5 bước xử lý khi có hành vi bạo lực học đường

GD&TĐ - Xử lý khi có hành động bạo lực học đường trong trường học không hề đơn giản. Nếu không có cách giải quyết khéo léo, hậu quả nghiêm trọng hơn có thể xảy ra.

5 bước xử lý khi có hành vi bạo lực học đường

Dưới đây là chia sẻ “5 bước” của thầy Nguyễn Văn Luân (Trường THPT Lê Quý Đôn - Hưng Yên) đã chứng minh được tác dụng tích cực khi xử lý hành vi bạo lực học đường.

Bước 1

Khi phát hiện hoặc có nguồn tin từ học sinh báo lên, việc đầu tiên là phải xác minh và mời tất cả học sinh có liên quan để điều tra làm rõ nguyên nhân.

Người phụ trách phải tách riêng từng học sinh, cho các em viết tường trình. Trong quá trình viết đó sẽ thực hiện xâu chuỗi lại sự việc. Nếu phát hiện có sự dối trá, bao che, sẽ tiếp tục làm việc với từng em để các em tường trình lại cho đúng (Thông thường, khi viết tường trình, em nào cũng muốn khai những cái sai của đối phương, nói cái đúng của mình và bao che cái sai của mình đã gây ra).

Nếu không có được điểm chung thống nhất giữa các học sinh, học sinh khai không đúng thì phải cho viết lại đến khi đúng mới thôi.

Bước 2

Sau khi đã có được điểm chung, tiếp tục mời các học sinh liên quan trực tiếp để phân tích, tìm ra cái sai, cái đúng, cái lợi, cái hại trong việc làm của các em. Sau đó cho học sinh nhận xét rút kinh nghiệm và ký cam kết bảo lãnh cho nhau từ đó về sau.

Bước 3

Cho học sinh tường trình lại vụ việc để kể từng giai đoạn, diễn biến, nguyên nhân của sự mâu thuẫn.

Trong lúc này, có thể sẽ xuất hiện nhiều tình tiết mới, chúng ta phải tôn trọng các em, không nên thiên vị hay đàn áp các em vì rất dễ dẫn đến xung đột thậm chí đánh nhau trong lúc ta đang xử lí đối với những em có cá tính mạnh, bất đồng…

Tường trình xong, khi đã thống nhất tình tiết của sự mâu thuẫn, cho từng em nhận xét về hành vi và khuyết điểm của mình trước các bạn.

Việc làm này nhằm để từng học sinh thấy được cái sai của mình, cái đúng của bạn để rút kinh nghiệm. Sau đó, giáo viên chốt lại cái sai, cái đúng, sai mức độ nào, tự nhận hình thức kỷ luật ra sao rồi yêu cầu học sinh ký cam kết bảo lãnh cho nhau, bắt tay giải hòa.

Để tránh trường hợp ra khỏi trường học sinh lại bị bạn bè tấn công, nhà trường nên cho các em về một lượt, để khi có việc xảy ra các em can ngăn và báo nhà trường đã giải quyết rồi.

Bước 4

Sau khi học sinh đã bắt tay giải hòa, giáo viên yêu cầu viết một bản tự kiểm điểm gửi giáo viên chủ nhiệm (nếu giáo viên chủ nhiệm không có mặt tại trường) và thông qua giáo viên chủ nhiệm mời phụ huynh học sinh lên cùng một ngày để hòa giải.

Khi mời phụ huynh học sinh lên, giáo viên cần là trung gian hòa giải. Với những mâu thuẫn không thể giải quyết, phải nhờ đến công an thị trấn, công an huyện vào cuộc, cùng làm việc và giao cho địa phương quản lí.

Bước 5

Ra hội đồng kỷ luật, sau khi nghe tường trình lại vụ việc song, các thành viên tiếp tục phân tích cái đúng, cái sai, sau đó, hội đồng ra mức kỷ luật đối với từng em một.

Lưu ý: Tùy vào mức độ của các hành vi và sự thống nhất của gia đình và sự thành khẩn nhận lỗi mà đề nghị hay không đề nghị đưa ra hội đồng kỷ luật và hình thức kỷ luật. Trong khi xử lý, cần đặt công tác giáo dục và hoàn thiện nhân cách cho học sinh lên hàng đầu.

Với cách làm trên, thầy Luân cho biết, số học sinh vi phạm nội qui giảm đi rất nhiều vì các mâu thuẫn đã được giải quyết một cách triệt để.

Tuy nhiên, thầy Luân cũng cho rằng, các trường nên thành lập đội chuyên trách ứng phó với bạo lực học đường, bao gồm đại diện Ban giám hiệu, giám thị, bảo vệ, chuyên viên tư vấn tâm lý học đường (nếu có), giáo viên giàu kinh nghiệm, bí thư đoàn trường. Không nên chờ có bạo lực diễn ra mới thành lập.

Đội ngũ này sẽ tiếp cận các em có nguy cơ sử dụng bạo lực (học sinh chưa ngoan, thường gây gổ...), tìm hiểu nguyên nhân, tư vấn hỗ trợ, nếu chủ động tiếp cận học sinh, có thể giúp ích rất nhiều.

Một điều vô cùng quan trọng là đừng quên phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục học sinh. Nhà trường phải thông báo với phụ huynh về những dấu hiệu bất ổn về cảm xúc lẫn hành vi có thể dẫn đến nguy cơ dùng bạo lực hoặc bị tấn công bằng bạo lực (bị trả thù, bắt nạt) của học sinh để gia đình cùng hỗ trợ can thiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ