Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam:

Giải thưởng tiếp thêm động lực để người làm báo có những tác phẩm hay về ngành

GD&TĐ - Theo nhà báo Lục Thị Khánh Chi, Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận nỗ lực của những người làm báo.

Nhà báo Khánh Chi nhận giải năm 2022.
Nhà báo Khánh Chi nhận giải năm 2022.

3 lần đoạt giải

Năm 2024 này là lần thứ 3 Nhà báo Lục Thị Khánh Chi, công tác tại Báo Bà Rịa - Vũng Tàu vinh dự đoạt giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”. Ở giải năm nay, tác phẩm được trao giải là loạt bài “Vì sao phân luồng học nghề sau THCS chưa đạt hiệu quả?”.

Chia sẻ về đề tài đoạt giải, nhà báo Khánh chi cho biết, Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2018. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, nhiều địa phương trên trên cả nước, trong đó có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gặp phải những thách thức.

Tại địa phương này, để triển khai phân luồng theo chỉ đạo của Chính phủ, địa phương đặt ra lộ trình giảm dần tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT, đến năm 2025 chỉ còn 60%.

“Phần lớn các em lựa chọn các trường THPT tư thục, trung tâm GDTX, hoặc thậm chí học nghề tự do hoặc… bỏ học chứ không mặn mà với giáo dục nghề nghiệp như kỳ vọng. Trước thực trạng đó, Ban Biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao nhiệm vụ cho tôi tìm hiểu thông tin để viết bài về thực trạng này”, nhà báo Khánh chi chia sẻ.

Được biết, khi thực hiện đề tài, bản thân nhà báo Khánh chi xác định phải đầu tư khá nhiều thời gian để làm việc với đủ mọi đối tượng, từ học sinh cho tới giáo viên, Ban Giám hiệu các trường THCS, THPT, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, lãnh đạo ngành giáo dục, ngành LĐTBXH, đại diện các địa phương… Việc khai thác thông tin có thể gặp một số khó khăn, đơn cử như việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp “ngại” chia sẻ về vấn đề tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, cơ sở vật chất chưa bảo đảm… Bên cạnh đó, bài viết cũng đòi hỏi rất nhiều số liệu mà các sở ngành, địa phương phải mất nhiều thời gian để tổng hợp…

“Thế nhưng, điều may mắn là bản thân tôi đã được Ban Biên tập hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để chuyên tâm thực hiện đề tài. Một “cơ may” khác là vào thời điểm đó, HĐND tỉnh tổ chức giám sát về công tác phân luồng, hướng nghiệp. Nhận ra đó là cơ hội để đi sâu thực tế, tiếp cận nguồn tin, tôi đã đồng hành cùng đoàn khảo sát gần cả tháng trời. Song song với đó là thu thập thêm thông tin từ nhiều nguồn khác để củng cố tư liệu cho loạt bài”, nhà báo Khánh cho hay.

giai-bao-chi-vi-su-nghiep-giao-duc.jpg
Nhà báo Khánh Chi trong một lần tác nghiệp.

Kỷ niệm đáng nhớ

Loạt bài “Vì sao phân luồng học nghề sau THCS chưa đạt hiệu quả?” ra đời với 5 kỳ. Trong đó, kỳ 1 nêu lên kế hoạch và thực tế triển khai công tác phân luồng trên địa bàn tỉnh để từ đó thấy được từ vị trí hiện tại tới đích đến còn quá xa vời. Hai kỳ tiếp theo đi vào phân tích nguyên nhân khiến trường nghề chưa tạo được sức hút, công tác phân luồng sau THCS chưa đạt hiệu quả. Kỳ 4 nêu lên những giải pháp nhằm tạo sức hút cho giáo dục nghề nghiệp. Kỳ cuối viết về những nỗ lực của cả hệ thống chính trị địa phương để các em học sinh rớt lớp 10 công lập không bơ vơ trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Nhà báo Khánh Chi chia sẻ: “Quá trình thực hiện loạt bài là một kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình làm báo của bản thân tôi. Loạt bài viết khi ấy được dư luận xã hội tại địa phương rất quan tâm. Thậm chí được HĐND tỉnh sử dụng để tham khảo, tổng hợp thông tin”.

Cũng theo Nhà báo Khánh Chi, một tác phẩm báo chí có sức lan tỏa và có tác động xã hội, đối với cả tòa soạn nói chung và với bản thân tôi nói riêng đã là một niềm hạnh phúc. Và niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào ấy càng được nhân lên khi loạt bài viết được chọn là một trong những tác phẩm nổi bật.
Được trao giải tại một giải báo chí uy tín, tầm cỡ dành riêng cho lĩnh vực giáo dục như Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam. Đây là nguồn động viên, tinh thần với những người làm báo nói chung và phóng viên phụ trách lĩnh vực GD&ĐT bản thân chị nói riêng. Từ đó, tiếp thêm động lực để vượt qua khó khăn trong công việc, tạo nên những tác phẩm có ý nghĩa.

“Có thể nói, Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận nỗ lực của những người làm báo, vinh danh các tác phẩm được đầu tư công phu, đề tài có tính phát hiện. Các tác phẩm được trao giải là những mảnh ghép sắc nét tạo ra bức tranh tổng thể về giáo dục. Từ đó góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội, đồng thời thực hiện xu hướng “báo chí giải pháp”, thể hiện vai trò tích cực với những vấn đề “nóng” của lĩnh vực giáo dục, thúc đẩy ngành GD&ĐT ngày càng phát triển”, nhà báo Khánh Chi bày tỏ.

“Với tôi, việc tham gia Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam là cơ hội được tiếp cận với các tác phẩm xuất sắc, được kết nối, giao lưu, học hỏi từ đồng nghiệp để trau dồi thêm kỹ năng, kinh nghiệm làm nghề. Tôi tin tưởng rằng Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định uy tín, thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà báo chuyên nghiệp cũng như những cây bút không chuyên”, nhà báo Khánh Chi chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ