Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam:

Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam: Lan toả truyền thống tôn sư, trọng đạo

GD&TĐ - Tác phẩm “Văn hoá ứng xử học đường”, với thông điệp lan toả truyền thống tôn sư, trọng đạo.

Nhà báo Phạm Hương (bên trái) cùng các tác giả.
Nhà báo Phạm Hương (bên trái) cùng các tác giả.

Văn hoá ứng xử học đường - vấn đề khó

Năm 2024, nhóm tác giả Đài PTTH Thái Bình tiếp tục tham dự giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam với tác phẩm phát thanh trực tiếp 4 kỳ về chủ đề “Văn hoá ứng xử học đường”. Đây là một trong những tác phẩm đoạt giải năm nay.

Nhà báo Phạm Hương (Phó trưởng phòng Chuyên đề - chuyên mục, Đài PTTH Thái Bình) đại diện nhóm tác giả cho biết, bản thân từng là một nhà giáo, có 6 năm gắn bó với công tác giảng dạy, trước khi bén duyên với nghề báo. Chị đã từng chứng kiến những cảnh học sinh đánh nhau, thậm chí có những hành vi, lời nói xúc phạm giáo viên…

Có những lúc học trò khiến bản thân mình cũng cảm thấy bị xúc phạm, nếu không kiềm chế được cảm xúc thì có thể có những lời nói, hành động không chuẩn mực với học sinh ngay trong lớp học.

Chính sự trải nghiệm đó đã giúp chị có sự đồng cảm, hiểu rõ hơn về bản chất của vấn đề bạo lực học đường. Vì thế, dù không còn giảng dạy, nhưng ở góc nhìn của nhà báo, chị vẫn còn nhiều trăn trở, tâm huyết với những vấn đề về xây dựng môi trường văn hóa học đường, bảo vệ quyền trẻ em cũng như vấn đề bạo lực học đường.

Những tháng cuối năm 2023, trên báo chí và mạng xã hội xuất hiện rất nhiều vụ việc liên quan đến giáo viên và hành vi bạo lực học đường. Lãnh đạo Đài PTTH Thái Bình có đưa ra gợi ý cho các phóng viên, biên tập viên phản ánh thực trạng này.

Với vai trò là biên tập, tổ chức sản xuất, đạo diễn chương trình phát thanh trực tiếp hàng ngày, nhà báo Phạm Hương đã hội ý cùng nhóm phóng viên trẻ (Phóng viên Khánh Giang và Thu Huyền) triển khai ngay đề tài để thực hiện trực tiếp trên sóng phát thanh đồng thời livestream trên fanpage của đài.

“Khi bắt đầu, chúng tôi hiểu rằng đây là một chủ đề rất nhạy cảm và khó, đặc biệt là trong việc tìm kiếm khách mời để bàn luận trực tiếp trên sóng về vấn đề này. Lúc đó việc tìm khách mời là một thử thách rất lớn đối với chúng tôi, hầu hết khách mời đều từ chối tham gia vì lý do đây là vấn đề nhạy cảm, khó nói mà lại nói trực tiếp trên sóng thì càng khó”, nhà báo Phạm Hương chia sẻ.

May mắn, vào một hôm trời mưa, con gái của chị đi học về thì xe đạp điện bị hỏng. Cháu phải dắt bộ xe về nhà, lúc đó cũng gần 12h trưa. Trên đường, cháu gặp cô giáo Phạm Thái Hà đang trên đường đi dạy về bằng ô tô. Khi thấy cháu đang dắt xe, cô đã dừng lại hỏi thăm. Sau khi biết cháu còn cách nhà gần 3 km mà trời lại đang mưa to, đường ngập, cô Hà đã bảo con chị đợi để cô cất xe ô tô. Sau đó, cô cùng con trai của mình đi xe máy đẩy xe đưa cháu về tận nhà.

Từ câu chuyện đời thường ấy, và sau khi tìm hiểu về cô Hà, tôi thấy cô là một tấm gương điển hình về sự tận tâm và cống hiến cho nghề giáo, nên tôi nghĩ ngay đến việc mời cô tham gia chương trình. Và rất vui vì cô đã nhận lời và đồng ý tham gia”, nhà báo Phạm Hương kể.

anh-1.jpg
Nhà báo Phạm Hương, Phó trưởng phòng Chuyên đề - Đài PTTH Thái Bình.

Tiếp đó, chị đã quay lại thuyết phục được nhà giáo ưu tú, thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn, người đã từng tham gia rất nhiều chương trình trực tiếp của đài trước đó, nhưng vẫn còn đang đắn đo chưa nhận lời với chủ đề mà thạc sĩ cho là “quá tầm” của mình.

Đưa ra những góc nhìn, phân tích sâu sắc

Ngay sau khi khách mời đồng ý lên sóng, cả nhóm tác giả đã nhanh chóng hoàn thiện ý tưởng chuẩn bị kỹ lưỡng kịch bản và bắt tay vào làm việc chuẩn bị cho số đầu tiên với chủ đề “Văn hóa ứng xử học đường và Đạo đức nhà giáo”.

“Kịch bản của chúng tôi đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, vì khi phát sóng, chúng tôi muốn chương trình thật sự chỉn chu, với góc nhìn đa chiều. Đặc biệt khi lên sóng trực tiếp, chúng tôi không muốn gặp phải những tình huống bất ngờ”, nhà báo Phạm Hương nói.

Các số tiếp theo xoay quanh vấn đề kỹ năng giao tiếp, ứng xử của học sinh, sinh viên trong môi trường học đường; kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường; mối quan hệ thầy trò với sự tham gia của nhiều khách mời là các thầy cô giáo, chuyên gia tâm lý, luật sư… nhằm giúp cho học sinh, sinh viên rèn luyện văn hóa ứng xử, giao tiếp chuẩn mực trong môi trường học đường, với thầy cô, với bạn bè…

Theo Nhà báo Phạm Hương, khi chương trình được phát sóng trực tiếp trên đài phát thanh và trên fanpage đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía thính giả và chuyên gia khách mời, khách mời bày tỏ quan điểm của mình thông qua hỏi đáp trực tuyến. Những câu hỏi liên quan đến pháp luật, các hành vi bạo lực, ê kíp cũng đã trao đổi trước và kết nối với các luật sư để tham gia trả lời các câu hỏi của khán thính giả gửi đến chương trình.

Sự kết hợp giữa các khách mời, chuyên gia và thính giả đã tạo ra một không gian trao đổi mở rộng qua điện thoại trực tuyến, hoặc đặt câu hỏi trên fanpage, giúp mọi người cùng thảo luận và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay.

Tham dự giải với loạt tác phẩm chỉ mong muốn lan toả thêm những góc nhìn đa chiều về một vấn đề khó và khá nhạy cảm “Văn hoá ứng xử học đường và Đạo đức nhà giáo”.

“Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến khán thính giả và các ngành chức năng đó là chúng ta hãy cùng nhau phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Truyền thống tôn sư, trọng đạo, đúng với tinh thần xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần, trụ cột cho sự phát triển bền vững”, nhà báo Phạm Hương nói.

Theo Nhà báo Phạm Hương, Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam là một giải uy tín. Theo dõi giải có thể thấy các tác phẩm đoạt giải không chỉ là dừng lại những đề tài tôn vinh, lan toả những tấm gương điển hình của ngành Giáo dục mà còn có nhiều tác phẩm phản ánh những vấn đề nóng về lĩnh vực giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Chọn môn thi - chọn tương lai

GD&TĐ - Khảo sát của nhiều sở GD&ĐT, Ngoại ngữ vẫn là môn được nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT...