Những lưu ý khi ôn thi môn Ngữ văn vào lớp 10 trong giai đoạn "nước rút"

GD&TĐ - Chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, hơn 100 nghìn thí sinh tại Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2022. Với môn Ngữ văn, các em cần có lộ trình ôn tập cụ thể để tích lũy đủ kiến thức, kỹ năng trước khi thi.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2022 tại Hà Nội dự kiến được tổ chức từ ngày 10 đến 20/6.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2022 tại Hà Nội dự kiến được tổ chức từ ngày 10 đến 20/6.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 tại Hà Nội dự kiến được tổ chức từ ngày 10 đến 20/6. Thí sinh sẽ làm ba bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. 

Kỳ thi này có tính cạnh tranh rất cao. Để ôn tập tốt môn Ngữ Văn hiệu quả, ThS Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) đã đưa ra một số lưu ý để các em nắm được và có sự chuẩn bị cần thiết.

Theo đó, đối với phân môn Tiếng Việt, các em phải thành thạo các vấn đề về phương thức biểu đạt của văn bản,  phương châm giao tiếp. Cách xác định chủ ngữ - vị ngữ của các kiểu câu. Nắm chắc biện pháp tu từ và tác dụng của các biện pháp tu từ. Phải nắm chắc cách sử dụng chính tả, chữ viết, viết câu, tạo lập văn bản theo đúng ngữ pháp. Đặc biệt là phải nắm chắc các phương tiện liên kết câu trong văn bản.

Tiếp đến là vấn đề nghị luận văn học, thí sinh phải nắm vững kiến thức về tác giả như năm sinh, năm mất, quê quán, phong cách sáng tác… Hiểu được xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm. Nắm kỹ bố cục và nội dung từng phần của tác phẩm. Với tác phẩm thơ phải thuộc. Với tác phẩm văn xuôi phải học thuộc tóm tắt cốt truyện, nhớ kỹ các nhân vật. Nắm chắc chủ đề nội dung tư tưởng của tác phẩm văn học.

ThS Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B.
ThS Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B.

Đối với phần Tập làm văn, học sinh cần nắm chắc kiến thức về câu chủ đề; kỹ năng viết đoạn văn diễn dịch, quy nạp và tổng phân hợp. Khi làm bài phải đọc kỹ yêu cầu của đề bài để viết đoạn văn và số câu trong đoạn cùng các yêu cầu khác cho đúng. Chú ý đoạn văn không được lạc đề, không được quá số câu quy định. Chữ viết phải sạch đẹp, sử dụng chính tả, ngữ pháp đúng quy định, có cách diễn đạt lưu loát và sáng tạo thì điểm sẽ rất cao. 

Theo một giáo viên dạy Ngữ văn lớp 9 tại quận Nam Từ Liêm, thời điểm này, học sinh nên dành thời gian để hệ thống hóa lại kiến thức, gia tăng cường độ làm bài tập để trau dồi kiến thức và kỹ năng làm bài thi, nhất là các bài tập gắn với chuyên đề, chủ điểm kiến thức.

Mặt khác, các em nên luyện đề ngay từ bây giờ bằng những đề thi chất lượng, bám sát với cấu trúc đề của những năm trước để từ đó xác định năng lực của bản thân đang ở mức nào. Nếu có điểm yếu, lỗ hổng kiến thức phải kịp thời bù đắp, có kế hoạch học và ôn tập phù hợp trong từng tuần, từng tháng từ nay cho đến khi thi.

"Kỳ thi vào lớp 10 vốn vô cùng căng thẳng, nhưng thí sinh đừng biến nó thành áp lực mà hãy lấy đó làm động lực để ôn thi tốt. Hãy luôn bình tâm và tự tin vào bản thân nếu như chúng ta xây dựng được cho mình một lộ trình học - ôn toàn diện để trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng làm bài thi" - thầy giáo này chia sẻ thêm.

"Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần đồng hành cùng con, tìm hiểu về thông tin kỳ thi, hỏi thăm tình hình học tập của con qua giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để nắm bắt vấn đề và kịp thời hỗ trợ, tư vấn. Đặc biệt, không vì sự kỳ vọng quá lớn mà gây thêm áp lực cho con, không bắt ép con học thêm tràn lan mà hãy động viên, định hướng, đôn đốc con học theo kế hoạch và mục tiêu cụ thể" - cô Nguyễn Hằng Nga nói.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ