Họp báo tổng kết Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2024

GD&TĐ - Sáng 14/11, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo tổng kết Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.

Họp báo tổng kết Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2024

Dự buổi họp báo có bà Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Chung khảo; ông Phạm Tiến Toàn, Phó Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Giải; ông Jason MacVaugh, Giám đốc Phụ trách Đào tạo kiêm Trưởng khoa, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam -BUV; ông Trần Văn Đạt – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV, Bộ GD&ĐT; bà Lê Thị Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT; ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT; ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; ông Nguyễn Anh Vũ Tổng Biên tập Báo Văn Hóa; ông Lê Thanh Kim – Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân; bà Đỗ Thị Thu Hiên – Phó Tổng biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

hop-bao-1.jpg
hop-bao-2.jpg
Quang cảnh buổi họp báo.

59 tác phẩm xuất sắc được trao Giải Báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2024

Phát biểu tại họp báo, nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Giải cho biết: Năm 2024, Giải Báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam nhận được hơn 800 tác phẩm dự thi. Loại hình báo điện tử nhận được nhiều tác phẩm dự thi nhất; sau đó lần lượt là loại hình báo in, truyền hình và phát thanh.

Với loại hình báo điện tử, chất lượng khá đồng đều, có nhiều loạt bài công phu. Bài dự thi được trình bày hiện đại, phong phú dưới dạng Mega Story, Emagazine, Longform với đầy đủ các loại hình: text, ảnh, video, đồ họa.

tbt.jpg
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Giải thông tin tại Họp báo.

Đặc biệt, năm nay có sự xuất hiện của một số bài Podcast mang đến yếu tố mới lạ. Các tác phẩm có tính phát hiện, tính thực tiễn; đề cập đến các vấn đề về chế độ, chính sách cho nhà giáo, học phí, thu - chi trong trường học; gương người tốt, việc tốt; hợp tác quốc tế trong giáo dục; an toàn trường học; giữ gìn ngôn ngữ dân tộc; nhóm đề tài về sự hỗ trợ của cộng đồng, cách làm giúp học sinh khó khăn, giáo dục học sinh khuyết tật…

Loại hình báo In, các vấn đề giáo dục được phản ánh rất phong phú; trong đó nổi bật liên quan đến thực hiện quy chế dân chủ trong trường học, phân luồng học sinh, hướng nghiệp, dạy học tích hợp, tâm lý học đường, gương người tốt việc tốt…

Nhiều tác phẩm phản biện chính sách, phân tích chuyên sâu để phản ánh những chủ điểm của ngành Giáo dục trong quá trình triển khai đổi mới căn bản, toàn diện. Một điểm đáng chú ý là năm nay số cơ quan báo chí địa phương có tác phẩm dự thi loại hình báo in phong phú hơn, trải dài từ Bắc đến Nam, như Báo Lào Cai, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, v.v…

hop-bao-7.jpg

Loại hình Phát thanh - Truyền hình cũng gia tăng số lượng, chất lượng tác phẩm dự thi. Nhiều địa phương vùng khó, xa xôi như Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Cà Mau... gửi tác phẩm dự thi, thể hiện sức lan tỏa ngày càng rộng rãi của Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam.

Về nội dung, các tác phẩm dự thi loại hình phát thanh, truyền hình đề cập đến những chủ trương lớn, như đổi mới chương trình, sách giáo khoa; biên chế giáo viên, thiếu giáo viên; chuyển đổi số; đào tạo tiến sĩ; đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116; văn hóa ứng xử học đường... Về hình thức, các tác phẩm dự thi được đầu tư bài bản, công phu, có sự sáng tạo trong cách thể hiện khiến cho tác phẩm dễ xem, dễ nghe hơn.

Hội đồng Sơ khảo của Giải được chia thành 3 tiểu ban: Tiểu ban Báo In, Tiểu ban Báo Điện tử, Tiểu ban Phát thanh - Truyền hình, làm việc độc lập để chấm 4 loại hình: Báo In; Báo Điện tử, Phát thanh, Truyền hình.

Sau nhiều buổi làm việc nghiêm túc, công tâm, Ban Giám khảo đã lựa chọn từ hơn 800 tác phẩm dự thi 81 tác phẩm vào chung khảo. Từ đó tiếp tục lựa chọn ra 59 tác phẩm xuất sắc nhất của 4 loại hình để trao giải; bao gồm 1 giải Đặc biệt, 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 32 giải Khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu.

Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp Giáo dục, về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục. Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.

Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, theo nhà báo Triệu Ngọc Lâm, trong 7 năm qua, Giải ngày càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm, tham gia của các cơ quan báo chí trên cả nước. Thành công của Giải cũng cho thấy vai trò quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo.

Những năm tiếp theo, Giải mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên đến từ các cơ quan báo chí trung ương, địa phương trên cả nước. Về phía Ban tổ chức sẽ tiếp tục tìm tòi, đổi mới để Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” ngày càng có uy tín, chuyên nghiệp và có sức sống lâu dài.

Lan tỏa câu chuyện đẹp của ngành Giáo dục

Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Chung khảo nhận xét, chất lượng các tác phẩm dự thi khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo viên và bám sát vấn đề thời sự của ngành Giáo dục.

hop-bao-5.jpg
Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Chung khảo.

Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức. Các tác phẩm đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành Giáo dục; ghi nhận thực tế triển khai hoặc phản biện xã hội về những chủ trương, quyết sách của ngành; ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, người học.

Nhiều tác phẩm lan tỏa câu chuyện đẹp của ngành Giáo dục; những tấm gương người tốt, việc tốt; tấm lòng cao cả, sự cống hiến hết mình của người thầy… Trong đó có các thầy, cô giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện “gieo chữ” ở những nơi xa xôi của Tổ quốc.

Thông qua các tác phẩm báo chí, chúng ta thấy được sự dấn thân của phóng viên để những tấm gương về nhà giáo, những giá trị tốt đẹp mà giáo dục mang lại được lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

“Trong công cuộc đổi mới, ngoài thời cơ và thuận lợi, ngành Giáo dục sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Hơn bao giờ hết, chúng tôi luôn mong muốn, trân trọng sự chung tay, góp sức ủng hộ ngành Giáo dục; trong đó không thể thiếu ủng hộ, đồng hành từ các cơ quan báo chí, truyền thông” - Bà Đỗ Thị Thu Hằng bày tỏ.

Tự hào khi được đồng hành với Giải Báo chí toàn quốc vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam

Ông Jason MacVaugh, Giám đốc Phụ trách Đào tạo kiêm Trưởng khoa, Trường Đại học Anh Quốc - Việt Nam (BUV) chia sẻ: Năm 2024 đánh dấu chặng đường 7 năm BUV đồng hành cùng Giải báo chí với vai trò nhà tài trợ Kim cương.

hop-bao-6.jpg
Ông Jason MacVaugh, Giám đốc Phụ trách Đào tạo kiêm Trưởng khoa, Trường Đại học Anh Quốc - Việt Nam (BUV).

Với hơn 800 tác phẩm dự thi, Giải báo chí năm nay đã phản ánh sinh động và đa chiều bức tranh giáo dục Việt Nam. Các tác phẩm đã thể hiện tầm nhìn sâu sắc về những vấn đề then chốt của ngành, từ đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ trong giáo dục, đến những câu chuyện cảm động về các thầy cô giáo nơi vùng sâu vùng xa.

Đặc biệt, tinh thần trách nhiệm và sự sáng tạo của các nhà báo trong việc phản ánh những thách thức của ngành giáo dục trong bối cảnh mới - được đánh giá rất cao.

Theo nhận định, các tác phẩm không chỉ nêu bật vấn đề mà còn đề xuất những giải pháp thiết thực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.

Thành công của giải thưởng năm nay là minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ GD&ĐT, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Giáo dục và Thời đại cùng sự đóng góp nhiệt tình của các cơ quan báo chí trên cả nước.

"Chúng tôi vô cùng tự hào khi chứng kiến sự phát triển vượt bậc của giải thưởng, không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng các tác phẩm tham dự.

Với vai trò nhà tài trợ Kim cương, BUV cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ hết mình để giải thưởng ngày càng phát triển, xứng đáng là sân chơi chuyên nghiệp cho các nhà báo và là diễn đàn thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam", ông Jason MacVaugh nhấn mạnh.

Đề xuất mở rộng cơ cấu giải mới

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải, nhà báo Triệu Ngọc Lâm khẳng định Ban Tổ chức luôn quan tâm đến các thầy cô. Bên cạnh hỗ trợ của Ban Tổ chức, những hỗ trợ từ công tác xã hội hóa, với sự lan tỏa từ tác phẩm, các thầy cô cũng nhận được sự quan tâm thiết thực từ đông đảo các nhà hảo tâm trong cả nước.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm chia sẻ một số câu chuyện cụ thể, trong đó có trường hợp cô Trà Thị Thu, giáo viên ở điểm trường Lang Lương - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Cô là nhân vật trong tác phẩm “Lễ khai giảng xúc động trên đỉnh Ngọc Linh”, đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi “Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2020.

Sau 4 năm trở thành nhân vật truyền cảm hứng trong cuộc thi “Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, điểm trường Tắk Pổ nơi cô Trà Thị Thu công tác có nhiều thay đổi, trong đó có phần quan trọng từ sự chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp và nhà hảo tâm trên cả nước. Từ lớp học bằng phên gỗ, nơi đây được nhiều nhà hảo tâm đến thăm, hỗ trợ kinh phí để sửa sang trường lớp, mua sắm trang thiết bị hiện đại. Những đứa trẻ thiếu thốn trăm bề cũng có quần áo mới, trắng tinh tươm đến trường.

Với câu hỏi, khi chấm liệu có sự “ưu ái” hơn so với các tác phẩm dự thi đến từ các cơ quan báo chí Trung ương, nhà báo Triệu Ngọc Lâm khẳng định tiêu chí cao nhất là “công bằng” và thông tin thêm: Năm nay, chất lượng tác phẩm từ các cơ quan báo chí địa phương rất tốt, thậm chí có nhiều tác phẩm tốt hơn các cơ quan trung ương. Bằng chứng là trong giải năm 2024, nhiều tác phẩm cơ quan báo chí địa phương đoạt giải và tỷ lệ cao hơn mùa giả năm trước.

Chia sẻ về những trăn trở của các nhà báo về phát triển báo chí số, bà Đỗ Thị Thu Hằng trao đổi, Ban tổ chức đã tính đến phương án những sản phẩm báo chí được đăng tải trên các nền tảng số, chuyên trang của các cổng thông tin.

Ban tổ chức sẽ thảo luận, tính toán phương án để bổ sung một số hạng mục về cơ cấu giải để bảo đảm tối ưu, nhằm khuyến khích, ghi nhận các tác giả, tác phẩm có tính sáng tạo cao. Nhưng cái gốc vẫn phải là tác phẩm báo chí chứ không phải bài truyền thông.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội đồng Chung khảo, năm nay có khoảng 30% tác phẩm có tính phản biện. Đây là những tác phẩm kỹ, sâu, chất lượng tốt, có tính xây dựng cao.

Nhìn chung, các tác phẩm phản biện có chất lượng tốt hơn nhiều so với những mùa trước.

hop-bao-91.jpg
hop-bao-92.jpg
Các PV báo, đài đặt câu hỏi với Ban tổ chức tại cuộc họp báo.

Trả lời câu hỏi về cơ cấu giải thưởng của giải có sự thay đổi ra sao so với các năm trước, bà Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho hay, hội đồng giám khảo làm việc khá căng thẳng vì cơ cấu giải không thay đổi mà chất lượng nhiều tác phẩm lại tương đương nhau, phải đảm bảo tính khách quan ở mức cao nhất.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, nếu chất lượng các bài dự thi các năm sau cao hơn, ban giám khảo sẽ đề xuất với lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các đơn vị tài trợ để nghiên cứu tăng cơ cấu giải nhằm khuyến khích người tham gia và đạt kết quả cao nhất.

Trao đổi thêm về điều này, nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại nhấn mạnh, đây cũng là trăn trở của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, ban tổ chức.

Thời gian tới, Báo Giáo dục và Thời đại sẽ trình Bộ GD&ĐT về việc mở rộng cơ cấu giải mới, có thể thêm một số loại hình báo chí dự thi khác hoặc tăng số lượng giải. Ban giám khảo phải cân nhắc rất kỹ lưỡng để lựa chọn các tác phẩm phù hợp để trao giải.

Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực.

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018, Giải nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp Giáo dục, về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục.

Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.

Năm 2024, Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam nhận các tác phẩm bằng tiếng Việt ở 4 loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình; được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng kể từ ngày 5/9/2023 đến ngày 5/9/2024.

Một tác phẩm xuất sắc nhất sẽ được trao Giải đặc biệt (được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT). Ngoài ra, mỗi loại hình có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải Khuyến khích; cùng với đó là 2 nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải.

Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2024 sẽ được tổ chức vào sáng 16/11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.