'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.
Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

Nhà giáo Nhân dân Đỗ Thị Hồi, là nhân vật trong tác phẩm “Nhà giáo Nhân dân Đỗ Thị Hồi - 32 năm tận tâm cống hiến nơi vùng khó” của Đài PTTH Vĩnh Long tham gia Giải Báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2024.

Dành cả thanh xuân cho giáo dục vùng khó

Năm 2024, trong số 21 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, có một giáo viên dạy tiểu học, không có học hàm học vị. Đó là cô Đỗ Thị Hồi, giáo viên Trường Tiểu học Lạc Hòa 1, xã Lạc Hoà, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề giáo, cô Đỗ Thị Hồi cho biết: Năm 1992, cô tốt nghiệp Trung học Sư phạm Sóc Trăng khi vừa tròn 19 tuổi, cô nhận quyết định về công tác tại Trường Tiểu học Lạc Hòa 1. Thời điểm đó, Lạc Hòa là vùng đặc biệt khó khăn của huyện Vĩnh Châu, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer và dân tộc Hoa. Đời sống kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn nên việc học của học sinh cũng bị ảnh hưởng.

Trường cách thị trấn (nay là thị xã) 15 cây số, việc đi lại vô cùng khó khăn, mùa khô thì bụi, mùa mưa thì trơn trượt. Nhiều bữa đến trường cô giáo trẻ ướt sũng, sình bùn dính bẩn hết quần áo. “Nhớ nhất là khoảng sân trường đầy cỏ dại, 5 phòng học được coi là khang trang nhất vì bên dưới xây gạch cao khoảng 1 mét, phần trên được che bằng những tấm tôn; còn lại là phòng cây lá tạm. Học sinh đến lớp với những bộ quần áo nhàu nát, rách nhiều chỗ, nhiều em đi chân đất, thiếu sách vở, dụng cụ học tập”, cô Hồi nhớ lại.

co-do-thi-hoi-3.jpg
Cô Đỗ Thị Hồi.

Thời điểm đó, giáo viên không có chỗ ở nên được trường bố trí ở trong nhà dân, về sau mới có khu tập thể. “Lúc đó tôi còn trẻ, hoài bão lớn lắm! Bước vào cuộc sống của nhà giáo ở nơi xa này, đối diện với nhiều khó khăn, thiếu thốn nên ban đầu cũng có lúc tâm tư lắm. Nhưng về sau thấy các em chịu thiệt thòi quá nhiều, cả về điều kiện kinh tế và học tập, nên tôi nghĩ mình bỏ cuộc thì các em sẽ ra sao? Từ đó, tôi tự nhủ với lòng mình là phải vượt qua tất cả, phải làm được điều gì đó cho học sinh. Cứ vậy mà tôi đã ở lại với vùng đất Lạc Hòa này từ đó cho đến nay”, cô Hồi tâm sự.

Bằng niềm thương cảm và trách nhiệm của một nhà giáo, cô Hồi tự nhủ bản thân phải làm việc nhiều hơn để giúp đỡ học sinh giảm bớt những thiệt thòi. Không quản ngại khó khăn, cô luôn say mê với công việc, tìm ra những phương pháp phù hợp với đối tượng học sinh, giúp các em tự tin trong học tập. Cô chú trọng phân hóa đối tượng ngay trong từng giờ giảng, đặc biệt quan tâm đến những học sinh khó khăn về học tập.

Ngoài giờ dạy chính khóa trên lớp, cô Hồi thường ở lại mỗi ngày khoảng 30 đến 45 phút kèm thêm cho những học sinh còn hạn chế môn học. Những em phải giúp mẹ làm việc nhà, không thể đến lớp đầy đủ, cô tìm đến tận nhà để giúp đỡ các em ôn lại kiến thức. Bên cạnh việc vận động hỗ trợ cho học sinh nghèo của lớp mình, cô còn làm tốt công tác vận động mạnh thường quân hỗ trợ mua sắm thiết bị cho hoạt động của trường như tivi, quạt máy. Với những học sinh không có ai đưa đón đi học, nhất là những ngày học 2 buổi, cô cho các em ở lại trong nhà mình vào buổi trưa để tiện cho việc học, giúp phụ huynh yên tâm làm việc. Với cách làm này, lớp do cô chủ nhiệm không có học sinh nào phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn.

“Thấy các em phải nghỉ học vì cha mẹ bận mưu sinh không đưa đón được, tôi nói với phụ huynh rằng nếu phụ huynh không có điều kiện chăm sóc con thì gửi lại chỗ tôi để tôi chăm sóc, đưa đón các em đi học hàng ngày, chứ đừng bắt các em nghỉ học. Thấy các em nghỉ học như thế, tôi xót xa lắm. Mình chịu cực một chút nhưng để các em được đến trường là tôi vui rồi”.

co-do-thi-hoi-2.jpg
Cô Đỗ Thị Hồi cùng các em học sinh.

Tận tâm vì học trò

Ngoài công tác giảng dạy, cô Hồi còn tham gia viết sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 10 sáng kiến được công nhận cấp cơ sở, 3 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh. Nhiều sáng kiến, đề tài được ứng dụng trong thực tiễn. Cô còn tích cực bồi dưỡng rèn luyện thêm các em về năng khiếu như tham gia Hội thi viết chữ đẹp các cấp, tham gia ngày Hội Hoa phượng đỏ cấp thị xã, tham gia cuộc thi thanh thiếu niên sáng tạo…

Bên cạnh đó, cô cũng đã tự vận động và tự mở 1 lớp với 13 học viên; ấp, xã vận động 2 lớp với 27 học viên vào buổi tối để xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho người dân địa phương. Có những học viên ngại không đến lớp, cô sẵn sàng đến tận nhà để dạy học.

Để động viên các em học sinh, cô Hồi đã trích ra từ đồng lương ít ỏi của mình mua tặng học trò những cuốn tập, cây viết, tranh thủ vận động những nhà hảo tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần giúp các em tiếp bước đến trường. Trong 5 năm qua, cô đã hỗ trợ và kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ quỹ “Vì học sinh nghèo”, quỹ “Khuyến học” 13 suất học bổng, 3 chiếc xe đạp, 1.000 cuốn tập, 150 đôi dép, 60 chiếc cặp cùng với 1,7 tấn gạo, 150 bộ quần áo, 10 bộ sách giáo khoa mới, 100 thùng nước lọc và nhiều bộ quần áo, sách giáo khoa đã qua sử dụng…

Tính đến nay, cô Hồi đã nhiều lần được công nhận giáo viên giỏi, giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thị xã, cấp tỉnh; đạt giải cao trong thi thiết kế đồ dùng dạy học; liên tục nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; nhận nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Đoàn THCS Hồ Chí Minh, Công đoàn giáo dục Việt Nam, UBND tỉnh Sóc Trăng; được nhận giải thưởng “Viên phấn Vàng”, giải thưởng “Võ Trường Toản”...

Năm 2017, cô Đỗ Thị Hồi được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; năm 2018 được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2022 cô được vinh danh là 1 trong 400 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam… Cô Đỗ Thị Hồi là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.