Văn học là món ăn tinh thần của con người, ta không chỉ dùng lí trí để nhận mà còn phải thấu cảm bằng cả trái tim, tâm hồn. Vì thế, người dạy không thể xem học sinh giống như chiếc bình để đổ đầy kiến thức mà phải thấy được rằng các em chính là ngọn đuốc cần được thắp sáng.
Người dạy thông qua việc phát huy năng lực giao tiếp trong tiết Nói và nghe sẽ đánh thức khát vọng để có thể đi đến giá trị cuối cùng của văn chương là hướng con người đến chân - thiện - mỹ.
Sự khác biệt của chương trình mới
Phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo ở học sinh; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh... các định hướng này có liên quan chặt chẽ với nhau.
Trong đó, định hướng đầu tiên là căn bản và chính điều đó không phân biệt đối tượng học sinh, để học sinh có thể lĩnh hội được kiến thức một cách tốt nhất, cần hướng học sinh vào những hoạt động tích cực, nghĩa là học sinh phải trực tiếp tìm kiếm, khám phá vấn đề để phát huy năng lực giao tiếp của mình.
Mỗi vấn đề được làm sáng tỏ sẽ mở những cánh cửa mới về sáng tạo, tự tin và chỉn chu hơn trong bài nói và cả lắng nghe cũng phát huy được khả năng giao tiếp. Hoạt động này đã lấy học sinh làm trung tâm coi hoạt động của học sinh là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong việc dạy và học để tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất.
Trong chương trình Ngữ văn 10, học sinh được tiếp cận các văn bản theo thể loại rất phong phú, điều này khơi gợi được nhiều hứng thú cho giáo viên và học sinh trong hoạt động dạy cũng như hoạt động học. Và tài liệu về các thể loại khá dễ tìm đối với cả giáo viên và học sinh.
Hơn nữa, chương trình được xây dựng theo hướng mở; không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp. Quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về văn học, tiếng Việt và một số văn bản quan trọng của văn học dân tộc là nội dung thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc.
Môn Ngữ văn hướng tới cho học sinh cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, biết đồng cảm, sẻ chia, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; bồi dưỡng cho học sinh tình yêu đối với tiếng Việt và văn học, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá.
Ngoài các năng lực chung, chương trình môn Ngữ văn 10 theo chương trình đổi mới đã tập trung giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp và năng lực thẩm mỹ; cung cấp hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về văn học và tiếng Việt để góp phần phát triển vốn học vấn căn bản của một người có văn hoá; hình thành và phát triển con người nhân văn, biết tiếp nhận, cảm thụ, thưởng thức, đánh giá các sản phẩm ngôn từ và các giá trị cao đẹp trong cuộc sống.
Điểm khác biệt nhất so với các chương trình trước đây là chương trình Ngữ văn lần này được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học để lựa chọn nội dung dạy học. Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào bốn kỹ năng lớn: Đọc, Viết, Nói và Nghe. Đọc bao gồm yêu cầu đọc đúng và đọc hiểu.
Yêu cầu về đọc hiểu bao gồm các yêu cầu hiểu văn bản (trong đó có cả đọc thẩm mỹ, cảm thụ, thưởng thức và đánh giá) và hiểu chính mình (người đọc). Viết không chỉ yêu cầu học sinh biết viết chữ, viết câu, viết đoạn mà còn tạo ra được các kiểu loại văn bản, trước hết là các kiểu loại văn bản thông dụng, sau đó là một số kiểu loại văn bản phức tạp hơn.
Đặc biệt, nói và nghe căn cứ vào nội dung của đọc và viết để luyện tập cho học sinh trình bày, nói và nghe tự tin, có hiệu quả; từ nói đúng đến nói hay, từ bài học đến thực tiễn.
Khuyến khích học sinh trao đổi và tranh luận, giáo viên cần khơi gợi, vận dụng kinh nghiệm và vốn hiểu biết đã có của học sinh về vấn đề đang học, từ đó tổ chức cho các em tìm hiểu, khám phá để tự mình bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện những hiểu biết ấy. Cần khuyến khích học sinh trao đổi và tranh luận, đặt câu hỏi cho mình và cho người khác khi đọc, viết, nói và nghe.
Bên cạnh việc phát huy tính tích cực của người học, giáo viên cần chú ý tính chuẩn mực của người thầy cả trong tri thức và kỹ năng sư phạm. Chú ý yêu cầu dạy học tích hợp (tích hợp nội môn, liên môn, xuyên môn) và yêu cầu dạy học phân hóa.
Đa dạng hoá các phương pháp, hình thức tổ chức và phương tiện dạy học; tránh máy móc rập khuôn, không tuyệt đối hoá một phương pháp trong dạy đọc, viết hay nói và nghe khi biết vận dụng các phương pháp linh hoạt, phù hợp; mở rộng không gian dạy học và các hình thức học tập.
Thí sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024. Ảnh minh họa: INT |
Nâng cao năng lực người học
Thông qua giảng dạy bộ môn mình phụ trách, người viết muốn đưa ra một số giải pháp mà bản thân đã thực hiện ở Trường Quốc học Quy Nhơn đã đem lại hiệu quả cao: Phương pháp dùng tư duy phản biện để rèn luyện năng lực giao tiếp cho học sinh qua tiết dạy Nói, nghe; Phát huy khả năng giao tiếp bằng cách đưa ra các thông số đánh giá học sinh;
Tận dụng hiệu quả của giao tiếp phi ngôn ngữ để phát huy khả năng giao tiếp; Phát huy năng lực giao tiếp bằng kĩ năng lắng nghe và cảm nhận của học sinh được tạo ra từ video trong tiết Nói và nghe. Từ đó, giúp các em trở nên bản lĩnh, sẵn sàng đối mặt với những ý kiến trái chiều và mạnh dạn bảo vệ quan niệm riêng của cá nhân.
Vì vậy, đổi mới phương pháp dạy học đang đặt ra xuất phát từ thực tiễn giáo dục cũng như thực tiễn môn dạy Ngữ văn. Tính mới luôn tạo ra sự hấp dẫn, phát triển khả năng đồng sáng tạo của học sinh nhưng cũng không nên phủ nhận sự hỗ trợ của cách dạy truyền thống.
Một trong những xu hướng cơ bản của đổi mới dạy học là việc nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp và phát triển năng lực của học sinh. Đặc biệt là những bài học mang tính thực tiễn cần áp dụng vào cuộc sống đó là phát huy khả năng giao tiếp trong tiết Nói và nghe là một điều hết sức cần thiết.
Có một định lý trong giáo dục học tâm lý là: Tâm trạng của học sinh khi học ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiếp thu và kết quả học tập. Trạng thái tâm lý thuận lợi cho việc học cần: Thoải mái, vui vẻ, phấn khích, tập trung.
Học mà vui thích, tập trung, hăng say như đang chơi một trò chơi thì học sẽ tiếp thu một cách hiệu quả. Ngược lại, nếu rơi vào một trong các trạng thái chán thì khó tiếp thu kiến thức để đi đến một kết quả tốt được. Hoạt động xây dựng trong tiết Nói và nghe hay sẽ dẫn dắt học sinh đến kết quả như mong muốn.
Thông thường, con người chỉ nhớ: 10% những gì họ ĐỌC; 20% những gì họ NGHE; 30% những gì họ NGHE và THẤY; 80% những gì họ NÓI; 90% những gì họ NÓI VÀ LÀM, tức là khi họ tự khám phá. Vì vậy, nếu người thầy tạo được cảm xúc, sự ham thích từ phát huy khả năng giao tiếp trong nói và nghe thì động cơ và thay đổi của học sinh sẽ được kích thích và thúc đẩy, điều đó giúp học sinh nắm sâu bài học và phát huy được khả năng giao tiếp như mong đợi.
Đổi mới phương pháp dạy học là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong nền giáo dục của mỗi quốc gia. Để học sinh hứng thú với nội dung học tập, giáo viên cần tích cực đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp nền giáo dục trong nước cũng như thế giới.
Theo yêu cầu này, qua từng tiết dạy, chúng tôi luôn muốn lồng ghép các kỹ năng sống vào trong từng tiết dạy Nói và nghe trong chương trình đổi mới sách của Bộ GD&ĐT, phát huy những tính năng cần thiết khi tiếp nhận những mong muốn của người viết sách và trên nhất là rèn được khả năng giao tiếp cho học sinh. Học sinh nắm bắt những tri thức Ngữ văn có hệ thống và chắc chắn hơn, có tư duy phản biện tốt hơn, năng lực giao tiếp phát triển…
Việc Phát huy năng lực giao tiếp cho học sinh qua tiết dạy Nói và nghe Ngữ văn 10 (Sách Cánh Diều) không chỉ đưa nội dung kiến thức đến với người học một cách tích cực, sáng tạo, hứng thú nhất mà còn góp phần đa dạng hóa hình thức dạy học, nâng cao hiệu quả dạy học chương trình Ngữ văn lớp 10 THPT, đồng thời hướng đến sự phát triển năng lực học sinh một cách toàn diện.
Để thực hiện tốt những tiết dạy, đòi hỏi khả năng người đứng lớp phải có tâm, có lòng nhiệt huyết, luôn quan tâm đến những vấn đề, phương pháp mới, bản thân người dạy phải luôn trau dồi kiến thức văn học, tâm lý học, vốn sống và kỹ năng về công nghệ thông tin…
Học sinh phải biết lắng nghe trước một vấn đề triển khai. Nhưng hội tụ tất cả các yếu tố đó cũng giải quyết một phần thực trạng của vấn đề. Vì vậy, để tiết dạy cụ thể thật sự mang tính hiệu quả cao và có tính thực tiễn thì giáo viên phải dám đổi mới ngay trong cách dạy trên lớp và cách dạy mới để phát triển năng lực của học sinh qua việc phát huy năng lực giao tiếp cho học sinh trong những tiết Nói và nghe, người dạy phải đầu tư kiến thức cũng như bồi dưỡng, trau dồi nhiều phương pháp... thì mới có thể phát huy hết khả năng và kĩ năng của học sinh.
Phát huy khả năng giao tiếp trong tiết dạy Nói và nghe thực chất là giáo viên tạo cho học sinh một tư thế vững vàng, một xúc cảm, hứng thú và trên hết là sự đam mê, tự tin khi tiếp cận vấn đề cụ thể vì văn học luôn gắn với cái đẹp: Không ở đâu phong phú như trong văn học, nó là cuộc sống hôm qua, hôm nay và cả mai sau.
Muốn vậy, giáo viên vừa phải căn cứ vào mỗi bài dạy để tạo ra hình thức dạy phù hợp. Vai trò của người dạy phải luôn tạo tâm thế cho học sinh vì chính tâm thế của học sinh trong giờ dạy cũng liên quan đến cảm xúc của người cầm phấn. Làm sao sống với giờ dạy để tạo nên hiệu quả thông qua phát triển năng khiếu của các em không phải là điều giản đơn.
Thầy cô phải giống như người đưa đường, mở cửa, phải biết dẫn các em hòa vào cái đẹp để thấy được cả những điều các em chưa làm được, đó là tác dụng mang tính nhân văn của văn học, như ai đó đã từng viết:
“Giờ văn nụ cười, nước mắt
Nghẹn ngào, thanh thản đan xen.
Thầy đau nỗi đau dâu bể
Trò day dứt cùng thế nhân”.
Và cũng là mong muốn lớn nhất của người dạy, làm sao những phần phát huy khả năng giao tiếp sẽ mở ra tri thức, chạm đến trái tim người giảng dạy cũng như học sinh.
Dạy nói và nghe không chỉ phát triển kĩ năng nói và nghe mà còn rèn giũa phẩm chất, thái độ, tình cảm, lối sống có văn hóa cho học sinh từ đó tạo nên những thói quen trong giao tiếp và ứng xử. Phương pháp dạy học là một trong những yếu tố hàng đầu có ý nghĩa then chốt đến việc nâng cao chất lượng bộ môn nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung.