻ ngồi một mình để suy nghĩ. Hãy thiết lập một khu vực nào đó trong nhà với sách, đồ chơi giác quan đơn giản như một thùng gạo và bóng để thổi… Điều này nghe có vẻ vô lý nhưng người lớn cần nhớ, chính cha mẹ cần bình tĩnh để không hét vào mặt trẻ. Khi được ngồi với những “phần thưởng” đó, trẻ sẽ kiểm soát cảm xúc. Trong suốt thời gian này, phụ huynh cần tỏ ra cảm thông và thấu hiểu với cảm giác của trẻ, giúp trẻ nhận ra cảm giác của mình, điều gì khiến trẻ tức giận. Một vài trẻ sẽ cảm thấy thư giãn, một vài trẻ sẽ cảm thấy thất vọng. Bạn sẽ hiểu điều gì là tốt nhất cho con”, bà Thủy nói.
Cũng theo bà Thủy, ở độ tuổi này, nhận thức của trẻ còn hạn hẹp, nếu trẻ tức giận kéo dài, hãy tỏ ra bình tĩnh và kiên quyết nói chuyện với con và cảnh báo rằng điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ lại đánh người lần sau. Quan trọng là cha mẹ hãy cho con thêm chút thời gian để kiểm soát cảm xúc. Đừng vội dán nhãn “hư hỏng” và đánh mắng trẻ.
Giúp trẻ học cách sửa chữa thay vì trả giá
Đối với trẻ từ 5 đến 8 tuổi, chức năng não của chúng sẽ trở nên mạnh hơn và đó là thời điểm thích hợp để bắt đầu giải quyết vấn đề. Điều này sẽ dạy trẻ trách nhiệm, trí thông minh cảm xúc, kĩ năng giải quyết xung đột tích cực.
Thông thường, cách giải quyết nhanh nhất bố mẹ có thể làm là trừng phạt trẻ bằng cách đánh chúng và bắt chúng ngồi một mình. Nhưng trẻ sẽ cần được học cách để sửa chữa những sai lầm của mình chứ không phải là trả giá cho những sai lầm đó.
Hiện, vẫn còn sự hiểu lầm rằng chỉ những hành vi như xích mích bạo lực thân thể như đánh, đấm, tát để lại vết thương trên cơ thể hoặc la mắng, chửi rủa nhau mới được coi là bạo lực. Thực chất, khi trẻ kêu gọi tẩy chay bạn bè, hùa nhau nói xấu bạn trên mạng xã hội, lan truyền thông tin sai lệch, và lặp lại những hành vi tương tự trong một khoảng thời gian dài, tức là trẻ đang thực hiện hành vi bạo lực.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bạo lực có thể hiểu là việc cố ý sử dụng vũ lực hoặc quyền lực, bị đe dọa hoặc thực tế, chống lại người khác hoặc chống lại một nhóm hoặc cộng đồng. Những hành vi đó dẫn đến hoặc có khả năng cao dẫn đến thương tích, tử vong, tổn thương tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát triển của họ hoặc gây ra các ảnh hưởng khác.
Vì vậy, ở độ tuổi này, cha mẹ cần theo dõi và xem xét con có những biểu hiện “bè phái” gây tâm lý đến bạn bè hoặc anh chị em trong nhà hay không. Từ đó mới có biện pháp can thiệp sớm.
Còn đối với trẻ trên 8 tuổi có hành động bạo lực, hãy tìm hiểu xem lí do đằng sau việc đó là gì, điều gì khiến bé nổi giận. “Quá trình giải quyết vấn đề có thể bao gồm cả hệ quả. Ví dụ như nếu một đứa trẻ tức giận làm hỏng thứ gì đó, bé cần làm việc để trả tiền cho thứ đó hoặc tập trung vào giảng giải cho bé, chứ không phải là trừng phạt. Nếu bạn cảm thấy con mình có những hành vi bạo lực quá mạnh mẽ, hãy hỏi lời khuyên của các chuyên gia”, bà Thủy đưa ra lời khuyên.
Nếu những hành vi bạo lực ở trẻ bị phớt lờ và không được xử trí kịp thời, nó có thể dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng khi trẻ trưởng thành, bao gồm cả một số căn bệnh về tâm lý.
Theo cô Nguyễn Thùy Dương, Trường Tiểu học Đại Yên (Hà Nội), nhiều trẻ có hành vi bạo lực từ khi còn nhỏ tuổi. Điều này dễ dàng nhận ra vì trẻ nhỏ thường thể hiện qua việc đánh nhau, lao vào cào cấu bạn hoặc dễ dàng tức giận mà làm tổn thương người khác. Vì thế, chỉ cần quan tâm, chú ý đến trẻ, cha mẹ sẽ có cách để giúp con kiểm soát được cảm xúc. Nếu được ngăn chặn sớm, trẻ sẽ trưởng thành và sống vui vẻ, hạnh phúc hơn.