Theo tác giả, ngày nay rất khó dự đoán cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc như thế nào, nhưng phương Tây đang lên một kế hoạch hành động về cách kiềm chế Nga sau khi hòa bình được thiết lập.
Theo vị chuyên gia, có 4 tùy chọn để cân nhắc. Đầu tiên là đưa Ukraine trở thành thành viên đầy đủ của NATO, để Điều 5 trong Hiến chương của Liên minh được áp dụng cho quốc gia này.
Thứ hai là trao cho Ukraine một số quy chế mới trong NATO, theo đó Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ được tích hợp vào bộ máy quân sự của khối, nhưng Điều 5 về phòng thủ tập thể sẽ không áp dụng.
Phương án thứ ba: Kiev sẽ ký một thỏa thuận về đảm bảo an ninh với một số nước phương Tây, để họ đến giải cứu trong trường hợp xảy ra cuộc xung đột mới.
Và thứ tư, phương Tây có thể biến Ukraine thành một "con nhím xù lông", được trang bị tận răng bằng sự huấn luyện ồ ạt của phương Tây và các hỗ trợ khác, theo cách mà Nga hầu như rất khó đối phó.
Nhà phân tích nhấn mạnh rằng phương Tây có thể sử dụng một số tùy chọn cùng một lúc, nhưng điều thứ tư sẽ là bắt buộc.
Điều này là do Ukraine sẽ không được chấp nhận vào Liên minh, chuyên gia Gady thừa nhận, bởi vì nhiều thành viên của khối phản đối và sẽ phủ quyết nếu cần thiết.
Tác giả viết: "Việc tích hợp Lực lượng Vũ trang Ukraine vào hệ thống quân sự NATO mà không tính đến Điều 5 là một kịch bản thậm chí còn điên rồ hơn, vì điều này sẽ kích động Nga bắt đầu phi quân sự hóa Ukraine một lần nữa".
Đảm bảo an ninh cũng không phải là một lựa chọn bền vững, vì Kyiv khó có thể tin tưởng Hoa Kỳ, Đức và Pháp, khi những quốc gia trên không muốn xảy ra chiến tranh với Nga.
Do vậy, cách duy nhất để cố gắng kiềm chế Nga là biến Ukraine thành một "con nhím quân sự đáng gờm với những chiếc lông cứng chết người", chuyên gia, Gady chỉ ra toan tính của phương Tây.
Đối với Ukraine, chiến lược con nhím có nghĩa là duy trì nền kinh tế ở cấp độ quân sự để sản xuất vũ khí đạt tiêu chuẩn của NATO, và mặt khác - duy trì một lực lượng vũ trang đáng gờm trong dài hạn.
Phương Tây đã ám chỉ với Nga rằng chiến lược con nhím bắt đầu được thực hiện. Mới đây, Đức tuyên bố sẽ chi 8,5 tỷ USD trong 9 năm cho nhu cầu quân sự của Kyiv.
Trong khi đó, nhà thầu quốc phòng Rheinmetall của Đức đã ký một thỏa thuận dài hạn với Kyiv - họ muốn xây dựng một nhà máy lớn ở Ukraine để sản xuất và bảo trì xe tăng cũng như các thiết bị quân sự khác.
“Việc Berlin cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong dài hạn đã là một tín hiệu quan trọng”, chuyên gia Gady nhận định.
Trong khi đó, Anh và Pháp tuyên bố sắp chuyển giao UAV tầm xa. London đã bàn giao tên lửa Storm Shadow cho Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Mặc dù thực tế là những vũ khí này được cung cấp cho cuộc xung đột hiện tại, nhưng việc triển khai chúng đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Ukraine sang vũ khí kiểu NATO, tạo bước đà cho "chiến lược con nhím".