Dạy con là một nhiệm vụ quan trọng của từng gia đình. Ai cũng muốn con cái của mình ngoan ngoãn, học giỏi, trở thành người có ích cho xã hội. Nếu trẻ con tiếp thu những hình ảnh tiêu cực trong cuộc sống như các hành vi bạo lực gia đình, bạo lực xã hội hay xem truyện tranh, phim ảnh có nội dung bạo lực…nếu không được định hướng, giáo dục kịp thời thì sẽ dễ dàng ăn sâu vào tiềm thức của các em, nó sẽ ám ảnh và ít nhiều hình thành nên tính cách bạo lực đối với trẻ em.
Không ít gia đình dạy con bằng hình thức bạo lực như dùng roi vọt khi các em làm sai hoặc không nghe lời cha mẹ, những đòn roi nặng hay nhẹ tùy thuộc vào mức độ sai phạm của các em; hoặc có trường hợp cha mẹ chửi mắng những câu nói thậm tệ, xúc phạm các em khi các em có lỗi…mà không cho các em có ý kiến, giải thích nguyên nhân vì sao không nghe lời người lớn, dẫn đến các em ấm ức trong lòng, khó giãi bày, tích tụ lâu dài làm cho các em cộc tính, khó hiểu và nguy hại hơn có thể các em tìm đến nhưng trò chơi nguy hại, theo bạn bè xấu vì chán nãn gia đình hoặc dùng bạo lực để giải tỏa nỗi uất ức trong lòng.
Nhiều gia đình thường xuyên xảy ra các hành vi bạo lực như cha mẹ ngược đãi ông bà, chồng bạo lực với vợ và ngược lại, đôi khi con cái cũng là nạn nhân của cha mẹ, phải nhận những đòn roi từ trên trời rơi xuống mà không phải lỗi của các em như cha mẹ giận nhau lấy con ra đánh để hả giận hoặc buồn bực chuyện gì cũng dùng con để giải tỏa, tuy hành vi này không nhiều nhưng nó vẫn hiện hữu và xảy ra ở nhiều gia đình – đây là những hành vi cực kỳ nguy hiểm sẽ dẫn đến nhận thức lệch lạc của các em.
Việc giáo dục con cái ở gia đình Việt Nam khác hoàn toàn với gia đình ở các nước phương Tây, đó là tạo tính năng tự lập cho trẻ. Gia đình ở các nước phương Tây thường cho các con tự lập từ khi còn rất nhỏ, tự nhận trách nhiệm khi trẻ con xảy ra sai phạm và quan trọng nhất là buộc các em phải nhận thức rạch ròi giữa cái đúng và cái sai để định hướng nhận thức cho các em...
Đối với gia đình người Việt Nam thì việc giáo dục con theo cách riêng, nhưng cái riêng ấy vô tình làm cho con cái khó hoàn chỉnh kỹ năng sống vì các em phải phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ, việc gì cũng phải răm rắp nghe lời cha mẹ, “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”, con cãi lời cha mẹ là con hư, không cần biết con cãi lại cha mẹ là đúng hay sai trong khi đó, hành vi cha mẹ chưa chắc đúng hoặc chuẩn mực.
Thời gian qua, tình trạng học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng cách đánh nhau; giáo viên bạo hành học sinh, cha mẹ ngược đãi, hành hạ con cái…đã và đang diễn ra ngày càng phổ biến, đây là những hành vi đáng lên án của xã hội.
Một khi các em được đối xử bằng bạo lực, thì khi trưởng thành sẽ có hành vi bạo lực với chính người thân và xã hội. Chính vì vậy, mỗi gia đình cần có cách giáo dục riêng để con em mình trưởng thành, điều quan trọng là cha mẹ cần phải làm gương cho con cái, tạo cho con cái có ý thức tự lập, tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Đặc biệt, không nên dạy dỗ con cái bằng phương pháp bạo lực hoặc để các em tiếp xúc với bạo lực mà không có định hướng cho các em về nhận thức. Nếu không, khi các em được đối xử bằng bạo lực, hoặc sống trong môi trường bạo lực nhất định sẽ dung dưỡng, hình thành tính cách bạo lực về sau.